TIN THỦY SẢN

Công ty Việt - Úc bị thiệt hại trên 10 tỉ đồng

Khảo nghiệm và sản xuất tôm giống tại Cty Việt - Úc. Ảnh: Đ.A

Sau khi các thông tin sai trái về tôm giống tại Cty TNHH Việt - Úc được phát tán khắp nơi (báo Lao Động đã có bài phản  ánh), hệ quả của những tin đồn thất thiệt này đã gây ra thiệt hại rất lớn đối với Cty Việt - Úc...

Khách hàng hoang mang

Tính đến 14h ngày 28.3, theo ông Đặng Huỳnh Lộc - đại diện pháp lý cho lãnh đạo Cty Việt - Úc: Có gần 200 đại lý lớn nhỏ từ khắp trong nước đã gửi thông báo về Cty Việt - Úc hủy hợp đồng mua tôm, vì “nghe tin đồn không tốt về Cty Việt - Úc”. Trong đó, nhiều nhất là những đại lý mua tôm ở các tỉnh trọng điểm về nuôi tôm như: Bạc Liêu (11 đại lý), Bến Tre (16 đại lý), Trà Vinh (7 đại lý), Tiền Giang (12 đại lý)... Tệ hại hơn, có không ít đại lý đã mua tôm giống của Cty Việt - Úc và đã vận chuyển về các địa phương, nhưng nghe tin đồn tôm giống của Việt – Úc “không có nguồn gốc xuất xứ”, “nhập lậu từ Trung Quốc”... họ đã quyết định đình thả tôm và đòi Việt - Úc phải bồi thường. Số lượng đại lý đình thả tôm giống của Việt - Úc, hiện chưa thống kê hết, nhưng theo ông Lộc, xuất hiện rất nhiều ở các địa phương: TPHCM, Khánh Hòa, Bình Thuận, Phú Yên, Quảng Ngãi, Quảng Nam... “Chưa bao giờ chúng tôi lại bị một cú “sốc” nặng nề, không thể chống đỡ đến như vậy. Thiệt hại của Cty Việt - Úc từ những thông tin sai trái của đoàn thanh tra, cộng với hành vi phát tán, cạnh tranh không lành mạnh của những Cty đối thủ, đến nay tạm thống kê đã lên tới hơn 10 tỉ đồng”. Để minh chứng cho điều này, ông Lộc đã trưng ra một “danh sách khách hàng đình thả tôm”, với 120 đại lý của nhiều địa phương trên cả nước đình thả 128.622.000 con tôm giống mà họ đã mua từ Cty Việt - Úc. Theo ông Lộc, việc đình thả này, đồng nghĩa 128.622.000 con tôm giống của Việt - Úc... “chết oan ức”. Rất nhiều đại lý, một mặt thông báo không mua hàng, đòi bồi thường, mặt khác, họ chuyển sang mua giống của đơn vị khác...

Có dấu hiệu vi phạm hình sự

Trở lại nguyên nhân dẫn tới hậu quả to lớn trên, trên cơ sở hồ sơ vụ việc gây ra những thông tin thất thiệt, cho thấy có nhiều dấu hiệu vi phạm hình sự trong vụ thanh tra tôm giống Cty Việt - Úc của những cá nhân và tổ chức liên quan. Cụ thể: Ngày 7.1.2013, Hiệp hội Tôm giống Bình Thuận (HHTG Bình Thuận) ra “tờ trình kiến nghị”. Trong đó, có những nội dung như: “Theo thông tin từ Cty TNHH Nam Miền Trung Bình Thuận, về việc Cty TNHH Việt - Úc Bình Thuận gia hóa tôm bố mẹ thẻ chân trắng trên diện rộng”. Không hiểu vì sao, chỉ dựa trên một thông tin vu vơ của một DN không phải là thành viên, HHTG Bình Thuận đã nhanh nhảu ra “tờ trình” kiến nghị Sở NNPTNT tỉnh thanh tra Cty Việt - Úc? Điều đáng nói, trong “tờ trình” HHTG lại lồng ghép các nội dung “sặc mùi” tố cáo Cty Việt - Úc như một đối tượng vi phạm luật pháp. Thậm chí, trong “tờ trình”, HHTG còn... “vẽ đường” cho Sở NNPTNT “kiểm tra giám sát số lượng đàn tôm bố mẹ thẻ chân trắng mà Cty Việt - Úc “gia hóa” tại Cty và thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng và các tỉnh nuôi tôm thịt trên khắp cả nước..”. Liệu có phải đây là bước đấu của  một “kịch bản” cạnh tranh không lành mạnh, có tính tổ chức hay không?

Ngay sau đó (23.1.2013), đoàn thanh tra (có đại diện HHTG) đã xuống thanh tra bất thường Cty Việt - Uc, chưa kiểm tra đầy đủ hồ sơ, đoàn thanh tra này đã vội vã kết luận tại “biên bản” thanh tra rằng, tôm giống Cty Việt - Úc “không có hồ sơ nguồn gốc xuất xứ”(?). Ngay sau đó, ngày 24.1.2013, không chờ có kết luận thanh tra, Cty TNHH Nam Miền Trung đã có trong tay “biên bản kiểm tra” và phát tán “biên bản” bằng cách fax đến các đại lý phân phối tôm giống và nhiều cơ quan nhà nước trên cả nước, gây hiểu lầm, làm tổn thất uy tín của Cty Việt - Úc, nhằm mục đích cạnh tranh không lành mạnh. Trong đó đáng chú ý Cty Nam Miền Trung đã fax “biên bản” trên đến Trung tâm trại giống nước mặn Nam Định, từ số máy fax của Cty TNHH Thuận Thông, mà GĐ Cty Thuận Thông là ông Trương Hữu Thông - Chủ tịch HHTG Bình Thuận, cũng là thành viên đoàn thanh tra Cty Việt - Úc. Việc đoàn thanh tra phát tán tài liệu t^hanh tra khi chưa có kết luận ra ngoài là vi phạm Điều 13 - Luật Thanh tra. Ngoài ra, việc Cty Nam Miền Trung và Cty Thông Thuận phát tán tài liệu thanh tra, khi chưa có kết luận chính thức đã vi phạm nghiêm trọng Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước, do Chính phủ ban hành ngày 28.12.2000, vi phạm Quyết định số 588/2004/QĐ-BCA (A1) ngày 25.6.2004 của Bộ Công an về “Danh mục bí mật nhà nước, độ mật trong ngành thanh tra”. Ngày 25.3 vừa qua, UBND tỉnh Bình Thuận đã ban hành văn bản số 978/VP-NCPC gửi Sở NNPTNT. Theo đó, UBND tỉnh Bình Thuận cho biết đại diện pháp lý của Cty Việt - Úc đã kiến nghị xử lý trách nhiệm của HHTG Bình Thuận và 2 ông Trương Hữu Thông và Phan Tuấn Cự - Chủ tịch, Phó Chủ tịch HHTG Bình Thuận, vì “ban hành các văn bản thiếu căn cứ, sai sự thật, nhằm gây thiệt hại cho Cty Việt - Úc”. UBND tỉnh Bình Thuận đã chỉ đạo Sở NNPTNT “nghiên cứu, làm rõ và giải quyết theo thẩm quyền và quy định của pháp luật”. Dư luận cho rằng để xác minh, làm rõ các hành vi vu khống, tiết lộ tài liệu mật..., cần phải chuyển cơ quan điều tra toàn bộ hồ sơ vụ việc thanh tra kể trên.

Yêu cầu ngừng phát tán tài liệu, xin lỗi công khai. Liên quan đến vụ lùm xùm cuộc chiến tôm giống ở Bình Thuận, ngày 29.3, luật sư Đặng Huỳnh Lộc - người đại diện pháp lý của Cty TNHH Việt - Úc - cho biết, đã có văn bản gửi đến Cty TNHH Nam Miền Trung và Công ty TNHH Thông Thuận yêu cầu phải có văn bản chính thức xin lỗi và chấm dứt hành động phát tán tài liệu của cơ quan nhà nước có liên quan đến Cty TNHH Việt - Úc đến tổ chức, cá nhân gây thiệt hại cho Cty Việt - Úc. Theo luật sư Đặng Huỳnh Lộc, thiệt hại liên quan đến các hợp đồng bị hủy do những thông tin không chính thống gây thiệt hại cho Việt - Úc đến nay đã hơn 10 tỉ đồng, nếu yêu cầu nói trên không được chấp nhận, chúng tôi sẽ tiến hành khởi kiện theo quy định của pháp luật.     P.NHIÊN

 

Lao động