TIN THỦY SẢN

Dai dẳng tận diệt thủy sản phá Tam Giang

Đầm phá Tam Giang rộng lớn với nguồn lợi thủy hải sản phong phú. Vì thế việc khai thác trái phép liên tục diễn ra Văn Dinh

Tại đầm phá Tam Giang - Cầu Hai (tỉnh Thừa Thiên Huế), tình trạng đánh bắt thủy sản trái phép diễn ra ngày càng nhiều trong những năm gần đây, đặc biệt là khai thác thủy sản bằng xung điện.

Tận diệt thủy sản

Đầm phá Tam Giang - Cầu Hai thuộc địa phận của 5 huyện, thị xã ven biển Thừa Thiên Huế là Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc và thị xã Hương Trà. Đây là vùng đất ngập nước tiêu biểu cho điều kiện nhiệt đới gió mùa, lớn nhất Đông Nam Á và thuộc cỡ lớn trên thế giới với diện tích hơn 22.000 ha và trải dài 68km. Nơi đây cũng là nguồn sinh kế của khoảng 300.000 cư dân sinh sống trên sông nước và ven bờ. Tuy nhiên, những năm qua việc đánh bắt trái phép tại đây diễn ra ngày càng nhiều, đặc biệt tình trạng khai thác thủy sản bằng xung điện, cào hàu theo kiểu tận diệt đã khiến nhiều loài cá, tôm bị cạn kiệt và mất dần. Không những thế điều này còn ảnh hưởng đến môi trường sinh thái đầm phá.

Công an các địa phương luôn tăng cường công tác phối hợp với Chi cục Thủy sản, Phòng NN&PTNT huyện, UBND các xã và các Chi hội nghề cá thường xuyên tuần tra trên đầm phá, bắt giữ và xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi đánh bắt thủy sản trái phép.


Khai thác thủy sản bằng xung điện tại Thừa Thiên Huế đang diễn ra thường nhật.

Khoảng năm 2003, Hội Nghề cá tỉnh Thừa Thiên Huế ra đời và sau đó là các Chi hội nghề cá ở các địa phương được thành lập tập hợp lực lượng cộng đồng ngư dân trong việc phát triển nuôi trồng, đánh bắt; đồng thời, quan tâm đến bảo vệ môi trường và nguồn lợi thủy sản, nhất là vùng ven bờ và đầm phá. Cơ chế cấp “quyền khai thác thủy sản” cho Chi hội nghề cá đã tạo nên tính làm chủ, ý thức trách nhiệm của cộng đồng trong việc quản lý, giám sát các hoạt động khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, trong đó có phòng chống đánh bắt thủy sản hủy diệt.

Chi cục Thủy sản tỉnh Thừa Thiên Huế thông tin trong năm 2019 đã tuần tra độc lập và phối hợp với các địa phương tổ chức 40 đợt tuần tra kiểm soát các hoạt động khai thác, bảo vệ nguồn lộ thủy sản trên hệ thống đầm phá Tam Giang - Cầu Hai và các khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Các đợt tuần tra chủ yếu đột xuất, ban đêm đã phát hiện, xử lý 8 vụ vi phạm, xử phạt hành chính gần 30 triệu đồng.

Chi hội Nghề cá thôn 8, xã Điền Hải (huyện Phong Điền) cho hay, Chi hội Nghề cá trong năm 2019,  thôn đã tổ chức hơn 50 lượt tuần tra, giám sát trên vùng đầm phá thuộc địa phận được cấp quyền khai thác, bảo vệ. Quá trình tuần tra đã phát hiện, bắt giữ hai thuyền đánh cá bằng nghề giã cào, bàn giao Công an huyện Phong Điền xử lý. Chi hội Nghề cá thôn 8 cũng đã bắt hai đò cào lươn bằng máy công suất lớn, một ghe làm nghề xung điện, chuyển công an địa phương xử lý vi phạm.

Chi hội Nghề cá đầm phá Trung Hưng, xã Vinh Hưng (huyện Phú Lộc) trong năm 2019 cũng đã phối hợp với công an xã tổ chức 20 lượt tuần tra, phát hiện và xử lý 8 trường hợp vi phạm khai thác thủy sản trên vùng đầm phá, gồm một vụ xung điện, ba vụ khai thác trộm và truy đuổi 4 vụ.

Ngoài ra, các Chi hội Nghề cá  Thủy An, xã Quảng Ngạn (Quảng Điền), Lê Bình, xã Phú Xuân (Phú Vang)... cũng đã tổ chức hơn 60 lượt tuần tra, xử lý nhiều trường hợp vi phạm khai thác trong khu bảo nguồn lợi thủy sản.


Nền kinh tế của người dân Huế phụ thuộc nhiều vào khai thác thủy hải sản.

Tăng cường quản lý

Theo ông Hồ Trọng Cầu - Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Lộc, diện tích huyện chiếm gần nửa là đầm phá nên huyện đã triển khai nhiều biện pháp để quản lý chặt chẽ việc nuôi trồng, khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên đầm phá Tam Giang - Cầu Hai. 

Ông Võ Giang - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Thừa Thiên Huế đánh giá rằng, công tác tuyên truyền, vận động khai thác thủy sản trái phép trên vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai những năm gần đây tại một số địa phương vẫn chưa thật sự hiệu quả; một phần các phương tiện, dụng cụ phục vụ hoạt động tuần tra, xử lý vi phạm chưa được đầu tư thỏa đáng nên số vụ vi phạm khai thác thủy sản vẫn còn tái diễn.

“Khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản nào được chính quyền địa phương quan tâm, hỗ trợ sẽ hoạt động có hiệu quả. Các địa phương cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, không trông chờ cấp trên; trong điều kiện, khả năng cho phép phải kịp thời có cơ chế, chính sách thỏa đáng cho các hội viên, Chi hội Nghề cá  hoạt động. Cơ quan chức năng phân bổ kinh phí ngân sách sự nghiệp tăng thêm để triển khai các mạng lưới khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản phát triển đồng bộ, mua sắm phương tiện, dụng cụ đáp ứng yêu cầu xử lý vi phạm; triển khai tốt công tác quản lý Nhà nước và tạo sinh kế bền vững cho ngư dân. Các huyện, thị xã xem xét, bổ sung thêm ngân sách địa phương để hỗ trợ, phát huy vai trò quản lý, khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản...”, ông Giang chia sẻ.


Nhiều chính sách cho ngư dân đang được chính quyền triển khai nhằm tạo sinh kế bền vững cho dân, tránh tận diệt trái phép.

Tìm hiểu được biết, sau khi có Quyết định số 1955/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án “Phát triển kinh tế, xã hội vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai đến năm 2020”, tỉnh Thừa Thiên Huế đã tập trung phát triển vùng đầm phá này. Đồng thời, nỗ lực tạo sự thay đổi để đưa vùng đầm phá trở thành một trong những khu vực có kinh tế ven biển phát triển mạnh của cả nước.

Ông Nguyễn Văn Phương - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho hay, ngoài công tác chỉ đạo và yêu cầu cơ quan chức năng và các địa phương tăng cường tuần tra, phát hiện, xử lý nghiêm các đối tượng đánh bắt thủy sản trái phép trên đầm phá, tỉnh còn chú trọng việc kêu gọi các nhà đầu tư phối hợp nghiên cứu đầu tư các dự án liên quan thủy sản, du lịch tại vùng đầm phá của tỉnh. Nhất là kêu gọi các nhà đầu tư có tiềm lực, có kinh nghiệm đến đầu tư nuôi trồng thủy sản vùng đầm phá, kết hợp nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ để tạo tính bền vững, đảm bảo môi trường sinh thái đầm phá Tam Giang - Cầu Hai.

Văn Dinh Tài nguyên & Môi trường