Công nghệ nuôi cá 'tạo sông trong ao' thu tiền tỷ ở Nghệ An
Anh Đậu Đức Kính ở xã Quỳnh Văn là người đầu tiên đưa công nghệ 'tạo sông trong ao nuôi cá' đầu tiên ở Quỳnh Lưu. Sau 2 năm xây dựng mô hình, anh có thu nhập ước tiền tỷ.
Gia đình anh Đậu Đức Kính có 10 ha ao nuôi chuyên canh các loại cá nước ngọt như rô phi, trắm, mè, chép, cá lóc… Mỗi năm, anh thả hàng triệu con giống các loại. Tuy nhiên, tỷ lệ cá chết khoảng 20% do nguồn nước trong ao quá nóng vào mùa hè, cá bị ngạt hơi do nước tù thiếu ô-xy, hoặc do nồng độ khí mê-tan quá cao do lượng phân thải ra của cá quá nhiều.
Từ thực tế đó, qua các lần tham quan học hỏi đưa công nghệ mới vào chăn nuôi ở các tỉnh phía Nam, tháng 1/2016, anh Kính đã mạnh dạn đầu tư hơn 800 triệu đồng xây dựng mô hình "tạo sông trong ao " để nuôi cá. Trên diện tích ao rộng 2ha, anh ngăn và xây 4 bể xi măng giữa lòng ao theo hình thác, lắp đặt hệ thống súc khí, tạo dòng chảy mạnh và máy tự động hút phân thải của cá dẫn ra ngoài.
Sau khi hệ thống hoàn thiện, anh thả nuôi hơn 60.000 con cá rô phi Đường nghiệp, đây là giống cá có trọng lượng lớn từ 1- 2kg/con, thịt cá dày nên khi nuôi bằng hệ thống tạo sông sẽ giúp cá vận động nhiều theo dòng chảy, giúp chất lượng cá dai chắc, thơm ngon hơn.
Mỗi bể xi măng có 1 máy sục khí tạo sóng nước, hệ thống hút phân thải tự động dẫn ra mương tiêu giúp môi trường nước luôn sạch. Ảnh: Như Thủy
Đến nay, sau gần 2 năm thử nghiệm mô hình đã thành công. Năm đầu tiên anh Kính đã thu hồi vốn, năm thứ 2 có lãi gần 1 tỷ đồng/năm qua 3 vụ cá.
"Thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục đầu tư cải tạo 8 ha còn lại để đưa công nghệ tạo sông trong ao vào nuôi đại trà trên tất cả các giống cá, nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế” - anh Kính cho hay.
Phân cá được hút vào 1 bể lắng lọc riêng có xử lý diệt khuẩn trước khi xả ra ngoài. Ảnh: Như Thủy
Theo ông Đậu Đức Năm - Trưởng Phòng NN & PTNT huyện Quỳnh Lưu, sau khi kiểm tra đánh giá mô hình tạo sông trong ao nuôi cá nước ngọt của anh Kính, huyện đánh giá đây là công nghệ mới, cho hiệu quả cao. Phương pháp này đã giải quyết được các khó khăn của người dân là giảm tỷ lệ cá chết do ô nhiễm nguồn nước, nâng cao chất lượng thịt; đặc biệt cá được nuôi thả liên tục, thường xuyên chứ không cần phải chờ xử lý ao nuôi. Sắp tới huyện sẽ tổ chức cho các hộ dân tham quan mô hình và nhân ra diện rộng.