Đảm bảo môi trường cho tôm nuôi
Quy hoạch, xây dựng hạ tầng, tạo môi trường nước “sạch” cho tôm nuôi… là những yêu cầu đặt ra cấp thiết khi đến thời điểm này, hàng loạt bất cập xuất hiện ở cả 2 vùng nuôi tôm khiến sản xuất thất bát trong khi môi trường bị ảnh hưởng nặng nề.
Chấn chỉnh nuôi tôm trên cát
Tháng 4.2014, UBND tỉnh phê duyệt Quy hoạch tạm thời nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát đến năm 2018 tại các địa bàn Núi Thành và Thăng Bình với tổng diện tích 285,1ha. Phương án quy hoạch tạm thời đã được đặt ra, cụ thể là mỗi hộ hay nhóm hộ nuôi phải đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải, tránh tình trạng xả thải tùy tiện khiến dịch bệnh lây lan và gây ô nhiễm môi trường. Thế nhưng, theo quan sát của chúng tôi, sau hơn 1 năm triển khai, đến thời điểm này, chỉ vài hộ nuôi có tiềm lực tài chính mạnh đầu tư hệ thống xả thải, phần lớn diện tích còn lại vẫn xả thải tràn lan. Hiện tượng nuôi tôm tự phát vẫn tồn tại dù cho nhiều giải pháp cấp thiết đã được triển khai. Theo UBND xã Tam Tiến (Núi Thành), người dân đã… lỡ vay mượn, đầu tư nuôi tôm rồi, cũng cần phải… nới lỏng để họ nuôi vài vụ trang trải nợ nần, sau đó vận động dừng nuôi hẳn. Chứ không, người dân manh động phản ứng thì sử dụng biện pháp mạnh tay, trấn áp, cưỡng chế cũng sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy phức tạp, lợi bất cập hại. Trong khi đó, người dân bất chấp ảnh hưởng môi trường, viện dẫn lý do đất ven biển chưa sử dụng vào mục đích gì thì cũng nên để họ nuôi tôm thu lợi, cải thiện sinh kế.
Theo thống kê của ngành thủy sản Quảng Nam, đến thời điểm này, diện tích nuôi tôm nước lợ trên cát đã giảm 30%. Đi dọc các vùng nuôi tôm lót bạt từ các xã Bình Hải, Bình Nam (Thăng Bình) cho đến Tam Tiến, Tam Hòa, Tam Hải (Núi Thành), dễ nhận thấy nhiều ao hồ đã bị bỏ hoang. Nguyên nhân chính là dịch bệnh thường xuyên xảy ra khiến tôm nuôi chết hàng loạt, người nuôi sợ thua lỗ không dám tái đầu tư. Hơn nữa, giá tôm thương phẩm đã giảm mạnh đến hơn 30%. Theo Sở NN&PTNT, quy hoạch nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát là hết sức cấp thiết khi môi trường ven biển bị ảnh hưởng nặng nề trong thời gian gần đây. Vả lại, khi thương lái Trung Quốc không còn mặn mà với tôm thương phẩm, đầu ra không đảm bảo thì phải áp dụng các quy trình nuôi tôm an toàn, đảm bảo các tiêu chí xuất khẩu cho người nuôi. Chỉ có quy hoạch lại vùng nuôi thì mới có thể áp dụng các quy trình nuôi theo tiêu chí VietGAP, đảm bảo điều kiện xuất khẩu. Theo đó, ngành thủy sản tỉnh đang phối hợp với Viện Kinh tế & quy hoạch thủy sản rà soát lại địa bàn nuôi tôm trên cát của tỉnh để quy hoạch lại vùng nuôi, đề xuất UBND tỉnh quyết định, hướng đến sản xuất bền vững. Hàng loạt các giải pháp về tôm giống, về hạ tầng vùng nuôi, thủy lợi, cơ chế hỗ trợ… sẽ được triển khai khi có quyết định.
Đầu tư hạ tầng cho vùng triều
Những ngày này, những cánh đồng tôm ở vùng triều ven sông trên địa bàn tỉnh vẫn lâm vào cảnh đìu hiu. Dịch bệnh đã khiến cho các đồng tôm ngày càng hoang hóa. Có thể nhận thấy hạ tầng ở các vùng nuôi này rất sơ sài, hầu hết đều không có hệ thống cấp thoát nước riêng biệt, không có ao xử lý nước thải, ao chứa lắng. Điều kiện nuôi tôm còn sơ sài nên dịch bệnh thường xảy ra; chất thải từ các ao nuôi có tôm bị dịch bệnh được xả ra sông đã tạo ra nguồn vi khuẩn gây hại trong nguồn nước, tiếp tục gây dịch bệnh trên đàn tôm. Trong khi đó, việc đầu tư của Nhà nước cho hạ tầng nuôi tôm ở Quảng Nam quá thấp so với nhu cầu phát triển. Cụ thể, kênh, mương, thủy lợi, vùng nuôi tập trung đều chưa được đầu tư. Tại các hội thảo về nuôi tôm nước lợ được tổ chức trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua, nhiều địa phương ven biển và người nuôi kiến nghị Nhà nước triển khai các chính sách hỗ trợ, trong đó có vay vốn phát triển nuôi tôm nhưng chưa được cụ thể hóa trong thực tế đến thời điểm này. Khả năng huy động vốn của nông hộ thấp khi các tổ chức tín dụng ở Quảng Nam không mặn mà cho họ vay vốn dẫn đến nguồn lực đầu tư cho hạ tầng vùng nuôi kém phát triển...
Theo Sở NN&PTNT, quy hoạch nuôi tôm nước lợ cho vùng triều ven sông cũng cần kíp không kém gì nuôi tôm trên cát, mặc dù 2 vùng nuôi có điều kiện rất khác nhau. Đối với vùng triều, nuôi tôm nước lợ phải được tổ chức theo mô hình cộng đồng quản lý gắn với các quy phạm nuôi tôm an toàn, đảm bảo vượt qua được các rào cản kỹ thuật xuất khẩu từ các nước Âu, Mỹ. Quan trọng là phải hình thành các chuỗi liên kết sản xuất giữa các tổ hợp tác, ban quản lý cộng đồng, người nuôi để thống nhất quản lý môi trường, nguồn nước, gắn kết trong phòng chống dịch bệnh, thu hoạch, tiêu thụ sản phẩm.
Mới đây, UBND tỉnh kiến nghị Bộ NN&PTNT thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư cơ sở hạ tầng vùng nuôi thủy sản tập trung huyện Núi Thành. Dự án triển khai tại các thôn Bản Long, Bình Trung và Lộc Ngọc (xã Tam Tiến) có tổng diện tích 97ha gồm các hạng mục hệ thống cấp nước sạch, hệ thống xử lý và thoát nước thải, đê bao sông Trường Giang, đường giao thông và hệ thống cấp điện. Kinh phí thực hiện từ sự hỗ trợ của Trung ương, vốn đối ứng của địa phương và xã hội hóa từ người nuôi và doanh nghiệp. Dự án này được triển khai sẽ là tiền đề cho việc quy hoạch nuôi tôm nước lợ ở vùng triều trong thời gian đến trên cơ sở nuôi tôm an toàn, thực hiện bằng nguồn xã hội hóa và ngân sách của tỉnh.