TIN THỦY SẢN

Cứu cá tra bằng cách nào?

Người dân phân vân không biết nên "treo ao" hay tiếp tục bám trụ với nghề nuôi cá tra... Thanh Tùng

Để tháo gỡ khó khăn cho ngành cá tra, Hiệp hội Thủy sản Việt Nam (Vasep) đã đề ra sáu nhóm giải pháp nhằm tái cơ cấu. Nhưng theo các chuyên gia, mấu chốt vấn đề nằm ở chỗ, cần có một "nhạc trưởng" kết nối và cân bằng lợi ích giữa các nhóm tham gia thị trường, cũng như giữa các vùng nguyên liệu.

Cơn bĩ cực

Trong tháng 10 và đầu tháng 11, giá cá tra nguyên liệu ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) liên tục có những biến động. Nếu đầu tháng 10, giá mặt hàng này tăng nhanh lên mức 24 nghìn đến 25 nghìn 500 đồng/kg, thì hiện nay chỉ còn 22 đến 23 nghìn đồng/kg.

Từng là sản phẩm "vàng" mang lại nguồn lợi nhuận đáng kể cho vựa cá lớn nhất cả nước, nhưng lúc này con cá tra lại bị "thất sủng" với ngay chính những người nuôi vốn dĩ vẫn cố gắng gồng gánh giữ ao.

Người nuôi khốn khó vì chi phí đầu vào ngày càng tăng, trong khi giá bán ra thấp, và nếu bán được thì tiền thu về chậm... Tất cả khiến cho người nuôi đuối sức phải "treo ao" cắt lỗ.

Tình hình của các doanh nghiệp thu mua cá cũng chẳng sáng sủa hơn khi bản thân họ kẹt trong nợ nần, giá xuất khẩu cá đã rẻ lại phải cho các nhà nhập khẩu chậm trả tiền. Về vấn đề này, TS Lê Xuân Sinh, Bộ môn quản lý và kinh tế nghề cá, khoa Thủy sản (Trường ĐH Cần Thơ) đưa ra con số cụ thể cho thấy tỷ lệ hộ nuôi thủy sản ở ĐBSCL bị thua lỗ ngày càng tăng.

Nếu như cách đây 10 năm, chỉ 9,4% số hộ nuôi thua lỗ, thì đến giai đoạn 2010 - 2012, số hộ thua lỗ đã lên đến gần 50%. Trong khi đó, về phía doanh nghiệp, có khoảng 60-70% rơi vào cảnh thiếu hụt nguyên liệu phục vụ chế biến.

Đã vậy, sức ép đối với các doanh nghiệp trong nước không chỉ đến từ con cá tra mà còn từ chính các đối thủ cạnh tranh nước ngoài đã bắt đầu để mắt săn tìm lợi nhuận từ thị trường của Việt Nam.

Ông Võ Đông Đức, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần xuất nhập khẩu thủy sản Cần Thơ nhìn nhận, cuộc cạnh tranh sẽ không hề đơn giản khi doanh nghiệp nước ngoài có tiềm lực vốn lớn, kinh nghiệm quản trị tốt hơn doanh nghiệp trong nước. Mối lo bị thôn tính hoặc phá sản ngày một hiển hiện khiến họ không thể không tính đến phương án đối phó.

Vì đâu nên nỗi?

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sản lượng cá tra 10 tháng của năm nay ước đạt 785 nghìn tấn, tương ứng với diện tích nuôi thả khoảng 5.700 ha.

Một số tỉnh có diện tích và sản lượng lớn như An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Vĩnh Long... đều đang gặp khó khăn. Chỉ tính riêng tỉnh An Giang, diện tích nuôi cá tra đã sụt giảm mạnh từ mức 1.100 ha của năm 2012 xuống khoảng hơn 800 ha vào cuối tháng 10 vừa qua.

Phân tích về giá trị gia tăng của chuỗi cá tra, các chuyên gia chỉ ra, trong các sản phẩm thủy sản thì hiệu suất sinh lời mặt hàng này chỉ đạt giá trị gia tăng 0,68%. Điều đó đồng nghĩa với việc chế biến và xuất khẩu cá tra lúc này hầu như không có lãi. Trong khi đó, tỷ trọng giá trị gia tăng đạt được từ mặt hàng tôm là 27,4%; cá ngừ đạt lợi nhuận 37,7%. Cơn khủng hoảng mang tên cá tra còn được phản ánh từ chính việc suy giảm kim ngạch xuất khẩu (Nếu như năm 2011, đạt hơn 1,8 tỷ USD thì sang năm 2012, chỉ còn hơn 1,75 tỷ USD so với mục tiêu hai tỷ USD ban đầu). Ước tính năm nay, kim ngạch xuất khẩu cũng chỉ đạt được tầm như năm 2012 mà thôi.

Thẳng thắn nhìn vào thực tế, TS Võ Hùng Dũng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội cá tra Việt Nam chỉ ra hàng loạt nguyên nhân.

Trước hết, chính là chất lượng con giống không ổn định, chi phí nuôi cao, thông tin thị trường kém, tín dụng yếu, thể chế chưa minh bạch... Tất cả đã khiến con cá tra mắc cạn thay vì "bơi" ra thị trường thế giới.

Cần giải pháp tổng thể

Hàng loạt chính sách được đưa ra nhằm cứu vãn "sản phẩm vàng" một thuở. Theo chính người nuôi và các doanh nghiệp, khó khăn nhất hiện nay là thiếu vốn. Nhưng, Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến đầu tháng tám vừa qua, tổng tín dụng phục vụ ngành cá tra tăng hơn 18% so với cuối năm 2012, trong đó vốn đầu tư cho người nuôi cá tra tăng từ hơn 7.000 tỷ lên 10 nghìn tỷ đồng; vốn luân chuyển cho cả ngành cũng tăng từ 34 lên 38 nghìn tỷ đồng. Vấn đề đặt ra ở đây là đồng vốn đó được sử dụng như thế nào. Phải chăng, có tình trạng doanh nghiệp đã không sử dụng đúng nguồn vốn vay?

Ở một khía cạnh khác, ông Lê Chí Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội nghề nuôi và Chế biến thủy sản tỉnh An Giang cho rằng, muốn phát triển bền vững con cá tra cần phải có sự gắn kết chặt chẽ giữa nông dân và doanh nghiệp. Những dẫn chứng mà ông nêu ra trong thời gian qua cho thấy nông dân nuôi cá tra thiếu sự liên kết, bao tiêu sản phẩm của doanh nghiệp rất dễ gặp cảnh thiếu vốn và bấp bênh về đầu ra sản phẩm. Còn doanh nghiệp không chịu liên kết với nông dân cũng dễ bị thiếu nguyên liệu sản xuất. Đặc biệt, nếu doanh nghiệp tự phát triển nuôi cá tra để chế biến xuất khẩu thì cũng rất dễ rơi vào thiếu vốn và gặp nhiều rủi ro do việc quản lý vùng nuôi và tiết kiệm các chi phí trong nuôi trồng không được hiệu quả bằng người nông dân.

Hiện Vasep đã đề ra sáu nhóm giải pháp hướng tới tái cơ cấu ngành cá tra. Trong đó, chú trọng việc giảm diện tích, giảm sản lượng để nâng cao chất lượng. Song, việc tái cơ cấu này được nhìn thấy trước là không hề đơn giản. TS Võ Hùng Dũng trăn trở với nghịch lý - Ai và địa phương nào sẽ chịu là đối tượng bị cắt giảm diện tích, sản lượng? Vị tiến sĩ còn e ngại, một khi con cá tra trở lại được vị thế "sản phẩm vàng" thì chắc rằng, một cuộc "chạy đua đầu tư cho bằng chị bằng em" sẽ phá hỏng hết những quy hoạch, thỏa thuận trước đó! Vậy nên, mọi giải pháp đặt ra cần phải xác định được vai trò của "nhạc trưởng" là cơ quan quản lý nhà nước trong quy hoạch phát triển vùng, ngành. Cũng không thể không tính đến yếu tố dẫn dắt của Hiệp hội chuyên ngành. Và càng không thể không tính đến vai trò của chính quyền địa phương cũng như thúc đẩy các biện pháp kết nối giữa các nhóm tham gia thị trường như người nuôi và doanh nghiệp.

Nếu không triển khai được đồng bộ, e rằng, thân phận con cá tra vẫn cứ ngụp lặn, trôi nổi giữa dòng xoáy của thị trường. Bởi vậy, tổ chức lại sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị là hết sức cần thiết.

Thanh Tùng Báo Nhân Dân, 15/11/2013