Đã có gần 808 ha nuôi cá tra đạt chứng nhận ASC
Theo TS. Đinh Xuân Lập, Trung tâm Hợp tác quốc tế Nuôi trồng Thủy sản và Khai thác Thủy sản bền vững, đến nay Việt Nam đã có 47 trại nuôi cá tra được chứng nhận ASC với diện tích 808 ha, sản lượng khoảng 211.000 tấn/năm. Nhiều vùng nuôi cá tra của các doanh nghiệp đang trong quá trình đánh giá nên diện tích và sản lượng cá tra đạt chứng nhận ASC sẽ tăng nhiều hơn trong thời gian tới.
Cá tra Việt Nam được nuôi từ những năm 60 của thế kỷ trước, tuy nhiên ngành chế biến cá tra, cá basa xuất khẩu chỉ phát triển từ năm 2002 sau khi chủ động được con giống và chế độ nuôi công nghiệp. ĐBSCL là nơi cung cấp gần như 100% nguyên liệu cá tra của Việt Nam. Hiện nay, 13 tỉnh của vùng đều nuôi cá tra, tập trung vào cuối nguồn sông Tiền và sông Hậu. Diện tích nuôi cá tra năm 2014 cả nước đạt 5.500 ha, sản lượng 1.047 ngàn tấn.
Cá tra Việt Nam hiện nay đã xuất khẩu sang 149 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. Năm 2014, xuất khẩu thủy sản cả nước ước đạt 7,9 tỷ USD, tăng 900 triệu USD so với kế hoạch đề ra, trong đó mặt hàng cá tra xuất khẩu đạt 1,77 tỷ USD, tăng 0,6% so với năm 2013. Bên cạnh góp phần quan trọng vào kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam và tạo việc làm, ngành nuôi cá tra cũng đã và đang phải đối mặt với rất nhiều vấn đề an sinh xã hội thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế.
Tiêu chuẩn ASC là một trong những tiêu chuẩn có trách nhiệm hàng đầu trên toàn thế giới, được xây dựng đa bên, trong đó bao gồm cả khối doanh nghiệp, bán lẻ trên thị trường toàn cầu ra đời để giải quyết các vấn đề đó. Đạt ASC là sự xác nhận cấp quốc tế đối với cá tra, góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh của thương hiệu cá tra Việt Nam trên trường quốc tế.
Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và PTNT), năm 2010, Quỹ quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF), VASEP và Hội Nghề cá Việt Nam (VINAFIS) đã ký một Thỏa thuận hợp tác nhằm hỗ trợ ngành công nghiệp cá tra sản xuất có trách nhiệm hơn với môi trường và xã hội để đạt được chứng nhận ASC. Các bên ký thoả thuận đã cam kết hỗ trợ để 100% sản phẩm cá tra xuất khẩu đạt được một trong số các chứng nhận nuôi có trách nhiệm vào năm 2015 với 50% đạt chứng nhận ASC.
Ông Ngô Tiến Chương, Điều phối viên Chương trình thủy sản của Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) cho biết, hiện nay cả nước chưa có hộ nuôi cá tra riêng lẻ nào đạt được chứng nhận ASC. Nguyên nhân do việc sản xuất và đạt chứng nhận ASC đòi hỏi nguồn kinh phí quá lớn. Cụ thể, đối với trại nuôi cá tra diện tích khoảng 4 ha, chỉ phần chi phí thuê tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật đã tốn 10.000 – 15.000 USD tùy theo điều kiện thực tế. Tiếp theo đó, người nuôi cá phải tốn thêm phần chi phí từ 3.500 - 4.500 USD để thực hiện khâu chứng nhận. Hơn nữa, người nuôi cá phải đầu tư một phần chi phí đáng kể để cải thiện điều kiện cơ sở hạ tầng ao nuôi theo tiêu chuẩn ASC.
ASC là tên viết tắt của Hội đồng quản lý nuôi trồng thủy sản - một tổ chức độc lập, phi lợi nhuận được thành lập năm 2009 bởi WWF và Tổ chức sáng kiến thương mại bền vững Hà Lan (IDH). Bộ tiêu chuẩn ASC cá tra/basa có tất cả 103 tiêu chuẩn trong 7 nguyên tắc của tiêu chuẩn ASC gồm: tính hợp pháp của vùng nuôi; sử dụng đất và nước; ô nhiễm nguồn nước và kiểm soát chất thải; di truyền và đa dạng sinh học, kiểm soát thức ăn, kiểm soát sức khỏe, thuốc thú y và hóa chất; trách nhiệm xã hội và xung đột giữa những người sử dụng.