TIN THỦY SẢN

Cuối năm dân Đồng Tháp Mười lại ồ ạt đào ao nuôi tôm

Khu nuôi tôm tại xã Tân Lập, Mộc Hóa nhìn từ trên cao. Thường Sơn - Song Nhi

37ha ao nuôi tôm thẻ chân trắng ngoài quy hoạch trên đất lúa, cùng hàng chục giếng khoan lấy nước mặn trái phép đang được cảnh báo sẽ hủy hoại hệ sinh thái Đồng Tháp Mười, đe dọa vùng sản xuất lúa.

Đào ao, khoan giếng trái phép

Tại xã Tân Lập, huyện Mộc Hóa (tỉnh Long An) có 2 khu vực nuôi tôm thẻ chân trắng trái phép: Một khu tại ấp 2 rộng gần 10ha, đi vào hoạt động khoảng 2 năm nay và 1 khu khác tại ấp 1, cách đó 2km rộng khoảng 4ha, trong đó một phần ao nuôi mới đi vào hoạt động mấy tháng gần đây. Liền kề 2 khu vực này, máy xúc vẫn đang tiếp tục đào ao, đắp bờ với diện tích vài hécta.

Ghi nhận của phóng viên, khu vực ao nuôi được đầu tư hệ thống máy móc khá hiện đại, hoạt động cả ngày lẫn đêm. Trên bờ ao, nhiều chòi canh được người dân dựng lên. Xung quanh khu vực này là nhiều diện tích lúa Đông Xuân của người dân khoảng 1 tháng tuổi.

“Nhà tôi có 1,5ha đất trồng lúa, ở gần khu vực ao nuôi, do các chủ ao khoan giếng lấy nước mặn lẫn rải muối xuống ao nên người dân lo ngại nước mặn sẽ xâm nhập sang các mảnh ruộng bên cạnh” - bà Bùi Thị Liêm (67 tuổi) có ruộng ở gần ao tôm nói. Theo bà Liêm, thời gian qua, nhiều người dân trồng lúa ở gần khu vực ao nuôi tôm đã "cầu cứu" chính quyền địa phương nhờ can thiệp giải quyết.

Ông Bùi Văn Rài (60 tuổi) có 2ha lúa cho biết, do khu vực ao nuôi tôm ở gần kênh nội đồng dùng để lấy nước tưới tiêu cho ruộng lúa nên thời gian qua, người dân lo ngại nước mặn sẽ rỉ xuống con kênh này.

“Giờ ở gần ruộng nhà tôi, 2 ao nuôi nữa đang được máy xúc đào, nếu Nhà nước không can thiệp sớm, khi ruộng lúa vây quanh các ao tôm thì chỉ có nước bỏ ruộng” - ông Rài nói.

Chủ tịch UBND xã Tân Lập - Lê Văn Phân thông tin, toàn xã có 15ha ao nuôi tôm thẻ chân trắng của 5 hộ dân, trong tổng số 3.000ha lúa. Để có nước mặn nuôi tôm, người dân còn khoan trái phép 21 giếng. “1ha lúa mỗi năm thu vài chục triệu đồng, còn nuôi tôm thẻ 1 năm 3 vụ, lãi từ 1-2 tỉ đồng, người dân vì thế chấp nhận đóng phạt để nuôi” - ông Phân lý giải.

Thông tin từ Sở Tài Nguyên và Môi trường, từ ngày 28/10/2019, UBND huyện Mộc Hóa đã có quyết định xử phạt hành chính 5 hộ dân tại xã Tân Lập, mỗi hộ 7,5 triệu đồng về hành vi chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa sang nuôi trồng thủy sản trái phép. Quyết định xử phạt cũng yêu cầu các hộ khắc phục hậu quả bằng cách khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất, thời gian khắc phục hậu quả là 10 ngày.


Các ao tôm sát ngay ruộng lúa người dân.

Nguy cơ hủy hoại sinh thái Đồng Tháp Mười

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn - Đinh Thị Phương Khanh cho biết, hiện toàn tỉnh có 37ha ao nuôi tôm nước lợ, tập trung tại các huyện: Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, Thạnh Hóa. Vùng Đồng Tháp Mười có tổng cộng 200.000ha lúa 2 vụ, bình quân mỗi năm đạt sản lượng 2 triệu tấn lúa. Do người dân khoan giếng tầng nông lấy nước mặn, đồng thời hòa thêm muối vào nước với tỷ lệ 100kg muối cho 1.000m3 nước, gây nguy cơ nhiễm mặn cho đất.

“Tỉnh có khu quy hoạch nuôi tôm ở 4 huyện vùng hạ 4.000ha, chủ trương chung là không nuôi tôm nước mặn trên vùng nước ngọt trồng lúa. Một, hai hộ làm được sẽ lan rộng ra toàn vùng, hủy hoại hệ sinh thái và làm sụt lún đất, phải mất nhiều thời gian và chi phí để khắc phục” - bà Khanh nói.

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường - Võ Minh Thành cũng thông tin, chủ trương của tỉnh là không đồng ý cho khoan giếng lấy nước mặn để nuôi trồng thủy sản. Sở đang yêu cầu các địa phương rà soát lại các diện tích ao nuôi thủy sản trên địa bàn Đồng Tháp Mười. “Khu vực nào nằm trong quy hoạch phát triển, chúng tôi sẽ hướng dẫn hỗ trợ người dân, riêng các ao nuôi không có trong quy hoạch sẽ bị xử lý, buộc trả lại hiện trạng như ban đầu, các giếng khoan trái phép cũng sẽ được kiểm tra, trám lấp” - ông Thành nói.

Ba năm trước, tại vùng Đồng Tháp Mười xảy ra tình trạng người dân bỏ lúa đào ao nuôi cá tra bột, bất chấp cảnh báo của ngành chức năng. Từ vài hécta ban đầu, số ao nuôi sau đó đã tăng lên trên 3.000ha, tập trung chủ yếu tại huyện Tân Hưng và Tân Thạnh. Hiện hàng ngàn hộ nuôi phải lấp ao trồng lúa trở lại hoặc phơi ao bỏ không vì thua lỗ, do giá cá xuống thấp, nhiều người dân lâm cảnh nợ nần.

Tại cuộc họp HĐND tỉnh vào cuối năm 2019, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Phạm Văn Rạnh yêu cầu các sở, ngành liên quan, các địa phương vùng Đồng Tháp Mười có biện pháp xử lý, cảnh báo tình trạng nuôi tôm trái phép tại khu vực này. Quan điểm của tỉnh là kiên quyết xử lý tình trạng nói trên, không để xảy ra tình trạng như việc người dân đào ao nuôi cá tra bột như trước đây.

Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ - Trịnh Đình Dũng chủ trì Hội nghị phòng, chống hạn, mặn xâm nhập, bảo đảm sản xuất nông nghiệp, dân sinh ở 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long tại Bến Tre. Phó Thủ tướng chỉ đạo các địa phương không được chủ quan với hạn, mặn, đủ nước cho sinh hoạt và sản xuất, theo tinh thần không để hộ dân nào thiếu nước, nơi nào để xảy ra thiếu nước lãnh đạo địa phương phải chịu trách nhiệm.

Theo dự báo của Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn, hạn, mặn năm nay đến sớm bất thường, được dự báo khốc liệt như năm 2016, đợt hạn mặn lịch sử đã khiến 600.000 người dân miền Tây thiếu nước sinh hoạt và 160.000ha đất bị nhiễm mặn, gây thiệt hại hơn 5.500 tỉ đồng.

Người dân miền Tây mùa này đang dùng mọi cách để chống hạn, mặn như trữ nước ngọt bằng phuy, túi nhựa. Chính phủ cũng đã chi hàng ngàn tỉ đồng để đầu tư các công trình cống, đập ngăn mặn.

Thường Sơn - Song Nhi Long An