Con cá tra một năm lận đận
Suốt năm qua, ngành cá tra Việt Nam liên tiếp gặp khó khăn, vui ít, buồn nhiều. Tuy nhiên, với dự đoán giá trị xuất khẩu đạt 1,8 tỉ đô la trong năm 2012, tương đương với năm 2011 đã phần nào khẳng định được sự nỗ lực của “con cá vàng” của thủy sản Việt Nam.
Giá trị xuất khẩu giảm mạnh
Tình hình kinh tế thế giới tiếp tục suy giảm, đặc biệt tại các thị trường xuất khẩu chính như EU, Mỹ, ASEAN… đã ảnh hưởng không nhỏ đến xuất khẩu cá tra của Việt Nam. Theo số liệu của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), 11 tháng đầu năm 2012, xuất khẩu cá tra Việt Nam sang các thị trường giảm 2,4% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt gần 1,6 tỉ đô la. Trong nhóm 8 thị trường chính nhập khẩu cá tra Việt Nam, có tới 5 thị trường giảm nhập khẩu là EU, ASEAN, Mexico, Brazil và Arập Xêut. Các thị trường khác như Mỹ, Trung Quốc và Hồng Kông, Colombia tuy có tăng trưởng nhưng Mỹ và Colombia tăng trưởng không ổn định và có xu hướng giảm nhập khẩu trong các tháng cuối năm.
Cụ thể, xuất khẩu cá tra sang Mỹ từ đầu năm đến tháng 8/2012 tăng trưởng đều và từ tháng 9/2012 bắt đầu giảm nhẹ 7,5% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng sang tháng 10 và tháng 11 đã giảm trên 20%/tháng.
Giá trị xuất khẩu cá tra sang EU chỉ tính riêng trong tháng 11/2012 đạt 29,8 triệu đô la, giảm 11,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là tháng thứ 8 liên tiếp, giá trị xuất khẩu diễn biến theo chiều hướng đi xuống, rõ nhất là tháng 5 và tháng 9 với mức giảm 29%/tháng.
Xuất khẩu cá tra sang ASEAN, Mexico, Brazil và Arập Xêut trong 11 tháng đầu năm nay cũng giảm so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó xuất khẩu sang ASEAN giảm 1%,xuất khẩu sang Brazil giảm 8,2%...
Xuất khẩu cá tra sang Colombia 11 tháng đầu năm 2012 đạt 46,9 triệu đô la, tăng 3,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, trong 4 tháng gần đây đều giảm hơn 10%/tháng. Nếu cứ tiếp đà sụt giảm này thì thị trường vốn được coi là tiềm năng của cá tra Việt Nam sẽ khó có thể trụ lại được trong số 8 thị trường chính nhập khẩu cá tra của Việt Nam.
Xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc và Hồng Kông 11 tháng đầu năm nay đạt 65,9 triệu đô la, tăng 33,9% so với cùng kỳ năm 2011. Đáng lưu ý là, xuất khẩu sang thị trường này tháng nào cũng tăng trưởng trên 2 con số, trừ tháng 6 giảm nhẹ 3,2%.
Theo dự đoán của VASEP, giá trị xuất khẩu cá tra năm 2012 sẽ đạt 1,8 tỉ đô la, tương đương với năm 2011.
Đánh giá về con số này tiến sĩ Nguyễn Huy Điền – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: “1,8 tỉ đô la, con số này đã thể hiện rõ kết quả nỗ lực vượt khó của cộng đồng người nuôi, các doanh nghiệp”.
Quá nhiều “sóng gió”
Kể từ đầu năm đến nay, giá cá tra nguyên liệu tăng, giảm thất thường, xu hướng chủ yếu là giảm, cộng với tình trạng các chi phí đầu vào liên tục tăng cao khiến nông dân rơi vào tình trạng lỗ lã, nhiều hộ nông dân “treo ao”, hết vốn để tái đầu tư sản xuất. Một số khác thu hẹp diện tích để nuôi theo kiểu cầm chừng hoặc chuyển sang nuôi loại cá khác với quy mô nhỏ để bán ở các chợ trong nước.
Khó khăn cũng diễn ra đối với nhiều doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cá tra bởi thiếu nguyên liệu và thiếu vốn cho hoạt động sản xuất.
Ông Dương Ngọc Minh, Tổng giám đốc Công ty Hùng Vương cho biết, đến nay đã có hơn nửa số nhà máy cá tra phải đóng cửa, số còn lại chỉ hoạt động từ 40 – 50% công suất. Việc sụt giảm này bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, từ việc doanh nghiệp thiếu vốn mua cá đến tình trạng một số doanh nghiệp nợ kéo dài nên nhiều hộ nuôi cá yêu cầu thanh toán tiền mặt ngay đã khiến các nhà máy thiếu cá nên phải hoạt động cầm chừng.
Chẳng hạn như tại Cần Thơ, toàn thành phố có hơn 10 nhà máy chế biến cá tra với công suất khoảng 1.200 tấn/ngày, nhưng thời điểm này sản xuất chưa được 400 tấn/ngày. Tình trạng này kéo theo việc đóng cửa hàng loạt nhà máy chế biến thức ăn thủy sản. Cũng theo ông Minh, hiện có đến 70% nhà máy chế biến thức ăn cho cá gặp khó khăn, trong đó trên 40% đóng cửa.
Trước tình hình khó khăn của ngành cá tra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề nghị Chính phủ hỗ trợ, trong đó đề xuất gói 9.000 tỉ đồng cho vay với lãi suất thấp nhằm giúp doanh nghiệp và người nuôi cá tra vượt khó.
Sau khi được thông qua bằng chính sách cho vay ưu đãi cho cả người nuôi và doanh nghiệp, giá cá nguyên liệu đã có chiều hướng tích cực hơn. Tuy nhiên, đến nay cả người nuôi lẫn doanh nghiệp vẫn chưa thể tiếp cận nguồn vốn nên khó khăn vẫn chưa được tháo gỡ.
Bên cạnh đó, Chính phủ đã giao Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại thực hiện giãn nợ tối đa 24 tháng và hạ lãi suất đối với các khoản đã vay cho nông dân, tiếp tục cho vay mới với lãi suất thấp là 11%/năm cho chế biến và xuất khẩu cá tra. Tuy nhiên, theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP, để vay được vốn không dễ, doanh nghiệp và người nuôi phải có tài sản thế chấp, chứng minh được phương án kinh doanh hiệu quả. Yêu cầu này là rất khó trong bối cảnh xuất khẩu ảm đạm. Và thực tế, mặc dù là lãi suất ưu đãi nhưng mức 11% vẫn quá cao trong tình hình hiện nay.
Chứng tỏ “sức mạnh”
Có thể nói, 2012 là một năm nhiều thăng trầm của ngành cá tra Việt Nam đối với cả sản xuất trong nước và xuất khẩu. Tuy nhiên, cũng là một năm để “thế mạnh thứ hai” của thủy sản Việt Nam thể hiện “sức mạnh” của mình với nhiều kết quả tích cực.
Đầu tiên phải kể đến thắng lợi trong kết quả cuộc rà soát thuế chống bán phá giá lần thứ 8 (POR8) đối với sản phẩm cá tra Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ do Bộ Thương mại Mỹ (DOC) công bố vào ngày 31/8/2012.
Theo đó, mức thuế được áp dụng đối với các doanh nghiệp cá tra Việt Nam là bị đơn bắt buộc (các doanh nghiệp có khối lượng xuất khẩu lớn) là 0.00 đô la/kg; mức thuế cho các bị đơn tự nguyện (các doanh nghiệp không được lựa chọn điều tra nhưng tự nguyện tham gia) dựa trên mức trung bình của thuế suất cho các bị đơn bắt buộc là 0.00 đô la/kg; mức thuế toàn quốc (dành cho các nhà xuất khẩu còn lại không được chọn làm bị đơn bắt buộc và không tự nguyện tham gia hoặc có tham gia nhưng không đầy đủ) là 2,11 đô la/kg. Kết quả sơ bộ POR8 cho thấy, đây là mức thuế thấp nhất so với các đợt rà soát hành chính trước đây.
Tiếp đến là việc cá tra Việt Nam nhảy vọt từ vị trí thứ 9 năm 2010 lên vị trí thứ 6, vượt qua cả cá da trơn Mỹ trong bảng xếp hạng 10 loại thủy sản được ưa chuộng nhất tại Mỹ năm 2011 do Hiệp hội Thủy sản Quốc gia Mỹ (NFI) bình chọn.
Và thành công có thể nói là quan trọng nhất đối với ngành cá tra Việt Nam trong năm 2012 chính là 10% sản lượng cá tra sẽ đạt chứng nhận ASC vào cuối năm. Chính điều này đã khiến cho WWF Thủy Điển có cái nhìn tích cực đối với cá tra Việt Nam. Mới đây, nguồn tin từ Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Thụy Điển cho hay, hai quốc gia Thụy Điển và Phần Lan đã đưa cá tra Việt Nam vào “danh sách xanh: Cẩm nang hướng dẫn tiêu dùng thủy sản của WWF. Danh sách xanh được hiểu là những sản phẩm thủy sản tốt cho sức khỏe, được WWF khuyến nghị với người dân nên tin dùng.
Đây là cơ hội giúp cá tra Việt Nam tăng uy tín và mở rộng thị trường tiêu thụ trong bối cảnh hoạt động xuất khẩu cá tra có nhiều khó khăn như hiện nay, ông Hòe nhận định.