Đà Nẵng: Ấp ủ thương hiệu “cá Koi Hòa Khương”
Thương hiệu cá Koi của ông Phan Công Câu (51 tuổi, trú thôn Phú Sơn 2, xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang, TP.Đà Nẵng) là một trong những hộ đầu tiên nuôi cá Koi của Nhật Bản ở Đà thành. Nhờ vậy ông Câu mới thực sự “đổi đời” khi nguồn thu nhập từ cá Koi lên đến 300 triệu đồng/năm.
Cửa hàng bán cá cảnh của ông Phan Công Câu trên quốc lộ 14B, thôn Phú Sơn 3, xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng luôn tấp nập người liên tục ra vào hỏi mua và vận chuyển cá Koi đi các nơi. Ông Câu cho biết, ông đang cung cấp cá Koi cho các khách hàng khắp thị trường miền Trung-Tây Nguyên với sản lượng cung cấp xấp xỉ 10.000 con cá Koi mỗi năm.
Khởi nghiệp với nghề nuôi cá cảnh từ năm 1989, tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau mà nguồn thu nhập từ nghề ở thời điểm đó chỉ đủ trang trải cho cuộc sống. Đến năm 2010, nhận thấy thị trường bắt đầu ưa chuộng cá Koi vì có màu sắc đẹp và quan niệm mang lại may mắn cho người nuôi, ông Câu đánh liều vay 150 triệu đồng để nhập 16 con cá Koi đủ màu sắc thuộc nhiều dòng khác nhau về nuôi sinh sản.
Cá Koi tại hồ ông Câu.
Tuy nhiên, do thiếu kinh nghiệm nên những lứa cá con ươm giống ban đầu chết hoàn toàn, còn cá mẹ đẻ xong cũng chết vài con. Không nản chí, ông Câu tìm đến những trại cá Koi lớn ở Nam Định, Tiền Giang… để học hỏi cách nuôi loài cá này. Đồng thời, ông lên mạng internet để học hỏi cách nuôi loài cá Koi sao cho hiệu quả, dần dần những lứa cá sau thu được kết quả tốt. “Để nuôi được cá có vẻ đẹp tự nhiên, tuổi thọ cao thì thức ăn, chế độ dinh dưỡng, môi trường sống là yếu tố quyết định. Đồng thời hồ phải rộng, độ sâu từ 0,8 đến 1,5m, nước trong, sạch, rong, tảo không quá nhiều”, ông Câu cho biết.
Sau một thời gian nuôi và sản xuất cá giống, ông Câu nhận thấy lượng cá sinh sản không đủ. Mỗi lứa cá giống chỉ lựa được 30% số cá đủ tiêu chuẩn để nuôi, còn lại phải thải bỏ. Năm 2016, ông Câu kết hợp với các hộ nuôi cá trong vùng bằng cách ông cung cấp giống cá và các hộ liên kết chịu trách nhiệm chăm sóc và tới thời điểm thu hoạch, ông sẽ mua lại. Nhờ đó thu về hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Ông Nguyễn Ngọc Xảo, thôn Phú Sơn 2, xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang cũng là một trong những hộ nuôi cá đang liên kết với ông Câu chia sẻ: “Tôi đang hợp tác với anh Câu nuôi xen cá Koi với cá khác trên với diện tích 1,5ha. Một con cá Koi phát triển tốt cần phải 2-3 khối nước để sinh sống, tuy nhiên, cùng một khối nuôi đó lại có thể nuôi xen các loại cá trắm cỏ, cá mè… Vì cá Koi ăn ở tầng đáy nên có thể tận dụng được nguồn thức ăn của các loại cá trên. Trừ chi phí sản xuất, thu nhập từ việc hợp tác nuôi cá với ông Câu trung bình 60-80 triệu đồng/năm”.
Để nhiều người biết đến thương hiệu cá Koi của mình, ông Câu lập các trang trên mạng xã hội như Facebook, Zalo…để giới thiệu các loại cá Koi của mình. Riêng tại Đà Nẵng, trại cá Koi của ông Câu có thể xem là mô hình cá Koi duy nhất. Từ năm 2016, ông Câu chỉ hợp tác nuôi với các hộ dân khoảng 1.000 con cá Koi, sau 3 năm đã gấp 10 lần số cá đó. Tuy nhiên, để chuyển môi trường sống từ ao qua hồ cá thì chỉ có 60-70% số cá chịu được vì những lý do khác nhau như: Sốc nước, sốc nhiệt…
Chia sẻ dự định, ông Câu nói: “Bây giờ tôi chỉ mong có được một nơi có mặt bằng đủ rộng rãi để các hộ gia đình tại địa phương cùng nhau nuôi cá Koi, rồi từ đó xây dựng thương hiệu “cá Koi Hòa Khương” đến được gần hơn với người tiêu dùng, tạo được nguồn thu nhập cho bà con tại xã”.
Ông chia sẻ thêm, những người chơi cá cảnh, về khía cạnh phong thủy và tâm linh, cá Koi được xem là biểu tượng của sự giàu sang, trường thọ và sinh sôi, phát triển... Nuôi được cá Koi to, đẹp xem như gia chủ đã có “thế” phong thủy, thời vận tốt đẹp. Do đó, trào lưu nuôi loại cá này ngày càng nở rộ, là thời điểm thích hợp để nuôi và phát triển mô hình cá Koi.