Dân TQ tiếp tục đánh cá bất chấp phán quyết Biển Đông
Trung Quốc vẫn ngang ngược hỗ trợ người dân ra Biển Đông đánh bắt cá trái phép dù tòa án quốc tế đã bác bỏ cơ sở để tuyên bố cái gọi là “quyền lịch sử” của Bắc Kinh.
Ngư dân ở đảo Hải Nam, Trung Quốc tiếp tục đánh cá ở vùng biển tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông bất chấp phán quyết của tòa án quốc tế đưa ra ngày 13.7. Khi cả Trung Quốc và Philippines đều tuyên bố đánh cá ở vùng biển tranh chấp, nhiều quan ngại nảy sinh về sự đối đầu quân sự và tàn phá môi trường sinh thái.
Ngày 14.7, tại cảng Tanmen, thị xã Quỳnh Hải, tỉnh Hải Nam, Trung Quốc, 4 đến 5 ngư dân đang bận rộn chất đồ lên tàu cá vỏ sắt 500 tấn số hiệu 82888. Họ mang theo thức ăn, nước uống, rau củ ngâm và tỏi.
“Chúng tôi sẽ vào Biển Đông đánh cá trong 4,5 hôm”, một ngư dân nói. Người đàn ông trung niên giấu tên cho biết sẽ đánh cá ở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam trong vòng một tháng rưỡi.
Người này nói đây là lúc quay trở lại Biển Đông sau khi ở trên đảo Hải Nam một tháng. Ngày 13.7, tòa án Trọng tài Thường trực khẳng định Trung Quốc không có cái gọi là “quyền lịch sử” ở Biển Đông và nước này liên tục vi phạm quyền tự do đánh bắt của Philippines.
Ngư dân Trung Quốc nói họ vẫn phớt lờ phán quyết tòa án như thường lệ nhưng lần này không đánh bắt ở Scarborough, nơi ngư dân Philippines thường tới.
Chính quyền đại lục đã khuyến khích ngư dân đánh bắt cá ở Scarborough bằng những khoản hỗ trợ lớn. Trung Quốc ngang ngược chiếm lấy khu vực này sau cuộc tranh chấp với chính quyền Manila năm 2012.
Fu Zhongzheng, thuyền trưởng 68 tuổi của tàu 05067 nói ông đã nghỉ ngơi ở đảo Hải Nam gần 1 tháng trước khi quay trở lại Biển Đông vào ngày 3.8. Ông Fu nói rằng “Trên TV nói phán quyết của tòa án là vô hiệu”.
Thuyền trưởng 40 năm kinh nghiệm này cũng rất tự tin về an ninh của những vùng đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi lấp trái phép.
“Đôi khi đánh bắt ở Hoàng Sa cũng hơi nguy hiểm. Tuy nhiên nếu có vấn đề gì, chúng tôi sẽ gửi tín hiệu cấp cứu và họ sẽ cứu chúng tôi ngay. Chẳng có vấn đề gì cả”.
Đài ABS của Philippines nói rằng lực lượng tuần tra Trung Quốc đã chặn một tàu cá Philippines tiến vào vùng Scarborough hôm 15.7. Thị trưởng thị trấn Masinloc ông Arsenia Lim nói rằng chính quyền cử ngư dân ra khu vực tranh chấp để xem thái độ chấp thuận phán quyết của Trung Quốc.
John McManus, giáo sư sinh thái và sinh vật biển thuộc đại học Miami, Mỹ lo ngại môi trường biển bị phá hủy khi ngư dân Trung Quốc và Philippines cùng ra biển đánh bắt. “Tình trạng đánh bắt quá mức diễn ra và gây thiệt hại nặng nề cho hệ sinh thái Biển Đông”.