TIN THỦY SẢN

Cú sốc mới của doanh nghiệp thủy sản

Hiện tại, đa số doanh nghiệp chế biến thủy sản đều thiếu vốn lưu động, do khách hàng thường chỉ thanh toán đơn hàng xuất khẩu sau 1-2 tháng (ảnh minh họa).

Sau vụ việc Công ty cổ phần Thủy sản Bình An, các doanh nghiệp chế biến thủy sản lại một phen lao đao trước thông tin Công ty cổ phần Chế biến thực phẩm Phương Nam (Sóc Trăng) lún sâu vào nợ nần.

Sau khi có thông tin ông Lâm Ngọc Khuân, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Chế biến thực phẩm Phương Nam từ Mỹ gửi thư về nước cáo bệnh và đồng ý giao tài sản để 7 ngân hàng có chi nhánh tại Sóc Trăng tham gia tái cấu trúc Công ty, hoạt động của các doanh nghiệp trong ngành chế biến xuất khẩu thủy sản ngay lập tức bị ảnh hưởng.

“Nhiều ngân hàng tìm cách rút vốn khỏi doanh nghiệp chế biến thủy sản. Ngay cả người nuôi tôm cũng ngại bán nguyên liệu cho nhà máy. Hiện tại, chỉ những doanh nghiệp có nguồn vốn dồi dào mới thu mua được nguyên liệu”, ông Nguyễn Tuấn Anh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Chế biến thủy sản Út Xi (Sóc Trăng) nói và cho biết, các doanh nghiệp trong lĩnh vực hỗ trợ như: bao bì, nguyên phụ liệu, thậm chí cả các hãng tàu cũng đều yêu cầu doanh nghiệp chế biến thủy sản phải thanh toán tiền mặt ngay khi thực hiện giao dịch. 

Hiện tại, đa số doanh nghiệp chế biến thủy sản đều thiếu vốn lưu động, do khách hàng thường chỉ thanh toán đơn hàng xuất khẩu sau 1-2 tháng.

“Việc tiếp cận nguồn vốn mới đối với doanh nghiệp thủy sản rất khó khăn. Các ngân hàng đang giảm dần dư nợ cho vay đối với doanh nghiệp chế biến thủy sản. Cách định giá tài sản thế chấp với doanh nghiệp trong ngành cũng khác trước, khiến việc tiếp cận vốn vay mới trở nên khó khăn hơn rất nhiều”, ông Tuấn Anh cho biết thêm.   

Ông Bùi Nguyên Khánh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản Cà Mau cho biết, do có những khoản đầu tư lớn trong những năm trước, các khoản vay cũ tại ngân hàng vẫn còn, nên Công ty khó có thể vay thêm vốn mới.    

Khó khăn càng tăng khi thị trường xuất khẩu thủy sản chưa có dấu hiệu hồi phục. Theo các doanh nghiệp chế biến thủy sản, trong tháng 8/2012, xuất khẩu thủy sản vào hầu hết các thị trường chủ lực của Việt Nam như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc đều sụt giảm đáng kể.

Đáng chú ý, Nhật Bản (một trong những thị trường xuất khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam) lại đang tăng cường kiểm tra dư lượng Ethoxyquin trong tôm Việt Nam kể từ cuối tháng 5/2012.

Ông Tuấn Anh cho biết, đây là nguyên nhân chính khiến sản lượng xuất khẩu của Công ty cổ phần Chế biến thủy sản Út Xi giảm 7% so với cùng kỳ năm 2011 và giảm 20% so với cùng kỳ năm 2010.

Được biết, kim ngạch xuất khẩu 9 tháng qua sang Nhật Bản (thị trường chiếm 50 tổng kim ngạch xuất khẩu của Công ty) chỉ đạt khoảng 45 triệu USD.

“Mục tiêu xuất khẩu cả năm 2012 của chúng tôi là 80 triệu USD, song cứ tình hình này thì Công ty chỉ đạt khoảng 70 triệu USD”, ông Nguyễn Tuấn Anh nói.         

Theo số liệu Bộ Công thương vừa công bố, xuất khẩu thủy sản trong 9 tháng đầu năm 2012 không đạt được mức tăng trưởng như các năm trước và thấp hơn so với bình quân kim ngạch xuất khẩu các ngành hàng trong 9 tháng đầu năm 2012. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu thủy sản trong thời gian này đạt trên 4,4 tỷ USD, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước.

Trước tình hình này, các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản cho rằng, nếu không được các ngành chức năng hỗ trợ tháo gỡ khó khăn về vốn, cũng như thị trường, thì ngành thủy sản khó có thể đạt được mục tiêu xuất khẩu thủy sản 6,5 tỷ USD trong năm 2012.    

Liên quan đến quy định kiểm soát chất dư lượng Ethoxyquin của Nhật Bản, ông Khánh cho biết, doanh nghiệp Thái Lan, Indonesia… cũng là đối tượng của quy định này. Chính phủ các nước này đã cử đoàn đàm phán với các nhà chức trách của Nhật Bản và đã giảm được đáng kể mức độ kiểm tra, kiểm soát với doanh nghiệp thủy sản. “Chính phủ cần cử phái đoàn đủ tầm cỡ để đàm phán với phía Nhật Bản về vấn đề này”, ông Bùi Nguyên Khánh kiến nghị.

Dân Trí