TIN THỦY SẢN

Cuộc cách mạng "xanh dương": Nuôi cá kiểu Mỹ

Những con cá bớp trong trang trại Open Blue. Nguyễn Xuân Thủy

Làm sao phát triển nghề nuôi trồng thủy sản mà không reo rắc bệnh tật và ô nhiễm? Đối với ông chủ trang trại cá rô phi Bill Martin, giải pháp thật là đơn giản: Nuôi cá trong bể trên đất liền, thay vì nuôi cá trong lồng hoặc lưới đặt ở hồ hoặc biển.

“Lồng lưới nuôi cá có khác gì chuồng chăn nuôi dê”, ông chủ Martin, ngồi trong căn phòng được trang trí với toàn giải thưởng săn bắn, nói.

“Nuôi kiểu đó, cá sẽ có rận biển ký sinh, rồi các loại bệnh tật khác, thất thoát do chuồng trại hỏng, rách và luôn có một tỷ lệ vật nuôi chết. Hãy so sánh phương pháp đó với phương pháp của tôi, môi trường được kiểm soát 100%, ảnh hưởng tới biển là gần như bằng không. Nếu chúng ta không để đai dương yên, mẹ tự nhiên sẽ đến lúc trút sự giận dữ lên đầu chúng ta có ngày”.

Nhà máy cá

Tuy vậy, “nhà máy cá” của Martin vẫn không hẳn là không tác động gì đến đất và không khí và chi phí cho nhà máy là không hề nhỏ. Để giữ cá sống được và sinh trưởng tốt, ông cần hệ thống xử lý nước có thể cấp đủ cho một thị trấn nhỏ, điện cung cấp cho nhà máy là từ các máy phát điện chạy than.

Martin tái sử dụng 85% nước trong các bể cá và phần còn lại, chứa đầy amoniac và chất thải của cá, được đưa đến nhà máy xử lý chất thải địa phương, các chất thải rắn được đưa tới bãi chôn lấp. Để thay thế lượng nước mất đi, Martin bơm nước ngầm lên, khoảng 1,9 triệu lít nước mỗi ngày. Mục tiêu của ông là tái sử dụng 99% nước và tự sản xuất điện từ chất thải cá.

Nhưng những mục tiêu này phải vài năm nữa mới có thể thành hiện thực. Và cho dù Martin tin rằng các hệ thống có khả năng tái tạo là tương lai, cho đến nay có rất ít công ty nuôi cá, gồm cá hồi, cá bớp, cá hồi nước ngọt, trong các bể đặt trên đất liền.

Hơn 10km ngoài khơi Panama, Brian O’Hanlon đang làm những việc ngược hẳn với Martin. Một ngày biển yên tĩnh, ông chủ Công ty Open Blue 34 tuổi lặn xuống đáy một lồng cá cực lớn sâu 20m ở biển Caribbe, quan sát 40.000 con cá bớp đang từ từ xoay tròn xung quanh. Không giống như những con cá rô phi của Martin hay thậm chí cá hồi nuôi nhốt trong lồng, những con cá bớp non mới nặng chừng 3kg này có nhiều khoảng trống để bơi lội.

O’Hanlon, nhà kinh doanh cá thế hệ thứ ba lớn lên với khung cảnh chợ cá Fulton ở New York, Mỹ. Đầu những năm 1990, sự sụp đổ của nghề đánh cá tuyết Bắc Đại Tây Dương và thuế nhập khẩu đánh vào mặt hàng cá hồi Nauy đã khiến gia đình anh phá sản. Bố anh và các chú luôn nói rằng tương lai của ngành thủy sản là cá nuôi. Vì thế ngay từ thời niên thiếu, O’Hanlon bắt đầu nuôi cá hanh đỏ trong một bể lớn ở tầng hầm.

Bây giờ, trên biển Panama, anh điều hành trang trại cá ngoài khơi lớn nhất thế giới. O’Hanlon có 200 nhân công, một cơ sở ươm trứng cá lớn trên bờ, một đội tàu chuyên kéo 12 cái lồng cá khổng lồ, có thể nuôi hơn một triệu con cá bớp. Là loài cá ưa hoạt động, cá bớp tự nhiên đánh bắt chỉ chiếm số lượng rất nhỏ.

Trong tự nhiên, cá bớp sống đơn độc nhưng tốc độ lớn nhanh khiến chúng trở nên phổ biến trong các lồng nuôi. Giống như cá hồi, thịt cá bớp chứa nhiều axit béo omega-3 có lợi cho sức khỏe. Các miếng file cá bớp trắng mềm, béo ngậy, là nguyên liệu hoàn hảo cho các đầu bếp khó tính. Năm ngoái, O’Hanlon cung cấp 800 tấn cá bớp cho các nhà hàng sang trọng khắp nước Mỹ. Năm tới anh hy vọng tăng gấp đôi con số đó.

Vị thế của cá nuôi

Tuy nhiên, nuôi cá ngoài biển, công việc bảo trì và chi phí vận hành trang trại là rất lớn. Mặc dù các lồng cá bớp, cá hồi được đặt ở trong các vịnh nhỏ kín đáo, sóng đánh vào các lồng cá của O’Hanlon có thể đạt độ cao gần 7m hoặc hơn nữa. Tuy nhiên, vấn đề là O’Hanlon phải sử dụng một số chất làm loãng để giảm thiểu ô nhiễm hay bệnh tật.


Các lồng quây nuôi cá rô phi ở Laguna de Bay, hồ lớn nhất Philippines, bị nghẽn trong các đám tảo. Ở đây có quá nhiều lồng cá nhưng do không kiểm soát được nguồn dinh dưỡng dẫn đến dư thừa, nguồn oxy hao hụt, cá chết

Các lồng chứa luôn phải chống chọi với các con sóng và dòng chảy ngầm. Cho đến nay, O’Hanlon chưa phải dùng kháng sinh cho những con cá bớp và các nhà nghiên cứu từ Đại học Miami chưa phát hiện được dấu hiệu nào của các loại chất thải từ cá bên ngoài lồng nuôi của anh. Họ tin rằng chất thải, bị pha loãng, đã được sinh vật phù du xử lý hết vì vùng nước ngoài khơi rất nghèo chất dinh dưỡng.

O’Hanlon phải đến Panama làm ăn bởi ở Mỹ, anh không thể có giấy phép xây trang trại ngoài biển. Các quan ngại của cộng đồng về ô nhiễm cũng như thái độ thù địch của ngư dân khiến các bờ biển nước Mỹ gần như không xuất hiện các trang trại cá. Nhưng O’Hanlon tin rằng anh đang đi đầu cho một xu hướng mới trong ngành nuôi trồng thủy sản.

Khi bạn nuôi cá ở trong lồng ngoài khơi hay trong bể lọc đặt trên đất liền, bạn vẫn phải cho chúng ăn. Nhưng nuôi cá có lợi thế lớn so với nuôi các loài động vật trên cạn. Bạn cho cá ăn ít hơn. Cá cần ít calo hơn bởi chúng là những loài máu lạnh và bởi vì, sống trong môi trường nước, chúng ít chịu tác động của trọng lực.

Chỉ mất khoảng 1kg thức ăn để sản xuất 1kg cá nhưng phải 2kg thức ăn mới được 1kg thịt gà, 3kg thức ăn mới được 1kg thịt lợn, 7kg thức ăn mới được 1kg thịt bò. Là nguồn protein động vật đáp ứng nhu cầu của 9 tỷ người, nghề nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là những loài ăn tạp như cá rô phi, cá chép, cá trê, đang có lợi thế lớn.... 

Nguyễn Xuân Thủy Báo Nông Nghiệp VN, 03/03/2016