Công ty Thủy sản Việt Nam bị tố sa thải lao động vô cớ
Lãnh đạo lập hồ sơ không chính xác để trình bộ chủ quản và Bộ Tài chính phê duyệt. Cơ quan bảo hiểm xã hội TP HCM đã căn cứ vào đó đưa quyết định hưởng chế độ đối với nhiều người lao động.
Thực hiện chủ trương đổi mới doanh nghiệp của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, ngày 14/03/2011 Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ban hành Quyết định số 456 hợp nhất Tổng công ty thủy sản Việt Nam (SEAPRODEX), Tổng công ty hải sản Hạ Long và Tổng công ty hải sản Biển Đông thành Tổng công ty thủy sản Việt Nam mới.
Theo quyết định này, ba tổng công ty trên khi hợp nhất “có trách nhiệm chuyển giao nguyên trạng toàn bộ tài sản, tài chính, lao động, đất đai, các quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp khác sang Tổng công ty thủy sản Việt Nam” và “Hội đồng Thành viên Tổng công ty thủy sản Việt Nam có trách nhiệm tổ chức tiếp nhận nguyên trạng tài sản, tài chính, lao động, đất đai và các nguồn lực khác; kế thừa các quyền nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của các tổng công ty được hợp nhất để thực hiện nhiệm vụ sản xuất-kinh doanh có hiệu quả...”.
Thế nhưng, chỉ một tháng sau ngày hợp nhất, Tổng giám đốc Trần Tấn Tâm đã ra thông báo công bố danh sách 28 cán bộ công nhân viên thuộc 3 phòng ban của Seaprodex phải bàn giao ngay công việc để nghỉ việc, hưởng 70% lương cơ bản trong thời gian chờ giải quyết chế độ dôi dư.
Ngày 24/5/2011, thừa lệnh Tổng giám đốc, Trưởng phòng tổ chức hành chính Nguyễn Văn Tân tiếp tục ra thông báo triệu tập cuộc họp các ban chuyên môn nghiệp vụ, Trung tâm xuất khẩu lao động và cơ sở nuôi tôm thực nghiệm cỏ may để công bố tiếp danh sách 14 cán bộ công nhân viên bị đưa vào diện dôi dư. Các đơn vị khác thuộc Tổng công ty thủy sản Việt Nam tại Hà Nội cũng nhận được thông báo tương tự.
Các thông báo trên không hề nêu ra lý do chính đáng và viện dẫn căn cứ pháp luật nào, khiến mấy chục lao động đã nhiều năm làm việc tại Seaprodex vô cùng hoang mang, lo lắng. Đồng thời trong kết luận số 382/KL-TSVN-HĐTV ngày 23/6/2011 khẳng định rằng: “Lãnh đạo Tổng công ty không nhất thiết phải tổ chức hội nghị công nhân viên chức khối văn phòng công ty...”
Tiếp đó, ngày 5/8/2011, Tổng giám đốc Tâm đã ký hàng loạt quyết định buộc 57 cán bộ công nhân viên nghỉ việc đồng loạt từ ngày 12/8/2011. Trong các quyết định buộc thôi việc này có hiệu lực từ ngày 12/8/2011 nhưng “Thời điểm tính chế độ bảo hiểm đến hết ngày 31/7/2011”, đồng thời gửi “danh sách điều chỉnh lao động và mức đóng báo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn số 6 tháng 8 năm 2011” sang bảo hiểm xã hội TP HCM cắt giảm 44 lao động từ ngày 31/7/2011.
Một mặt, lãnh đạo Tổng công ty thủy sản Việt Nam đã không xây dựng tiêu chí chọn lựa nhân sự, không tổ chức đại hội công nhân viên chức để lấy ý kiến biểu quyết của tập thể lao động như pháp luật quy định, không khai báo tình hình sử dụng lao động và cũng không báo cáo về việc cho hàng loạt lao động nghỉ việc lên các cơ quan quản lý. Mặt khác, lãnh đạo Tổng công ty thủy sản Việt Nam đã tự ý “cắt” bảo hiểm xã hội, bảo hiểm tai nạn trong khi chưa được Bộ chủ quản phê duyệt Phương án giải quyết lao động dôi dư theo quy định, khiến quyền và lợi ích hợp pháp của 57 lao động bị liệt vào diện dôi dư không được các cơ quan chức năng đó bảo vệ kịp thời.
Ông Trần Quốc Sơn, một cán bộ có trình độ bị sa thải vô cớ tỏ ra rất bức xúc: “Tổng công ty thủy sản Việt Nam sa thải lao động vô căn cứ, bất chấp các quy định của pháp luật là cố tình vi phạm luật pháp, đẩy chúng tôi vào hoàn cảnh khó khăn trong khi tất cả chúng tôi đều là những người có thời gian dài cống hiến và còn đầy đủ sức khỏe, năng lực”.
Ở thời điểm bị sa thải, ông Trần Quốc Sơn và nhiều lao động khác đã làm việc tại Seaprodex trên dưới 30 năm thuộc diện lao động vô thời hạn, riêng ông Sơn là người có trình độ chuyên môn cao, có nhiều đóng góp cho ngành thủy sản và Seaprodex. Trong khi đó, bà Bùi Thị Khanh cho hay: “Hai vợ chồng đều là cựu chiến binh, hiện chồng đã nghỉ hưu. Thu nhập của gia đình chủ yếu dựa vào tiền lương của tôi. Nhưng lãnh đạo công ty tàn nhẫn buộc tôi nghỉ việc, và không cho hưởng chế độ hưu trí khiến cuộc sống của gia đình tôi suốt gần năm nay rất khó khăn”.
Theo hồ sơ tính bảo hiểm xã hội, vào thời điểm bị buộc thôi việc tại Tổng công ty thủy sản Việt Nam, bà Bùi Thị Khanh chỉ thiếu 2 tháng là đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội để được chế độ hưu trí. Thế nhưng hành động sa thải đột ngột hàng loạt cán bộ công nhân viên của lãnh đạo Tổng công ty thủy sản Việt Nam đã tước mất quyền được thụ hưởng các chế độ của người lao động theo pháp luật quy định.
Không dừng lại ở đó, ngày 30/11/2011 và ngày 22/12/2011 lãnh đạo cho nghỉ việc để hưởng chế độ hưu trí với nhiều người lao động. Thời gian nghỉ hưởng chế độ hưu trí lại tính từ ngày 1/12/2011! Giả sử Tổng công ty thủy sản Việt Nam làm đúng trình tự sắp xếp lại lao động theo quy định của nghị định 91/2010/NĐ-CP và Thông tư 38/2010/TT-BLĐTBXH thì doanh nghiệp này phải đảm bảo mọi quyền lợi của 57 cán bộ công nhân viên dôi dư đến hết ngày 22/12/2011 mới đúng, vì đó là ngày quyết định có hiệu lực thi hành như đã ghi rõ trong văn bản. Qua phân tích nêu trên cho thấy việc tự ý quy định chốt thời điểm tính chế độ đến ngày 31/7/2011 của Tổng công ty thủy sản Việt Nam là hoàn toàn sai trái.
Trong khi đó, tại Bộ Luật lao động ghi rõ “quan hệ lao động giữa người lao động và người sử dụng lao động được xác lập và tiến hành qua thương lượng, thỏa thuận theo nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, hợp tác, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của nhau, thực hiện đầy đủ những điều đã cam kết...(điều 9)". Và “trong trường hợp sáp nhập hợp nhất, chia tách doanh nghiệp thì người sử dụng lao động kế tiếp phải chịu trách nhiệm tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động với người lao động. Trong trường hợp không sử dụng hết số lao động hiện có thì phải có phương án sử dụng lao động theo quy định của pháp luật.”(điều 31).
“Khi cần cho nhiều người thôi việc theo khoản 1 điều này, người sử dụng lao động phải công bố danh sách, căn cứ vào nhu cầu của doanh nghiệp và thâm niên làm việc tại doanh nghiệp, tay nghề, hoàn cảnh gia đình và những yếu tố khác của từng người để lần lượt cho thôi việc sau khi đã trao đổi, nhất trí với ban chấp hàng công đoàn cơ sở trong doanh nghiệp theo thủ tục quy định tại khoản 2, điều 38 của bộ luật này. Việc cho thôi việc chỉ được tiến hành sau khi đã báo cáo cho cơ quan lao động địa phương biết”(khoản 2 điều 17)... Ngoài ra, là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu như Tổng công ty thủy sản Việt Nam, việc giải quyết chế độ lao động dôi dư ở doanh nghiệp này sau khi sáp nhập cần phải được tuân thủ chặt chẽ các quy định tại Nghị định 91/2010/NĐCP, Thông tư 38/2010/TT- và văn bản hướng dẫn số 409/HD-TLĐ...
Như vậy, theo quy định của Bộ Luật lao động cũng như các văn bản quy phạm pháp luật này, đáng lẽ ra để giải quyết chế độ lao động dôi dư, lãnh đạo Tổng công ty thủy sản Việt Nam phải tiến hành giải quyết chế độ theo 5 bước đúng như quy định tại Thông tư 38/2010/TT-BLĐTBXH kèm theo các biểu mẫu. Đồng thời, ban chấp hành công đoàn cơ sở phối hợp với Tổng giám đốc tổ chức đại hội công nhân viên chức bất thường để thảo luận phương án sắp xếp lao động và phương án giải quyết chính sách đối với lao động dôi dư...
Thế nhưng, theo văn bản trả lời số 156/LĐTBXH ngày 21/5 của Phòng lao động và thương binh xã hội quận 1 và văn bản số 5435/SLĐTBXH-LĐ ngày 05/06/2012 của Sở lao động và thương binh xã hội TP HCM đều cho rằng “không nhận được thông tin về việc Tổng công ty thủy sản Việt Nam báo cáo khai trình tình hình lao động... cũng như việc sắp xếp cho nhiều người nghĩ việc tại Tổng công ty thủy sản Việt Nam”.
Trong các Quyết định 1037 và Quyết định số 1151 buộc thôi việc đối với ông Trần Quốc Sơn và nhiều lao động khác, lãnh đạo công ty lấy thời điểm tính chế độ vào ngày 30/7/2011, trong khi đó ngày ký hai Quyết định này là 30/11/2011 và 22/12/2011. Điều này đã là vi phạm điều 7 khoản 3 của Thông tư 38/2010/ TT-BLĐTBXH về việc quy định thời điểm tính chế độ lao động dôi dư như trường hợp sa thải 57 lao động tại Tổng công ty thủy sản Việt Nam là lấy theo ngày ký Quyết định nghỉ việc.
Theo đó, các quyết định này được ký so với thời điểm chốt chế độ ngày 31/7/2011 đến ngày được hưởng chế độ hưu trí (1/1/2011) đối với nhiều lao động tại công ty đã không được phía người sử dụng lao động đóng bảo hiểm xã hội như luật định. Việc bảo hiểm xã hội TP HCM cho ông Trần Quốc Sơn và các lao động khác được hưởng chế độ hưu trí từ ngày 1/1 không biết đã căn cứ vào mốc thời gian văn bản pháp luật nào...?
Rõ ràng, từ việc Tổng công ty thủy sản Việt Nam đơn phương sa thải hàng loạt lao động đến cách tính chế độ nghỉ việc như đã nêu trên của cơ quan bảo hiểm xã hội TP HCM chứng tỏ lãnh đạo doanh nghiệp này đã vi phạm nghiêm trọng và có hệ thống pháp luật lao động. Thiết nghĩ, các cơ quan có liên quan, nhất là Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cần rà soát và có phương án xử lý những tổ chức và cá nhân đã cố tình làm trái pháp luật lao động, cũng như những người có trách nhiệm xét duyệt hồ sơ loại bỏ 57 người lao động tại Tổng công ty thủy sản Việt Nam.