Có nên xổ ký sinh trùng đường ruột cho tôm?
Đường ruột là một trong những bộ phận quan trọng nhất trên cơ thể tôm.
Làm sao để biết đường ruột tôm có ký sinh trùng?
Cùng với gan tụy, đường ruột chính là cơ quan cần được chăm sóc nhiều nhất trên cơ thể tôm nuôi. Đường ruột và gan tụy sẽ quyết định khả năng hấp thu chất dinh dưỡng và sự phát triển của tôm. Hay nói cách khác, tôm có về size lớn hay không thì phải xem gan tụy và đường ruột có khỏe không?
Đường ruột tôm cũng có cấu tạo từ các nhung mao, với chức năng hấp thụ và tiêu hóa thức ăn. Ruột tôm cơ bản có 2 thành phần chính là hệ thống enzyme và hệ vi sinh vật có lợi lẫn có hại. Khi thức ăn vào đường ruột, những vi khuẩn có lợi sẽ tiến hành hấp thu dinh dưỡng rồi chuyển hóa thức ăn này trong nội bào của chúng, chúng cũng tiết enzyme để thức ăn được hấp thu chất dinh dưỡng và tiêu hóa dễ dàng hơn.
Sự cạnh tranh sẽ xảy ra liên tục trong đường ruột tôm giữa vi khuẩn có lợi và có hại. Do đó, bên nào chiến thắng sẽ là nhóm vi sinh vật chiếm ưu thế trong ruột. Sẽ không có gì đáng ngại nếu như nhóm vi khuẩn có lợi chiếm ưu thế, đây cũng là điều mà người nuôi hằng mong muốn.
Tuy nhiên, sự thật thì nhóm vi sinh vật có hại lại thường là nhóm thắng thế nhiều hơn. Dẫn đến nhiều sự bất lợi về sức khỏe của tôm, trong đó đáng ngại nhất là tạo điều kiện cho ký sinh trùng phát triển trong đường ruột, khiến tôm không hấp thụ được nhiều chất dinh dưỡng, từ đó chúng không phát triển và lớn lên được.
Thông thường khi tôm vào giai đoạn 30 ngày tuổi (khoảng 1 tháng), nên mang đến các phòng LAB kiểm tra ký sinh trùng trong gan tụy và đường ruột. Phát hiện sớm bất thường sẽ dễ dàng điều trị hơn, ngay từ ban đầu. Loại ký sinh trùng xuất hiện nhiều nhất là EHP, Gregarine và thể Vermiform.
Vermiform và Gregarine
Trước đây, vermiform được mô tả là giống với gregarine về cấu tạo và hình dạng. Tuy nhiên, chưa có tài liệu nào kết luận gregarine lại trùng với kết quả mô tả vermiform ở hiện tại. Cụ thể, vermiform không thể vận động và thiếu các bào quan để cấu thành cơ thể.
Chúng là những thành phần bị bong tróc, xuất phát từ vi nhung mao của tế bào biểu mô ống. Chứ không hề giống với với cấu tạo của một ký sinh trùng. Quá trình bong tróc gan tụy chỉ ra rằng sự hình thành vermiform là do bệnh lý và thể vermiform là triệu chứng của bệnh lý đó.
Có nên xổ ký sinh trùng?
Vì chức năng quan trọng của đường ruột, nên xổ ký sinh trùng là giải pháp cần thiết trong nuôi tôm, để hạn chế và giảm bớt sự gây hại của loại tác nhân này.
Thời điểm nào thì xổ ký sinh trùng?
Tôm nuôi sau 1 tháng (30 ngày tuổi). Vì lúc này tôm đã hình thành các chức năng chính trong cơ thể, có thể chịu đựng được các hóa chất, sản phẩm có hiệu quả xổ ký sinh.
Xổ ký sinh như thế nào?
Trước khi tiến hành xổ ký sinh trùng cho tôm, điều tiên quyết là phải mang tôm đi kiểm tra, xem mức độ nhiễm ký sinh trùng, đồng thời kết quả này cũng biểu thị tình trạng sức khỏe tôm hiện tại. Theo đó có thể xác định nên chọn loại thuốc hóa chất xổ ký sinh nào cho phù hợp.
Xổ ký sinh bằng gì?
Có thể dùng các thành phần với chức năng xổ ký sinh trên tôm như Tanin, Berberine, Betaine, Albendazone,… theo liều lượng được nhà sản xuất công bố.
Chăm sóc tôm sau xổ ký sinh như thế nào?
Xổ ký sinh được xem là một phương pháp trị bệnh dễ thực hiện và có hiệu quả. Nhưng cũng không được lạm dụng, phải theo hướng dẫn của nhà sản xuất, để không gây ra những tác dụng phụ cho tôm nuôi. Sau khi đã xổ ký sinh, tôm nên được chăm sóc một cách kỹ càng hơn, như sau:
- Bổ sung thêm enzyme tiêu hóa, acid hữu cơ hoặc men vi sinh vật có lợi vào đường ruột, tạo điều kiện cho chúng chiếm ưu thế hơn, từ đó tôm sẽ ít bệnh hơn.
- Cho tôm ăn thức ăn chất lượng, độ đạm phù hợp với các cử ăn hợp lý, tránh tình trạng dư hoặc thiếu, gây hại cho sự tiêu hóa trong đường ruột tôm.
Ngoài ra, một số yếu tố khác có liên quan cũng nên được chú ý đó là các chỉ tiêu trong môi trường nước, đặc biệt là pH, độ mặn, các khí độc trong ao nuôi ở mức độ có thể kiểm soát được.
Cuối cùng là lúc nào cũng kịp thời theo dõi sức khỏe tôm, để có những bước xử lý nhanh nhất có thể khi có bất thường xảy ra đối với tôm. Thường xuyên mang mẫu nước và mẫu tôm đến các phòng xét nghiệm kỹ thuật thủy sản để kiểm tra. Có như vậy mới đảm bảo tôm nuôi có một sức khỏe tốt, nhanh về size lớn.