TIN THỦY SẢN

Công nghệ có thể giúp cá voi thoát chết trước mũi tàu?

Số cá voi chết vì va chạm với tàu bè đang gia tăng. Lam Vũ

Một hệ thống cảnh báo các thuyền trưởng về khả năng va chạm với cá voi đang được kỳ vọng giúp giảm thiểu số lượng cá voi gặp nạn vì tàu bè qua lại.

Hoạt động đánh bắt cá voi vì mục đích thương mại giết chết 3 triệu con cá voi trong thế kỷ 20 và đã bị cấm ở hầu hết các quốc gia vào giữa những năm 1980. Song kể từ đó, một mối đe dọa khác càng ngày càng lớn: giao thông đường biển.

Từ năm 1992 đến năm 2012, số lượng tàu bè trên toàn thế giới đã tăng gấp bốn lần. Trong bối cảnh đó, nguy cơ cá voi bị tàu bè đâm chết cũng không ngừng gia tăng. Dữ liệu toàn cầu còn hạn chế, nhưng nếu ước tính dựa trên các nghiên cứu khu vực, số lượng cá voi tử nạn vì tàu bè hằng năm "lớn đến mức đáng kinh ngạc, từ hàng nghìn đến hàng chục nghìn", theo chuyên gia Sean Brillant thuộc Liên đoàn Động vật Hoang dã Canada.

Ưu điểm của công nghệ mới

Cho đến nay, hai giải pháp chính đang được áp dụng. Một là điều chỉnh lại các tuyến hàng hải để tàu bè không đi qua môi trường sống của cá voi, nhưng giải pháp này hiếm khi được triển khai mặc dù có hiệu quả. Giải pháp còn lại là giới hạn tốc độ tàu bè, nhưng đây lại là giải pháp mà quy mô và cách thức thực thi ở mỗi nơi lại khác nhau.

Ở hầu hết những nơi có hướng dẫn về tốc độ để bảo vệ cá voi, giới hạn là 10 hải lý/giờ (tức 18,5 km/giờ). Việc đưa ra giới hạn này dựa trên một số nghiên cứu so sánh những vụ va chạm chí mạng với những vụ va chạm được cho là không giết chết cá voi. Song các nghiên cứu gần đây cho thấy rằng không có giới hạn nào thực sự được coi là an toàn.

Daniel Zitterbart, một nhà vật lý chuyển sang làm nghiên cứu hàng hải, cho biết ông đã tìm ra cách khiến cho việc giới hạn tốc độ trở nên hiệu quả hơn. Đó là một hệ thống cảnh báo khả năng va chạm với cá voi dành cho các thuyền trưởng mà ông và các đồng nghiệp tại Viện Hải dương học Woods Hole (bang Massachusetts, Mỹ) đã nghiên cứu trong gần một thập niên qua và đang gần đến đích.

Gần đây nhất, nhóm của ông Zitterbart đã mô hình hóa khả năng tàu phát hiện ra cá voi kịp thời để tránh chúng khi sử dụng hệ thống hiện đã được thương mại hóa của họ: phần mềm được nối với máy ảnh nhiệt có thể phát hiện không khí nóng được thở ra qua lỗ thở của cá voi trên bề mặt. Ông Zitterbart cho biết, đối với những con tàu nhỏ và cần ít thời gian để bẻ lái, xác suất tránh được va chạm với cá voi "đã là 99%".

Mặt khác, các tàu container tốc độ cao, cồng kềnh cần nhiều thời gian cảnh báo hơn, vì vậy các camera phải phát hiện được cá voi từ khoảng cách xa hơn. Vì các vụ va chạm chỉ kéo dài trong vài giây nên rất khó để phát hiện chúng ở khoảng cách xa một cách chắc chắn. "Ngay bây giờ [phạm vi phát hiện một cách chắc chắn] là từ 2 đến 3 km và thực sự chúng tôi cần nó tăng lên khoảng 4 km", ông Zitterbart nói.

Ông cho biết mục tiêu này có thể đạt được trong vòng 2 đến 3 năm nữa. Khi đó, xác suất để một tàu container đang đi nhanh phát hiện kịp thời một con cá voi sẽ là khoảng 80%, theo nhà nghiên cứu. Song việc giảm vận tốc con tàu xuống mức 10 hải lý/giờ cũng giúp cải thiện đáng kể xác suất này, có nghĩa là kết hợp giới hạn tốc độ với công nghệ phát hiện có thể mang lại hiệu quả tối ưu.

Một con cá voi sát thủ trên vùng biển Nhật Bản. Ảnh: REUTERS

Rào cản

Các hệ thống phát hiện cá voi khác cũng đã bắt đầu xuất hiện trên thị trường: Orca AI, một công ty sản xuất hệ thống định vị thông minh, gần đây đã thêm chức năng phát hiện cá voi. Dor Raviv, đồng sáng lập công ty, nói rằng chính một khách hàng lái thuyền trong vùng biển hạn chế tốc độ của Canada là bên đầu tiên tiếp cận ông để thảo luận chuyện đó. "Chúng tôi thực sự tin rằng chúng tôi đã có sẵn mọi thứ cần thiết để bắt đầu", ông cho biết.

Một số rào cản vẫn đang hiện diện. Chẳng hạn, các thuật toán của OrcaAI chủ yếu giúp phát hiện đuôi của cá voi, nhưng ông Zitterbart nói rằng cá voi chỉ lộ đuôi khi lặn dưới nước và việc này thường giúp chúng thoát khỏi nguy hiểm. Ngoài ra, các bên cũng tranh luận về việc nếu có công nghệ phát hiện rồi thì có cần hạn chế tốc độ tàu bè nữa hay không. Nghiên cứu của ông Zitterbart cho thấy cả hai biện pháp nên được áp dụng song song, nhưng một số khách hàng của ông Raviv cho rằng có thể sử dụng hệ thống phát hiện như một cái cớ để không giảm tốc độ.

Chuyên gia Brilliant của Liên đoàn Động vật Hoang dã Canada nhìn chung vẫn hoài nghi về hiệu quả của việc phát hiện sớm. Ông chưa nhìn thấy được cách thức để bất cứ cảnh báo nào có thể giúp một con tàu khổng lồ tránh được một con cá voi đang di chuyển. "Tôi chỉ không tin rằng đây là các biện pháp phòng ngừa hiệu quả nhất", ông nói.

Và ngay cả khi công nghệ này cho thấy hiệu quả đúng như cam kết, các công ty cần có động lực để đầu tư, trước hết là máy ảnh nhiệt có giá từ 30.000 đến 250.000 USD. Ông Zitterbart hy vọng sự gia tăng của các tàu tự hành sẽ mang lại động lực đó, bởi vì "bạn không muốn tàu tự hành yêu thích của mình đụng phải một con vật".

Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi sang tàu không có thủy thủ đoàn sẽ diễn ra chậm, vì vậy thách thức thực sự sẽ là đưa công nghệ lên các tàu đã hoạt động trên biển và ông chỉ thấy một con đường duy nhất để đạt được điều đó. "Nếu không có cơ quan quản lý nào ép buộc, mọi người sẽ không làm điều đó", nhà nghiên cứu nhấn mạnh.

Lam Vũ Báo Thanh Niên