TIN THỦY SẢN

Công nhân thủy sản “đá chầu”

“Đá chầu” có nghĩa là đi làm mướn theo ngày mà nhiều công nhân thủy sản bị thất nghiệp quen gọi với nhau. Do tình hình chế biến và xuất khẩu thủy sản khó khăn nên nhiều doanh nghiệp ở ĐBSCL phải cho công nhân nghỉ việc hàng loạt. Không còn việc làm ổn định trong nhà máy, buộc công nhân thủy sản phải đi “đá chầu” kiếm sống.

Nhiều công nhân ở nhà máy thủy sản Docifish chờ lãnh lương trợ cấp nghỉ việc. Ảnh: H.T

Mất việc hàng loạt

Về KCN Sa Đéc, chúng tôi chứng kiến nhiều công nhân thủy sản chạy đôn chạy đáo tìm việc làm để mưu sinh. Chị Trần Thị Thanh Nga, ở xã Tân Phú Đông, thị xã Sa Đéc tâm sự: “Lớn lên trong gia đình nghèo nên làm mướn sống. Vào năm 2003, khi nhà máy chế biến thủy sản Docifish khai trương hoạt động, tôi là một trong những người có mặt đầu tiên. Làm công nhân mỗi tháng hơn 2 triệu đồng, mức lương tuy không nhiều nhưng cũng giúp gia đình tạm ổn cuộc sống. Đùng một cái công ty cho nghỉ việc vì sản xuất kinh doanh gặp khó khăn, khiến cho đời sống bị xáo trộn. Mất thu nhập nên việc nuôi 2 con ăn học đang là vấn đề nan giải”.

Cùng cảnh ngộ trên, chị Huỳnh Thị Thùy Linh, cho biết hơn 8 năm trước chị từ An Giang lặn lội sang KCN Sa Đéc xin làm công nhân thủy sản. Mấy năm đầu nhà máy có nhiều hợp đồng xuất khẩu nên công nhân thường xuyên tăng ca và thu nhập cũng khá. Từ tuối năm 2011 đến nay công suất hoạt động giảm mạnh, thời gian nghỉ nhiều hơn đi làm và thu nhập giảm xuống mức dưới 1 triệu đồng/tháng, có tháng chỉ lãnh được 500.000 đồng; trong khi tiền thuê nhà trọ đã 400.000 đồng/tháng, chưa kể hàng loạt chi phí khác. Khốn khó chưa chịu dừng lại khi gần đây, nhà máy thông báo cho nghỉ việc bởi tình hình xuất khẩu khó khăn. Chạy đi tìm việc hơn 2 tuần nhưng không ai thuê, Thùy Linh buộc lòng phải trả phòng trọ về quê nương náu.

Khó càng thêm khó...

Chị Huỳnh Ngọc Bích, ở ấp Khánh Hòa, xã Tân Khánh Đông, thị xã Sa Đéc bộc bạch: “Sau khi bị nhà máy Docifish cho nghỉ việc đẩy cuộc sống gia đình vào cảnh bấp bênh. Trong điều kiện tìm một chỗ để làm công nhân ổn định lúc này là vô cùng khó, vì vậy buộc phải chữa cháy bằng cách đi “đá chầu” cho các nhà máy thủy sản xung quanh”. Theo đó, cứ mỗi ngày đi “đá chầu” được trả lương khoảng 50.000- 60.000 đồng, nếu làm nhiều thì được 100.000 đồng/ngày. Tất cả công nhân “đá chầu” đều không được ký hợp đồng lao động, không được đóng bảo hiểm gì cả... chủ yếu làm ngày nào thanh toán ngày đó. Ông Huỳnh Ngọc Út, cũng ở xã Tân Khánh Đông thừa nhận, đi làm kiểu “đá chầu” chịu nhiều thiệt thòi nhưng ngay thời buổi công nhân thất nghiệp tràn lan thì được “đá chầu” ngày nào là mừng ngày đó rồi. Đa số nhà máy thủy sản bây giờ họ rất khôn, không chịu nhận công nhân làm dài hạn sẽ tốn kém nhiều thứ, chưa kể nhiều nhà máy “đang lâm bệnh” nên không biết hoạt động bao lâu.

Không chỉ ở Đồng Tháp, mà nhiều tỉnh khác ở ĐBSCL công nhân thủy sản bị mất việc khá nhiều. Tại Cty CP Thủy sản Bình An (Bianfishco), trước đây thu hút từ 4.000- 5.000 công nhân làm việc. Sau thời gian tạm nghỉ do khó khăn về vốn thì nay nhà máy đã hoạt động trở lại nhưng chỉ mới giải quyết được việc làm 500- 700 công nhân. Hơn 3.000 người khác vẫn phải chạy đi các nơi tìm việc. Theo ông Huỳnh Văn Tuấn, Chủ tịch Công đoàn Các khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ, cái khó hiện nay là công nhân thủy sản không thể đưa sang làm việc ngoài ngành được, bởi đặc thù thủy sản rất khác.

Tại Cà Mau, nơi có đến 39 nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu (chủ yếu là tôm), thuộc loại nhiều nhà máy thủy sản nhất trong cả nước. Thống kê mới nhất của UBND tỉnh Cà Mau hiện có 40% nhà máy hoạt động tốt, ổn định; 30% nhà máy khó khăn và 30% nhà máy chạy cầm chừng. Tình hình này ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của hàng ngàn công nhân. Hiện Cà Mau đang triển khai nhiều giải pháp như tìm cách hỗ trợ vốn, gia hạn thời gian nộp thuế, giảm tiền thuê đất, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp... tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp thủy sản đẩy mạnh chế biến, xuất khẩu từ nay đến cuối năm 2012, nhằm giảm tối đa số công nhân thủy sản bị mất việc.

Báo Lao Động