Đã có bộ dữ liệu ban đầu về vùng nuôi, chủ thể vùng nuôi cá tra ĐBSCL
Ngày 7-7, Hiệp hội Cá tra Việt Nam tổ chức cuộc họp báo cáo tình hình sản xuất, xuất khẩu cá tra 6 tháng đầu năm 2015 và kết quả 1 tháng áp dụng Giấy đăng ký nuôi cá tra thương phẩm cho đăng ký Hợp đồng xuất khẩu theo Thông tư 23/2014/TT-BNNPTNT của Bộ NN&PTNT.
Tính đến 30-6-2015, diện tích nuôi thả mới cá tra tại ĐBSCL là 1.959 ha (tăng 0,21% so với cùng kỳ năm 2014), diện tích thu hoạch là 1.857 ha (giảm 0,51% so với cùng kỳ), sản lượng đạt 516.140 tấn (tăng 1,22% so với cùng kỳ).
Các địa phương có diện tích nuôi và sản lượng cao là: Đồng Tháp, Bến Tre, An Giang, Cần Thơ (chiếm khoảng 88% tổng diện tích và sản lượng của ĐBSCL)… Tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra đến 31-5 đạt hơn 616 triệu USD (giảm 9,6% so với cùng kỳ).
Chính phủ đã giao cho Hiệp hội Cá tra Việt Nam thực hiện đăng ký hợp đồng xuất khẩu sản phẩm cá tra, việc đăng ký hợp đồng từ 12-9-2014, tính đến ngày 27-6-2015 việc xác nhận hợp đồng xuất khẩu cá tra được thực hiện tốt. Hiệp hội đã xác nhận cho 184 doanh nghiệp xuất khẩu với 14.523 bộ hồ sơ và tổng khối lượng các lô hàng là 475.294 tấn (tính từ ngày 1-1 đến 27-6-2015)…
Từ ngày 1-6-2015, khi doanh nghiệp đăng ký hợp đồng xuất khẩu cá tra với Hiệp hội Cá tra Việt Nam cần bổ sung thêm thông tin về vùng nuôi (theo quy định tại Thông tư 23/2014/TT-BNNPTNT). Sau một tháng thực hiện điều kiện vùng nuôi như đăng ký vùng nuôi, nuôi cá tra thương phẩm, Hiệp hội Cá tra Việt Nam đã có được bộ dữ liệu ban đầu bao gồm về vùng nuôi, chủ thể vùng nuôi đang còn hoạt động tham gia liên kết xuất khẩu với các công ty chế biến, quản lý vùng nuôi của địa phương, khả năng sử dụng nguyên liệu đối với lượng xuất khẩu dự kiến đến 31-12-2015…