Cơ cực miền thùy dương: Vùng biển lắm tai ương
Để có những chuyến tàu, thuyền cập bến với cá nặng lưới đầy, người dân miền biển, nhất là người phụ nữ, không ít lần phải ngậm đắng nuốt cay mỗi khi đại dương nổi trận cuồng phong
Xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa nằm quay mặt ra phía biển. Đất chật người đông lại không có đất nông nghiệp nên đi biển là nghề chính. Biển đã nuôi sống bao thế hệ con người của mảnh đất này nhưng cũng đã lấy đi không ít máu và nước mắt.
Kinh hoàng bão, lốc
Nhắc lại cơn bão năm Tân Mùi 1931, giọng ông Trần Văn Hạnh trầm buồn: “Đã là người con của Diêm Phố (tên trước đây của xã Ngư Lộc), không ai quên được cơn bão năm đó. Một trận bão lớn và đến bất ngờ đã nhấn chìm hầu như toàn bộ thuyền bè đánh bắt ngoài khơi và cướp đi vĩnh viễn 344 người con của Ngư Lộc”.
5 năm sau, người dân huyện Hậu Lộc lại đón nhận một trận cuồng phong khác, cướp đi sinh mạng 121 người, trong đó Ngư Lộc có hơn 60 người. Theo ông Nguyễn Ngọc Đa - Trưởng thôn Thắng Tây, xã Ngư Lộc - năm nào cũng vậy, dù trời yên biển lặng, Ngư Lộc cũng có ít nhất vài ngư dân đi mãi không về.
Cũng chứng kiến nhiều thảm kịch không kém là 2 ngôi làng lốc ở tỉnh Nghệ An. Sở dĩ gọi là làng lốc vì hàng chục ngư dân của làng này đã phải bỏ mạng trong những trận lốc xoáy kinh hoàng quét qua biển. Làng lốc Trung Mỹ thuộc xã Diễn Hải, huyện Diễn Châu, 30 năm về trước có tổng cộng 51 người đàn ông thiệt mạng. Còn làng lốc Tân Lập thuộc xã Nghi Quang, huyện Nghi Lộc thì có 36 ngư dân bị lốc cuốn chết cách nay hơn 20 năm.
Rồi không chỉ vì giông lốc, những cuộc mưu sinh trên biển luôn bấp bênh theo con nước và mang nhiều hiểm họa khó lường. Hầu như năm nào ở đây cũng có vài người nằm lại với biển.
Sau một đêm bỗng thành góa phụ
“Lấy chồng nghề ruộng em theo. Lấy chồng nghề biển hồn treo cột buồm”.
Đó là câu ca dao mà bất cứ người phụ nữ nào sinh ra, lớn lên trên dải đất ven biển miền Trung cũng thuộc nằm lòng. Bởi lẽ, lấy chồng nghề biển, có khi sau một đêm đã trở thành góa phụ. Tính từ năm 1996 đến nay, xã Ngư Lộc có tới 142 phụ nữ góa chồng, cuộc sống của họ vô cùng vất vả.
Bà Đồng Thị Quyên đau buồn khi nhắc về người chồng vắn số Ảnh: TUẤN MINH
Ghé thăm nhà bà Đồng Thị Quyên (50 tuổi, ở thôn Thắng Tây), có chồng tử nạn cùng 8 người khác trong vụ đắm tàu vào tháng 9-2010, nhắc chuyện cũ, bà òa khóc: “Thoát chết trong trận lốc năm 1996, về nhà ông ấy hứa sẽ không bao giờ đi biển nữa. Thế rồi thằng cháu có tàu mới rủ ông ấy đi và từ đó không về nữa. Cũng vì miếng cơm manh áo mà thôi…”.
Lau nước mắt, bà Quyên cho biết số phận hẩm hiu không chỉ gọi tên bà. Ở mảnh đất ven biển này, số phụ nữ có chồng bỏ mạng khi đi biển nhiều không kể hết. Có người cưới nhau nằm chưa ấm gối thì chồng đã vĩnh viễn không về, có người chồng chết khi con còn đỏ hỏn.
Còn ở 2 làng lốc của Nghệ An, số phụ nữ góa chồng cũng lên đến hàng trăm. Riêng trong 2 trận lốc thì có đến khoảng 50 người. Hiện nay, thỉnh thoảng người ta vẫn thấy cảnh những người đàn bà nằm gào thét vật vã trên bãi biển khi chồng, con đi biển không về. Dù mỗi người một số phận nhưng đa số những người phụ nữ đó vẫn không đi bước nữa mà ở vậy nuôi con.
Chồng chết trong một vụ đắm thuyền vào tháng 6-2011, bà Nguyễn Thị Sao (SN 1962, ngụ xóm Tân Lập) phải một mình nuôi 8 đứa con và lo trả món nợ 100 triệu đồng vay mượn để đóng thuyền. “Mất chồng, mất cả thuyền khiến gia đình tôi rơi vào cảnh túng quẫn. Có lúc tuyệt vọng, tôi đã nghĩ đến cái chết nhưng nghĩ đến mấy đứa con nên gắng gượng” - bà Sao xót xa.
Bà Đậu Thị Hoa ở xóm Trung Mỹ, có chồng chết vì gặp lốc khi đi biển, cho biết: “16 tuổi mất cha, 26 tuổi thì mất chồng. Lúc anh ấy mất, tôi nghĩ mình không thể sống được vì lấy gì để nuôi mẹ già và 4 con nhỏ. Tôi làm đủ thứ nghề để sống, có nhiều người đến hỏi cưới nhưng vì thương con nên tôi quyết định ở vậy, giờ 4 đứa đều khôn lớn cả”.
Mồ côi từ tấm bé
Cùng với những người phụ nữ mất chồng là nhiều đứa trẻ mất cha. Thương nhất là những cháu bé phải chịu cảnh mồ côi từ ngay khi còn trong bụng mẹ. Chị Dương Thị Thu An (21 tuổi, ngụ xã An Hải, huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) mới mang thai được 7 tháng thì chồng là Nguyễn Văn Cường (25 tuổi) đi Hoàng Sa lặn biển và bỏ mình ở đó. Nuốt nước mắt vào lòng, chị An mang nặng đẻ đau một mình. Giờ bé Nguyễn Duy Khang, con trai chị, đã biết đi chập chững.
Cùng hoàn cảnh là bé Nguyễn Thị Bích Vy (5 tuổi, ngụ xã An Hải). Lúc Vy mới tượng hình trong bụng mẹ được 2 tháng thì cha cháu chết ngạt dưới biển khi đang lặn bắt hải sâm ở Hoàng Sa. Ngày anh Thành mất đã để lại cho chị Hạnh số nợ 20 triệu đồng. Tính đến nay đã 5 năm, dù đã làm việc cật lực nhưng chị Hạnh chỉ đủ tiền nuôi con chứ chưa trả hết được nợ.
3 năm, 46 người bỏ mạng ngoài khơi
Theo báo cáo từ Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thanh Hóa, tính từ năm 2011 đến tháng 10-2013, toàn tỉnh Thanh Hóa xảy ra 88 vụ tai nạn trên biển khiến 46 người chết, 56 người bị thương, 56 tàu thuyền bị chìm, thiệt hại gần 20 tỉ đồng. Các vụ trên xảy ra ở 6 huyện, thị ven biển nhưng nhiều nhất là 2 huyện Hậu Lộc và Tĩnh Gia.
Hiện toàn tỉnh Thanh Hóa có 5.866 tàu thuyền với 28.533 lao động. Tàu cá ở đây vẫn còn rất lạc hậu, công suất nhỏ; số tàu cá 1.000 CV trở lên chỉ đếm trên đầu ngón tay.
T.Minh
Kỳ tới: Hồn treo cột buồm