Đà Nẵng: Người nuôi tôm nước lợ trúng đậm
Sau 14 năm nuôi tôm nước lợ, chưa bao giờ người dân thôn Trường Định, xã Hòa Liên (huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) lại trúng đậm như năm nay. Với năng suất tôm bình quân đạt 4-5 tấn/ha, hộ cao nhất lãi gần 300 triệu đồng/ha.
Thu lãi cao
Đến thôn Trường Định thời gian này, mặc dù người dân đã thu hoạch xong vụ tôm, nhưng niềm vui được mùa, được giá của bà con vẫn tràn ngập. Được biết, trong số 23 hộ nuôi tại đây thì có khoảng 15 hộ đạt năng suất bình quân 4,5 - 5 tấn/ha. Đặc biệt, hộ ông Hồ Quý Công chỉ thả nuôi trên diện tích 1.000m2, nhưng thu được 1,1 tấn tôm.
Ông Mai Phước Binh - Chi hội trưởng Chi hội Nuôi tôm Trường Định thả nuôi 25 vạn con giống trên diện tích 3.200m2, chỉ sau hơn 3 tháng nuôi, ông thu hoạch được 2,7 tấn, bán hơn 270 triệu đồng, trừ chi phí lãi 120 triệu đồng. “Chưa khi nào bà con nuôi tôm có thu nhập đạt mức kỷ lục như vậy, ai cũng phấn khởi và mạnh dạn đầu tư nuôi tiếp vụ 2”- ông Binh cho biết.
Trao đổi với NTNN, ông Nguyễn Mười- Chủ tịch Hội ND xã Hòa Liên cho biết, trừ các khoản chi phí, người nuôi tôm ở Hòa Liên thu lãi bình quân từ 150-200 triệu đồng/ha, cá biệt có hộ thâm canh tốt, đạt năng suất cao nên lãi tới gần 300 triệu đồng/ha.
Dạy nghề ngay tại hồ nuôi
“Để vụ nuôi tôm đạt kết quả tốt, có nhiều yếu tố, nhưng chủ yếu nhất là phải có vốn và nắm chắc kỹ thuật nuôi”- ông Binh cho biết. Theo đó, trong thời gian qua, Trung tâm Khuyến ngư-nông-lâm thành phố đã phối hợp với Trường Cao đẳng Thủy sản Bắc Ninh chuyển giao, dạy nghề ngay tại hồ nuôi tôm, do đó bà con đã nắm bắt kỹ thuật nuôi tốt hơn.
Với phương pháp hỏi - đáp, học kết hợp thực hành tại ao nuôi thực hành mẫu, phương pháp thảo luận nhóm, phương pháp giảng dạy dựa trên kiến thức của học viên..., các cán bộ của trung tâm đã giúp bà con nắm bắt được kỹ thuật nuôi tôm thẻ chân trắng, từ đó đã đạt hiệu quả rõ rệt. “Được học nghề ngay tại hồ nuôi của mình nên chúng tôi nắm bắt rất nhanh, ứng dụng vào thực tiễn dễ dàng” - ông Binh cho biết.
Đặc biệt là từ đầu vụ, người nuôi tôm ở đây được Chi nhánh Ngân hàng NNPTNT Hòa Vang giải ngân cho vay vốn, trong đó nhiều hộ vay từ 50 - 200 triệu đồng. Có vốn, các hộ triển khai xử lý ao hồ rất chu đáo, đầu tư nuôi thâm canh kỹ thuật cao, con giống mua từ Ninh Thuận về chất lượng rất bảo đảm; thức ăn cho tôm và việc phòng trừ dịch bệnh cũng đầy đủ, chu đáo hơn.
Ông Mai Phước Sắt - Trưởng thôn Trường Định cho biết, bà con trong thôn đang kiến nghị lên xã về việc chuyển đổi từ đất làm lúa sang nuôi tôm. Qua thực tế nhiều vụ nuôi cho thấy, với 2 vụ/năm, năng suất tôm bình quân 4-5 tấn/ha, người nuôi thu từ 1,2 - 1,3 tỷ đồng/ha, trừ chi phí lãi ròng 500 - 600 triệu đồng. Trong khi đó, nếu trồng lúa thì cả 2 vụ, năng suất cao lắm chỉ được 10 tấn/ha, trị giá 50 triệu đồng, trừ chi phí lãi 10 triệu đồng. Hiện tại, đất lúa của địa phương khoảng 80ha, trong đó khá nhiều diện tích chỉ canh tác một vụ, năng suất và hiệu quả kinh tế rất thấp.
"Để vụ nuôi tôm đạt kết quả tốt, có nhiều yếu tố, nhưng chủ yếu nhất là phải có vốn và nắm chắc kỹ thuật nuôi”. Ông Mai Phước Binh