Cù Lao Chàm: Ngư dân góp sức bảo tồn biển
Ngư dân Quảng Nam không chỉ nói không với hủy diệt nguồn lợi mà còn chung tay bảo tồn biển Cù Lao Chàm (xã đảo Tân Hiệp, TP.Hội An).
Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm là mô hình quản lý tài nguyên biển đảo tiêu biểu trên phạm vi cả nước, quốc tế, tăng khả năng phục hồi, phát triển các hệ sinh thái, nguồn lợi hải sản. Tuy nhiên, mặt trái các hoạt động kinh tế - xã hội đã tác động xấu đến bảo tồn biển Cù Lao Chàm.
Đánh bắt có trách nhiệm
Phổ biến rộng rãi quy chế nhằm tạo sự đồng thuận, hưởng ứng của cộng đồng ngư dân là một trong những cách làm hay của Ban Quản lý (BQL) Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm.
Ngư dân Nguyễn Quang Thành (thôn Hà Bình, xã Bình Minh, Thăng Bình, người nhiều năm khai thác hải sản bằng nghề chụp mực ở ven biển Cù Lao Chàm) cho biết, biển Cù Lao Chàm được bảo tồn tốt nên nguồn lợi phong phú, đa dạng.
Ông Thành cũng cam kết thực hiện đúng quy chế bảo tồn biển, không xâm phạm các vùng cấm, vùng sinh sản của các loài, không sử dụng các loại lồng bẫy, thuốc nổ, giã cào, pha xúc để đánh bắt hải sản; đồng thời báo với lực lượng chức năng khi phát hiện phương tiện đánh bắt hải sản trái phép.
Đối thoại với ngư dân các xã ven biển trên địa bàn tỉnh là hoạt động được BQL Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm thực hiện xuyên suốt. Tiếp sau buổi đối thoại với ngư dân tại xã Bình Minh, ngành chức năng đã thực hiện tại các xã Duy Hải (Duy Xuyên) và Tam Tiến (Núi Thành)...
Ông Huỳnh Ngọc Diên - Trưởng phòng Truyền thông & phát triển cộng đồng (BQL Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm) cho rằng, trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay, đa dạng sinh học, nguồn lợi hải sản chịu rất nhiều tác động xấu.
Rất cần sự đồng lòng, quyết tâm, chung tay của cộng đồng để bảo vệ đa dạng sinh học, sinh thái biển vì mục tiêu “Bảo vệ nguyên vẹn tài nguyên quý hiếm mà không ảnh hưởng đến sinh kế, nghiệp biển của cộng đồng ngư dân”.
Ngư dân Nguyễn Văn Thắng (thôn An Lương, xã Duy Hải) nói: “Bảo vệ khu bảo tồn biển thì các loài hải sản sẽ không bị suy giảm, ngư dân luôn có sinh kế ổn định. Bảo vệ biển đảo Cù Lao Chàm còn là trách nhiệm với các thế hệ tiếp nối và mai sau”.
Bảo tồn san hô. Ảnh: Ngọc Diên
Góp sức bảo tồn biển
Các ngư dân sống ở xã đảo Tân Hiệp có sinh kế gắn bó với biển đảo, gần gũi nên họ hiểu những giá trị đặc sắc của vùng biển Cù Lao Chàm, nhiệt tình tham gia bảo tồn đa dạng sinh thái biển.
Tiêu biểu như ông Huỳnh Giang ở thôn Bãi Ông sinh sống bằng nghề lưới cá trích, lưới cá chuồn kiêm lặn biển khai thác hải sản luôn có mặt trong đội lặn bắt sao biển gai, đội phục hồi san hô và đội thu gom rác thải ở bề mặt cũng như dưới đáy biển Cù Lao Chàm.
Ông Giang nói, các rạn san hô là ngôi nhà trú ẩn, nơi sinh sản và kiếm ăn của vô số các loài hải sản. San hô còn tạo ra không gian biển rộng lớn với vẻ đẹp muôn màu của đại dương, các rạn san hô còn giúp bảo vệ bờ biển, bảo tồn hệ sinh thái biển. San hô trước đây suy giảm do dẫm đạp của con người, thiên tai tàn phá, môi trường nước biển bị biến động.
Từ nhiều năm nay, ông Huỳnh Giang là nòng cốt của cộng đồng cùng lực lượng chức năng bảo tồn biển Cù Lao Chàm tham gia xây dựng các vườn ươm san hô, tạo nguồn phục hồi những khu vực bị ảnh hưởng, suy thoái; tổ chức thả phao phân vùng khu vực có rạn san hô phong phú, bãi giống, bãi đẻ để hạn chế tác động của con người; thường xuyên tuần tra, kiểm soát nhằm ngăn ngừa, phát hiện và xử lý kịp thời các hoạt động vi phạm trong khu bảo tồn.
“Gần đây, nhiều người dân tự ý mang những khối san hô chết về nhà để trang trí là không tốt chút nào. Tôi cùng tuyên truyền góp sức ngăn chặn hành động này. San hô chết cũng đóng vai trò quan trọng trong giữ hệ sinh thái vùng bờ triều, bờ biển, là nơi cư trú của các loài và đồng thời tạo nền tảng để san hô mới sinh sôi” - ông Giang nói.
Ông Lê Vĩnh Thuận - Phó Giám đốc BQL Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm cho biết, thời gian qua người dân đã chung tay dọn vệ sinh đáy biển, lặn tìm bắt sao biển gai; thu gom lưới bị hỏng, dây cước, bao tải, chất thải chìm dưới đáy biển, rác thải trên bề mặt biển... Sự nhiệt tình tham gia của cộng đồng ngư dân đã giúp bảo tồn biển vượt qua nhiều khó khăn.