TIN THỦY SẢN

Đắk Nông: Tăng hiệu quả nuôi cá nhờ chế phẩm sinh học

Hội thảo đầu bờ mô hình nuôi thâm canh cá diêu hồng sử dụng chế phẩm sinh học tại hộ bà Nguyễn Thị Tách, buôn K62, xã Đăk Drô huyện Krông Nô Nguyễn Thị Khánh

Năm 2018, từ nguồn kinh phí của tỉnh, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Đắk Nông đã triển khai xây dựng mô hình nuôi thâm canh cá diêu hồng sử dụng chế phẩm sinh học, quy mô 01 ha, có 13 hộ tham gia thực hiện mô hình, được triển khai ở 5/8 huyện, thị xã (Đăk Rlấp, Tuy Đức,TX. Gia Nghĩa, Cư Jút, Krông Nô).

Các hộ thực hiện được hỗ trợ 100% vật tư và con giống, riêng ở thị xã Gia nghĩa được hỗ trợ 100% về con giống và 50% vật tư.

Trước khi triển khai mô hình, Trung tâm Khuyến nông phối hợp với Trạm Khuyến nông các huyện tiến hành chọn hộ và hướng dẫn các hộ cải tạo ao hồ trước khi thả cá giống; tổ chức tập huấn về kỹ thuật nuôi thâm canh cá diêu hồng sử dụng chế phẩm sinh học cho các hộ làm mô hình và các nông dân có nhu cầu với trên 150 lượt người tham gia.

Việc sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý môi trường nuôi nhằm tránh được các nguy cơ tiềm ẩn về các loại dịch bệnh có thể xảy ra, giảm chi phí cho vụ nuôi, hạn chế sử dụng thuốc, hóa chất, ngăn ngừa được dư lượng kháng sinh tồn lại trên sản phẩm thủy sản, tạo ra sản phẩm sạch. Với mật độ thả nuôi 3 con/m2, sau 6 tháng, trọng lượng cá đạt trung bình 0,59 kg/con, tỷ lệ sống 80,6%, năng suất đạt được 14,1 tấn /ha. Với giá bán 36.000 đồng/kg, sau khi trừ các khoản chi phí, lợi nhuận thu được là 224.500.000 đồng/ha (chưa tính công chăm sóc).

Qua kết quả đạt được, bà Nguyễn Thị Tách, buôn K62, xã Đăk Drô, huyện Krông Nô - hộ dân làm mô hình - rất phấn khởi chia sẻ: ‘Mấy năm trước gia đình tôi có nuôi cá trắm cỏ và những loại cá truyền thống để cải thiện bữa ăn gia đình là chính, do không biết kỹ thuật nuôi nên cá chậm lớn, lại hao hụt nhiều. Năm nay nhờ làm mô hình, được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn và tập huấn nên cá diêu hồng lớn nhanh, tỷ lệ hao hụt thấp, mô hình đạt kết quả rất tốt. Trong thời gian tới tôi sẽ nuôi tiếp giống cá này và sẽ nhân rộng cho các hộ có nhu cầu tại địa phương”.

Bà Trần Thị Huế, Khuyến nông viên xã Đăk Drô cho biết, trong quá trình triển khai, các hộ áp dụng tốt quy trình kỹ thuật nuôi, đặc biệt khi sử dụng chế phẩm sinh học EM vào xử lý môi trường nuôi giúp cá không bị bệnh, ổn định độ pH nước, cá tăng trọng đều, tỷ lệ hao hụt thấp, do dó mô hình rất thành công; hi vọng trong thời gian tới Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai mô hình nhiều hơn nữa để bà con nông dân tiếp cận được những tiến bộ bộ khoa học kỹ thuật mới và áp dụng vào thực tế ngày một nhiều hơn.

Nguyễn Thị Khánh TTKNQG