Con đường lây truyền mới của virus TiLV trên cá rô phi
Một nghiên cứu mới vừa đăng trên Tạp chí Bệnh cá (Journal of Fish Diseases) đã cho thấy một con đường lây truyền mới của virus TiLV trên cá rô phi.
Bệnh Tilapia lake virus (TiLV) trên cá rô phi
Cá rô phi là loài cá được nuôi nhiều thứ hai trên thế giới, chủ yếu là do khả năng kháng bệnh, nhưng loài cá này đang bị đe dọa bởi một loại virus nguy hiểm. Tilapia lake virus (TiLV) là một loại virus gây bệnh cho cá rô phi trên toàn cầu. Bệnh gây ra các tổn thương và xuất huyết, ăn mòn da, bất thường ở mắt và tử vong hàng loạt. Hiện tại, không có cách điều trị hay vaccine phòng bệnh.
Tỷ lệ chết trong các ổ dịch tự nhiên từ 9-90%; bệnh xuất hiện ở mọi lứa tuổi nhưng chủ yếu tập trung ở cá giống (cá con). Cá rô phi đỏ (cá diêu hồng) giống nuôi lồng bị nhiễm bệnh, tỷ lệ chết có thể lên tới 90% trong vòng một tháng sau khi thả.
Cá mắc bệnh có biểu hiện chán ăn, màu sắc cơ thể biến đổi (sẫm màu); thay đổi tập tính bơi lội (như tập trung ở trên bề mặt, bơi lờ đờ), ngừng kéo đàn, hôn mê trước khi chết. Một số dấu hiệu trên cơ thể gồm: Hiện tượng xung huyết, xuất huyết não; ăn mòn và lở loét từ dạng điểm đến mảng trên da; mang tái nhợt; mắt bị teo lại hoặc lồi ra, có hiện tượng đục thủy tinh thể; xoang bụng và hậu môn phình to; vẩy dựng lên, có thể bong tróc; đuôi bị ăn mòn.
Mặc dù TiLV được biết lây truyền theo chiều ngang (từ cá bệnh sang cá khỏe trong cùng ao nuôi, trại nuôi, qua nguồn nước, dụng cụ...) và đã được chứng minh thông qua việc sống chung với cá nhiễm bệnh nhưng không có thí nghiệm trực tiếp nào cho thấy khả năng truyền dọc từ cá bố mẹ sang con cháu. Một nghiên cứu mới cho thấy rằng virut TiLV trên cá rô phi có thể truyền từ bố mẹ sang con cái.
Lây truyền TiLV theo chiều dọc của bệnh TilV
Trong nghiên cứu này, sự bùng phát tự nhiên của TiLV ở cá bố mẹ và cá con trong hai trại sản xuất cá rô phi đã được xác nhận. Các nhà nghiên cứu đã có thể phân lập RNA TiLV trong gan và tuyến sinh dục của con cá rô phi bố mẹ bị nhiễm bệnh. Khi thử nghiệm cá con hai ngày tuổi về sự hiện diện của TiLV, kết quả chỉ ra rằng chúng đã di truyền virus từ cá bố mẹ.
Cá rô phi bố mẹ nhiễm virus TiLV truyền bệnh cho con của chúng mà không sống chung. Phát hiện này cho thấy virus có thể lây truyền theo chiều dọc.
Trước những kết quả này, các nhà nghiên cứu nhấn mạnh sự cần thiết phải tuân thủ các biện pháp an toàn sinh học trong các trại sản xuất giống cá rô phi. Bằng cách ưu tiên phòng ngừa và đảm bảo rằng virus không được đưa vào trang trại, bệnh sẽ không sinh sôi nảy nở. Các nhà nghiên cứu cũng đề xuất rằng cá rô phi bố mẹ không có TiLV được phát triển để hạn chế sự lây lan TiLV theo chiều dọc.
Bên cạnh đó để đảm bảo an toàn cho trại nuôi cá nông dân nuôi cá rô phi cần sử dụng con giống đảm bảo chất lượng từ các nhà sản xuất uy tín. Không sử dụng con giống trôi nổi bán trên thị trường và chưa qua kiểm định.
https://onlinelibrary.wiley.com/doi/abs/10.1111/jfd.13050