Cứu tinh của cá hiếm
Đang làm nghề kim hoàn và có nhà cửa ổn định tại TP Hồ Chí Minh, đùng cái Trần Văn Giàu trở về quê (Vinh Giang - Phú Lộc) “thuần dưỡng” các loài cá đặc sản trên đầm phá Cầu Hai.
Bà con trong làng bảo: “Thằng Giàu bị hâm, sống ở phồn hoa đô thị không ưa lại về quê lội bùn”. Nhưng bây giờ ở Vinh Giang, Trần Văn Giàu được bà con gọi là “Vị cứu tinh của cá hiếm”.
Trên tuyến bê tông ra đầm Bà Nã, thôn Nghi Giang, xã Vinh Giang, địa danh để Giàu cắm chốt “thuần dưỡng” cá hiếm ở phá Cầu Hai, tôi cảm phục cách làm của chàng trai trẻ chưa tròn 34 tuổi đã biết khai thác thế mạnh của vùng quê lắm cát nhiều gió này. Nhớ lại chuyện cũ trong một lần về quê thăm nhà, Giàu tò mò, tìm hiểu chuyện nuôi trồng thủy sản của bà con, tự nhiên anh nảy ra ý tưởng ương nuôi từ các loài cá “hoang” đặc sản ở đầm phá Tam Giang- Cầu Hai, như cá ong căn, ong bầu, dìa, hồng... để bán giống cho bà con trong vùng. Lúc đó, mọi người trong gia đình đều can ngăn bảo “trẻ người non dạ- bà con địa phương đang chết dần chết mòn vì theo đuôi con tôm, con cá, mình có nghề nghiệp ổn định ở thành phố lớn lại muốn chuốc khổ vào thân”. Nhưng lòng đã quyết, Giàu âm thầm triển khai kế hoạch.Duyên nợ
Vậy là từ năm 2009, Giàu dồn hết công sức vào 2ha từ hồ tôm của người cậu nhượng lại tại đầm Bà Nã. Cái đầm theo Giàu là nghịch như ngựa chứng vì nó gần phá, khi lũ về, đê đập tơ-lơ-mơ, lượng nước mặn ngọt thất thường là tôm cá trong hồ sẽ đi “toi”. Biết thế, Giàu xây dựng hệ thống đê đập, hút sạch nước, thuê người làm sạch cỏ và các chất cặn bã qua nhiều năm tồn đọng, phơi nắng một thời gian, dùng vôi đổ xuống hồ khử độc, làm giàu ôxy đáy hồ sau đó đưa nước từ phá vào. Mọi việc hoàn tất, cuối tháng 6 năm ấy, Giàu đi gom gần 3.000 con cá ong căn bằng đầu đũa từ các ngư dân làm nò sáo về đưa vào hồ. Mỗi sáng Giàu có mặt ở hồ theo dõi, chăm sóc, phun thức ăn, chỉ hai tháng sau cá lớn bằng 2-3 ngón tay, đùng đùng lũ về sớm, nước dâng cao cuốn phăng tất cả. Vụ đó, Giàu mất trắng gần 20 triệu đồng, chưa kể công chăm dưỡng gần 3 tháng trời.
Rút kinh nghiệm năm sau, Giàu mua lưới về vây quanh đê. Đúng dịp, Giàu dong xe khắp nơi, dặn dò, đặt tiền trước các chủ lái, gom được vạn cá ong căn, ong bầu, cá dìa thả vào hồ, cộng thêm một vạn cua giống. Qua lũ, Giàu bán cá ong, cá dìa giống, lãi gần 30 triệu đồng, riêng số cua nuôi xen ghép cùng thời điểm bán vào dịp tết lãi thêm hơn 25 triệu đồng. Tiếp năm sau vào thời điểm giêng - hai, Giàu tranh thủ đưa tôm xen cua từ giống tự nhiên đầm phá vào 2 hồ. Tháng 6 và 7 lại thu hoạch tôm - cua rồi vệ sinh ao, bắt đầu đưa cá ong, cá dìa, cá hồng vào ươm nuôi. Cứ thế mà quay vòng. Theo cách tính của Giàu, cứ ươm và thuần dưỡng cá giống tự nhiên từ đầm phá ở 2 hồ trong vòng 3 tháng với lượng thả ban đầu chừng 3 vạn con, tỷ lệ hao hụt khoảng 20%, cuối vụ bán ra, trừ các chi phí lãi hơn 30 triệu đồng. Từ năm 2013, Giàu gom vốn, quy hoạch lại đầm Bà Nã thành hệ thống ươm cá giống gồm 4 hồ và thêm 1 hồ lắng để xử lý nước thải. Hiện nay, không có ngày nào mà Giàu xa hồ. Anh cùng ăn, cùng ngủ với việc ương nuôi thuần dưỡng một số giống cá tự nhiên đặc hữu của đầm phá, xây dựng “thương hiệu” cung ứng cá giống không chỉ ở vùng khu 3 huyện Phú Lộc.
Sản vật đầm phá hồi sinh
Đứng bên đầm Bà Nã, tôi hỏi: “Có khi nào anh lo lắng hay định từ bỏ?”.Giàu nhìn vào mặt tôi cười hiền: “Ở đời muốn thắng trận thì phải cương quyết. Lúc đầu, từ thành phố về em cũng mò mẫm như người đi đêm. Vừa làm, vừa học cộng với những lớp tập huấn nuôi trồng thủy sản cấp trên về truyền đạt em tích lũy kiến thức, kinh nghiệm”. Bây giờ, Giàu đã trở thành “chuyên gia” ương nuôi cá ong, cá dìa và hồng thu gom từ phá Cầu Hai. Anh có thể nói hàng giờ về loài “cá hiếm” này. Chẳng hạn như tập tính cơ bản nhưng không phải ai cũng biết: cá dìa, cá hồng thích ăn chất mùn, rong, rau câu và bánh dầu; khi nhiệt độ nước trong hồ xuống dưới 170C, cá sẽ bị ghẻ và chết. Tập tính quan trọng thứ hai, nếu thay đổi về dòng chảy, độ sâu, độ mặn trong nước tăng hoặc giảm cá sẽ không chịu nổi. Thành ra mỗi khi mưa lũ tràn về cá trong ao hồ, hoặc lồng của bà con chết hàng loạt là vì vậy.
Nắng đã sắp tắt, chúng tôi đứng nhìn dãy hồ nước mênh mông. Như hiểu ý tôi, Giàu nói thêm, thực ra em theo mô hình ương các giống cá đặc sản riêng có của vùng đầm phá cũng mất cả tháng trời để tìm hiểu nguồn cung và cầu. Vì đã có thời điểm việc nuôi trồng thủy sản ở quê lao dốc, nhiều gia đình khóc dở, chết dở vì con tôm sú, buộc họ phải nghĩ đến mô hình nuôi cá, tôm, cua xen ghép bằng hồ hoặc lồng bên phá. Mà giống cá ong, cá dìa, cá hồng là tiêu điểm bà con hướng đến vì thịt cá thơm ngon, hiền, thị trường rất chuộng, nhất là các thực khách ở nhà hàng, khách sạn. Hơn nữa, dân mình xưa nay chỉ quen lưới chài, đánh bắt trực tiếp cá, tôm trên phá mà không có kế hoạch tái tạo, khai thác hợp lý nên chúng cũng cạn kiệt dần. Mấy năm nay, nhờ sự vào cuộc của cơ quan quản lý, chuyên môn, chính quyền địa phương và sự “tỉnh ngộ” duy trì “miếng cơm” của bà con, nên phong trào bắt sống cá hoang ngoài phá đem gầy nuôi “vỗ lớn” đang nở rộ và là hướng đi khả quan. Chỉ khó là các giống cá này còn hiếm, chưa sinh sản được mà phụ thuộc vào ngư dân đánh bắt từ con giống tự nhiên ngoài đầm phá.
Đem câu chuyện của Giàu và nhiều hộ dân đang đi theo mô hình “nuôi giữ” những con nuôi đặc sản vùng sông nước Tam Giang- Cầu Hai trao đổi với ngành chuyên môn, bà Phan Thị Thu Hồng, Phó Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỏ ra hào hứng vì mô hình này không chỉ trở thành sinh kế cho người dân mà đang góp phần làm hồi sinh và phong phú thêm những loài cá, tôm đặc sản của vùng đầm phá Thừa Thiên Huế vốn từng là món ngon tinh túy của riêng Huế. Mấy năm trở lại đây, không hiểu do thời tiết thay đổi, điều kiện môi trường tốt lên hay nhờ ý thức, tập quán quản lý, khai thác của người dân được nâng cao mà một số loài tôm, cá đặc hữu của phá Tam Giang- Cầu Hai xuất hiện trở lại với số lượng khá nhiều như cá dìa, bống, nâu, tràng, ong, tôm rảo, tôm rằn, cua…
Hiện, những loài tôm, cá đặc sản của đầm phá đang được người dân “nuôi giữ” bằng 2 hình thức nuôi lồng và nuôi hồ, với tỷ lệ nuôi chiếm khoảng 30% con nuôi trên tổng diện tích nuôi hơn 3.500ha ở vùng đầm phá Tam Giang- Cầu Hai. Hình thức nuôi hồ tập trung chủ yếu ở địa bàn huyện Phú Lộc và nuôi lồng tập trung ở huyện Phú Vang với hơn 1.100 lồng nuôi trên toàn huyện. Việc hồi sinh và nhân rộng các loài nuôi đặc sản của vùng sông nước Thừa Thiên Huế đang mở ra hướng làm ăn mới theo hướng bền vững cho ngư dân vùng ven phá và là cơ hội cung cấp nguồn nguyên liệu cho dịch vụ ẩm thực, tạo điều kiện phát triển du lịch đầm phá theo định hướng của tỉnh.