TIN THỦY SẢN

Đa dạng thủy sản ở vùng vùng mặn

Mô hình nuôi cá chẽm ở vùng nuôi tôm Trần Đề. Văn Hòa

Phát huy nhiều đối tượng thủy sản khác để đa dạng sản phẩm ở vùng nhiễm mặn là giải pháp để tạo sinh kế, đặc biệt là khu vực ven biển có độ mặn trên 30 ‰. Ngoài tôm nước lợ thì khả năng phát triển các giống loài thủy sản ở vùng mặn là khá phong phú, như: cua biển, cá kèo, cá chẽm, cá chình, rô phi, mới đây nhất là cá chim trắng vây vàng… rất hiệu quả.

Đối với vùng nuôi tôm nước lợ, hộ dân phát triển luân canh với nuôi cá kèo mang lại nguồn thu khá cao mà nông dân Vĩnh Châu duy trì nhiều năm qua với gần 300 ha. Ở xã Hòa Đông, thị xã Vĩnh Châu bà con thả nuôi trên 130 ha cá kèo, sản lượng đạt trên 120 tấn, bình quân lợi nhuận 1kg cá kèo trên 20.000 đồng. Sau khi thu hoạch cá kèo, bà con tận dụng nước để nuôi tôm, đây trở thành quy trình luân canh rất hiệu quả.

Cá chẽm là đối tượng nuôi cho sản lượng rất lớn, 1 ha nuôi thâm canh có thể đạt sản lượng từ 90 đến 100 tấn. Từ năm 2015 đến nay, cá chẽm ở Sóc Trăng đã được liên kết tiêu thụ tại chợ Bình Điền thành phố HCM với sản lượng lớn nên việc phát triển cũng rất thuận lợi. Ở huyện Trần Đề mô hình trang trại nuôi cá chẽm thâm canh của anh Võ Điền Trung Dũng với 11ha, có thể xem là quy trình kỹ thuận hoàn thiện. Giá cá chẽm thương phẩm hiện nay thấp nhất cũng 65.000 đồng, cao điểm là 85.000 đ/kg, với giá này người nuôi đạt được lợi nhuận cao và ít rủi ro như tôm nước lợ. Anh Võ Điền Trung Dũng cho biết: “ Hiện nay cá chẽm đang có đầu ra ổn định, nên trong mô hình nuôi này chúng ta cần liên kết và thả nuôi luân phiên ở từng vùng nuôi thích hợp thì mới đủ lượng sản phẩm cung cấp thường xuyên cho thị trường”.

Hiện nay anh Dũng đang thực nghiệm mô hình nuôi cá chim trắng vây vàng, qua 2 tháng nuôi cá đạt khoảng 250gr/con. Đây là đối tượng có đầu ra ổn định, điều kiện vận chuyển thuận lợi và giá được bao tiêu 130.000 đ/kg. Tuy lợi nhuận từ cá hay các loài thủy sản khác không hấp dẫn như tôm nước lợ nhưng tính an toàn rất cao. Khó khăn về đầu ra cho cá thương phẩm cơ bản được tháo gở, khả năng phát triển của nông dân ở vùng mặn cũng có điều kiện thuận lợi hơn ngoài con tôm, đặc biệt là những vùng đất ngập mặn ven biển khả năng phát triển tôm nước lợ không hiệu quả. Theo Tiến sĩ Trần Đình Luân, Phó Gíam đốc Sở NN&PTNT Sóc Trăng: “Ở vùng ven biển Sóc Trăng có độ mặn khá cao và với tình hình biến đổi khí hậu hiện nay thì độ mặn vùng ven biển Sóc Trăng sẽ tăng cao hơn nữa. Đây là môi trường thích hợp để bà con chuyển đổi từ nuôi tôm sang nuôi cá chim trắng vây vàng. Hiện chúng tôi đang triển khai nuôi thử nghiệm cá chim trắng vây vàng ở vùng ven biển huyện Trần Đề, nếu thành công thì sẽ nhân rộng mô hình này ra cho bà con nuôi ở những tháng nắng hạn đầu năm”.


Cá chim trăng vây vàng - đối tượng được chọn thả nuôi ở vùng nước mặn ven biển Sóc Trăng.

Phát triển đa dạng đối tượng thủy sản ở vùng mặn là xu thế đảm bảo an toàn sản xuất cho nông dân, vừa thực hiện được quy trình nuôi luân canh tôm nước lợ với đối tượng thủy sản khác để giảm áp lực môi trường, đồng thời tạo thu nhập cho nông dân vùng ven biển. Thủy sản nước nước mặn, lợ là đối tượng phát triển có điều kiện xuất khẩu cao, trong khi nguồn thủy sản có giá trị từ đánh bắt đang giảm mạnh. Anh Võ Điền Trung Dũng, Chủ trang trại cá chẽm ở huyện Trần Đề, cho rằng: “Theo tôi xu hướng chuyển đổi nuôi cá nước mặn thay cho con tôm đang rất khả quan. Tôi có kế hoạch sẽ liên kết cùng các hộ nuôi trong vùng để phát triển mạnh mô hình nuôi cá chẽm và một vài loại cá nước mặn khác để dần thay thế cho con tôm”

Đa dạng đối tượng nuôi ở vùng lợ, vùng có độ mặn cao là hướng phát triển thích ứng với biến đổi khí hậu, đây cũng là giải pháp ứng phó hữu hiệu khi vùng nhiễm mặn nuôi tôm không thuận lợi, trước mắt là nguy cơ ô nhiễm môi trường do quá trình nuôi tôm thâm canh, tăng vụ đối tượng tôm thẻ chân trắng như hiện nay./.

Văn Hòa Đài PT-TH Sóc Trăng, 20/07/2016