Đà Nẵng sẽ xây khu biểu diễn cá heo, thú biển
Khu đất rộng 2,5ha ven biển ngay dưới chân cầu Thuận Phước đang được giao cho một doanh nghiệp Nga đầu tư xây khu nuôi và biểu diễn cá heo, thú biển.
Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ vừa ký văn bản đồng ý giao 2,5ha đất vị trí gần biển nằm trong khu quy hoạch Dự án Nhà hát - Trung tâm Văn hóa thành phố tại chân cầu Thuận Phước để xây dựng khu biểu diễn và nuôi cá heo, thú biển của một công ty Nga.
Ông Thơ giao Sở Xây dựng chỉ đạo Viện Quy hoạch đề xuất phương án điều chỉnh quy hoạch tại khu vực chân cầu Thuận Phước, đồng thời yêu cầu các đơn vị liên quan thực hiện thủ tục đấu giá quyền sử dụng đất cho chủ đầu tư theo quy định, liên hệ với phía công ty để triển khai dự án.
Trao đổi với VnExpress chiều 5/11, ông Vũ Quang Hùng - Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng, cho hay "chủ trương đã được thông qua" và đang trình thành phố quy hoạch cụ thể. Trong khi đó, đại diện Hội Quy hoạch và Đô thị Đà Nẵng cho biết chưa có thông tin nên chưa thể góp ý về dự án này.
Ngay khi thông tin về khu biển diễn thú biển và cá heo được chia sẻ trên các diễn đàn mạng xã hội, đã có nhiều ý kiến trái chiều về dự án này. Một số người cho rằng dự án giúp Đà Nẵng đa dạng thêm điểm đến để thu hút khách du lịch, trong khi không ít ý kiến đề nghị thành phố nên cân nhắc khi đang hướng tới xây dựng một thành phố môi trường mà lại "đem thú ra diễn xiếc".
Tổ chức Động vật châu Á (Animals Asia) đã khuyến nghị Đà Nẵng không nên thông qua dự án. Việc đưa những con cá heo từ tự nhiên về môi trường nuôi nhốt, ép buộc chúng biểu diễn và bơi cùng khách tham quan có thể gây tổn thương, thậm chí gây tử vong đối với loài vật có nguy cơ tuyệt chủng này. Điều này có thể gây tác động tiêu cực đến lượng khách du lịch và đầu tư vào thành phố.
Ông David Neal, Giám đốc phúc lợi động vật, Tổ chức Động vật châu Á, cho biết những nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng nuôi giữ cá heo từ tự nhiên là hành vi tàn bạo khiến chúng luôn bị hành hạ. Nuôi nhốt cá heo hay động vật biển có vú khác đều gây hại cho chúng và dần dần, ngày càng có nhiều người phản đối việc làm này.
"Chúng tôi tin rằng danh tiếng thành phố hiện đại, văn minh của Đà Nẵng có thể bị ảnh hưởng nếu dự án được tiến hành. Câu chuyện thành công của Đà Nẵng sẽ bao gồm cả việc không ngại từ chối những dự án không phù hợp với quy hoạch phát triển chung, đặc biệt là những dự án có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường và phát triển bền vững của thành phố", ông David Neal nói.
Theo Animals Asia, việc các công viên thủy cung gây ô nhiễm môi trường biển và vi phạm phúc lợi động vật khiến nhiều quốc gia đã có luật cấm hoặc hạn chế việc nuôi nhốt động vật biển. Croatia, Hungary, Slovenia, Thụy Sỹ ... đã cấm nuôi nhốt cá heo. Chile và Costa Rica đã cấm việc nuôi nhốt sinh vật biển từ năm 2005 và vào năm 2013, Ấn Độ đã thông qua luật cấm phát triển các khu nuôi cá heo...
Ở Việt Nam, mặc dù chưa có luật về phúc lợi động vật hay quy định cấm sử dụng cá voi và cá heo nhưng các loài này có tên trong Sách Đỏ Việt Nam. Cá voi, cá heo được Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế, mà Việt Nam là thành viên từ năm 1993, liệt kê trong danh mục các loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng cao cần được bảo vệ.
Thông tin Animals Asia cung cấp, trong 3 năm gần đây, 4 chiến dịch nâng cao nhận thức đã được thực hiện thành công. 4 bể nuôi cá heo bị đóng cửa gồm: Rimini (Ý) vào tháng 2/2015; Công viên Cá heo Kas (Thổ Nhĩ Kì) đóng cửa tháng 5/2013; Yerevan (Armenia) đóng của vào tháng 3/2013; Munster (Đức) đóng cửa vào tháng 7/2012.