Cua Cà Mau cần xây dựng thương hiệu
Nhãn hiệu tập thể Cua Năm Căn - Cà Mau đã được chứng nhận là bước đột phá lớn trong việc xây dựng và bảo vệ giá trị thương hiệu của địa phương. Nó giúp nông dân, các cơ sở kinh doanh bảo vệ được quyền lợi cũng như mở rộng thị trường. Thế nhưng, từ khi được chứng nhận đến nay, cua Năm Căn vẫn đang loay hoay củng cố thương hiệu, vùng nguyên liệu cũng đang dần thu hẹp.
Thách thức bảo vệ nhãn hiệu
Cua Năm Căn đang đối diện với nhiều thách thức, đặc biệt là khâu quản lý khi nhãn hiệu này đang bị lợi dụng phổ biến trên thị trường cả nước. Những người mua bán cua thương phẩm ở nhiều tỉnh, thành khác đã trộn lẫn những loại cua khác vào để bán cho người tiêu dùng nhưng lấy danh nghĩa cua Năm Căn. Hay như cua được trói với dây thật to để tăng trọng, gây phản cảm với người tiêu dùng.
Điều đó không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng, bởi họ không biết đâu là thật, đâu là giả mà còn đặt ra nhiều vấn đề mà ngành chức năng phải quan tâm. Trọng tâm là công tác quản lý, sử dụng nhãn hàng Cua Năm Căn - Cà Mau.
Chủ tịch UBND thị trấn Năm Căn Phạm Trường Giang nhận định: “Danh tiếng cua Năm Căn từ lâu đã được công nhận rộng rãi trong và ngoài tỉnh. Chính vì vậy, chúng tôi đặc biệt quan tâm đến vấn đề xây dựng và bảo vệ thương hiệu. Thế nhưng, khi khảo sát các điểm chợ ở nhiều tỉnh, thành, phát hiện người bán cua lấy danh nghĩa cua Năm Căn bày bán gian dối, gây tổn hại đến uy tín cua Năm Căn”.
Để bảo vệ và phát huy giá trị cua Năm Căn, ngay sau khi nhãn hiệu tập thể được chứng nhận, HTX Cua biển Năm Căn (HTX) được thành lập với 18 xã viên. Đây đều là những người có nhiều năm kinh nghiệm trong nghề nuôi cũng như kinh doanh mặt hàng cua. Chính quyền thị trấn Năm Căn đã đồng hành với HTX trong quá trình hình thành, hoạt động và phát triển với mục tiêu phát huy tối đa giá trị của nhãn hiệu, bảo vệ lợi ích người nuôi, doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng.
Cho đến nay, HTX đã đi vào hoạt động ổn định, có thị trường tiêu thụ ổn định trong nước nhưng vẫn đối mặt với thách thức khi xuất khẩu. Chủ tịch Hội đồng Quản trị - Giám đốc HTX Lê Quốc Việt, cho biết: “Chúng tôi hiện đảm bảo cung ứng đủ cua nguyên liệu cho thị trường trong nước cũng như xuất khẩu sang Trung Quốc, Thái Lan, Singapore, Đài Loan. Tuy nhiên, thị trường tiêu thụ chính vẫn là Trung Quốc, với gần 90%. Nhưng từ trước đến nay chúng ta chỉ xuất được qua đường tiểu ngạch, điều này khiến mặt hàng cua gần như phụ thuộc vào nhu cầu tiêu thụ của người Trung Quốc”.
Sự phụ thuộc này cũng kéo theo nhiều hệ luỵ mà người nuôi cua phải gánh chịu, cả người kinh doanh cũng thiệt thòi. Tất cả quy trình mua và bán cua đều phải tuân thủ theo yêu cầu của thương lái Trung Quốc. Điển hình trong đó là sợi dây trói cua to được ngâm nước cho nặng ký, gây ám ảnh nhiều năm nay. Những sợi dây trói to, nặng vẫn tồn tại từ sự giải thích để cua... “sống sót” trong quá trình vận chuyển đường dài hay bảo quản lâu cua không chết.
Thực trạng cua trói dây to trở thành nỗi bức xúc của người tiêu dùng, sự ngán ngẩm của những người có kinh nghiệm nhiều năm kinh doanh cua và cả sự ngỡ ngàng của người nuôi cua, bởi khi họ bán cua thì sợi dây trói ấy không hề tồn tại.
Xây dựng thương hiệu
Nông dân nuôi cua họ không hề có ý niệm về sợi dây trói lớn, bởi lâu nay chỉ trói cua bằng sợi dây nhỏ. Thế nhưng, khi thương lái trong tỉnh mua về, họ lại cắt ra và trói lại theo... yêu cầu của thương lái Trung Quốc. Ông Hồ Hiền Thê, ấp Sa Phô, thị trấn Năm Căn, nói: “Nông dân chúng tôi nuôi cua thì chỉ trói bằng dây bình thường, cua vẫn sống bình thường. Về sợi dây trói lớn thì bản thân tôi cũng không biết dùng để làm gì. Dây họ không chỉ làm lớn mà còn ngâm nước, ngâm sình, cát rồi mới trói để tăng trọng lượng”.
Dây trói nhỏ được cắt ra và trói lại bằng dây to tại cơ sở thu mua cua.
Thách thức về sợi dây trói cua chính là thách thức trong quá trình xây dựng thương hiệu cũng như mở rộng thị trường tiêu thụ cho con cua Cà Mau nói chung, cua Năm Căn nói riêng.
Ông Hữu Nươl, chủ cơ sở thu mua cua Ấp 7, xã Khánh Lộc, cho biết: “Chúng tôi thu mua rồi bán cho lái ở TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội. Họ yêu cầu trói cua bằng dây lớn, ngâm nước chứ chúng tôi cũng không muốn làm thế. Cua sau khi trói, một ký có thể tăng lên một ký tư, thậm chí nặng hơn tuỳ thuộc yêu cầu của họ”.
Ở các điểm chợ, người kinh doanh hiện đang bán cua trói với đủ kích cỡ dây. Chị Nguyễn Gia Hân, chợ Phường 7, TP Cà Mau, nói: “Dây trói càng to thì giá bán càng rẻ nhưng thực tế không thể so sánh với dây nhỏ. Tôi bán cua nhiều năm, ai muốn rẻ sẽ mua cua dây to, nhưng thực tế đôi khi còn đắt hơn. Bây giờ người dân ít mua cua dây to, chỉ những khách du lịch không biết và thích cua rẻ nên mua nhiều”.
Anh Hồ Văn Mách, Phường 7, TP. Cà Mau, nói: “Giờ sợ cua dây to lắm, mua về tháo dây ra thấy cua không chỉ nhỏ mà thịt cũng không ngon. Tôi chỉ chọn cua trói dây bình thường và mua ở những chủ bán uy tín”.
Để bảo vệ vùng nguyên liệu, bảo vệ giá trị nhãn hiệu, đã đến lúc tính đến việc xây dựng thương hiệu cho con cua Cà Mau. Hiện đã có những tổ chức, cá nhân bắt tay vào làm thương hiệu nhưng trước mắt họ là những khó khăn mà ngành chức năng cần hỗ trợ.
Anh Nguyễn Hoàng Văn, chủ một điểm dừng chân và thu mua cua ở khóm Cái Nai, thị trấn Năm Căn, chia sẻ: “Chúng tôi đang xây dựng thương hiệu bằng cách cung cấp giá trị thật con cua đến với người tiêu dùng, cụ thể là cua Năm Căn. Chúng tôi thay sợi dây trói lớn bằng dây có in thương hiệu của cơ sở mình lên đấy như lời khẳng định về trách nhiện và uy tín của doanh nghiệp”.
HTX Cua biển Năm Căn cũng đang đi theo hướng xây dựng lại hình ảnh cho con cua bằng việc cởi trói cho nó, tuy nhiên không hề dễ dàng. Ông Lê Quốc Việt trần tình: "Vấn đề xuất cua qua đường chính ngạch để phát triển thương hiệu rất khó. Hiện chúng tôi bán cua chủ yếu qua trung gian và không có hợp đồng kinh tế. Chính vì vậy, mong muốn lớn nhất là ngành chức năng vào cuộc giúp đỡ doanh nghiệp phát triển thị trường”.