Dân vạn chài xuyên đêm săn loại cá ‘nửa sông, nửa biển’
Vào độ cuối tháng Giêng, đầu tháng Hai âm lịch, cá mòi lại ngược sông để sinh sản. Cư dân vạn chài các địa phương dọc sông Lam cho biết, năm nay, cá mòi ngược sông ít hơn nhưng bù lại thì béo hơn, to hơn, được giá hơn.
Cá mòi có đặc tính sinh trưởng khá đặc biệt, giống với loại cá hồi ở châu Âu. Đó là quanh năm sống ở biển, đến khi lập Xuân, thời tiết ấm lên (khoảng cuối tháng 2 âm lịch) thì chúng bơi ngược dòng nước các con sông đẻ trứng.
Trứng nở, cá mòi con cứng cáp lại xuôi dòng ra biển, bắt đầu vòng đời mới, đến khi trưởng thành, chúng lại ngược sông thực hiện chu kỳ sinh đẻ. Mùa cá mòi ngược sông tìm nơi sinh sản cũng là lúc cư dân vạn chài vào vụ đánh bắt.
Hơn 50 năm gắn bó với nghề sông nước, ông Nguyễn Văn Hoàn (làng Giang Tiên, xã Thanh Giang, Thanh Chương) đã thuộc lòng đặc tính của loài cá mòi.
Ông Hoàn cho biết: “Cá mòi thường di chuyển cách mặt sông ở độ sâu 3-5m vào ban ngày và sát mép nước vào ban đêm. Cá mòi dài khoảng 15cm và nặng khoảng 50-80gam, để đánh bắt cá mòi thì phải dùng lưới chuyên dụng, mắt to, dày 3 lớp.
Cá mòi đi qua sông Lam địa phận thành phố Vinh, Hưng Nguyên, Nam Đàn, Thanh Chương, Đô Lương… song, càng ngược nguồn, hấp thu phù sa của sông thì cá càng dai, thơm, đậm vị. Do đó, cá mòi ở Nam Đàn, Thanh Chương, Đô Lương thơm hơn, béo hơn, ngon hơn so với cá mòi ở vùng gần cửa biển”.
Mùa đánh bắt cá mòi chỉ kéo dài khoảng 1 tháng (từ cuối tháng Hai đến đầu tháng Tư âm lịch) nhưng lại là thời điểm người dân làng chài có thu nhập khá nhất trong năm. Làng vạn chài Hạ Long (thôn 1, xã Thanh Hà, Thanh Chương) có gần 20 hộ “nhà nghề” - chuyên đánh bắt cá trên sông Lam. Mùa cá mòi, hầu như người dân trong làng ở hẳn trên bến, thay phiên nhau thả lưới.
Anh Nguyễn Viết Tỵ - Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh Hà cho biết: “Mùa cá mòi ngắn lắm, chỉ hơn một tháng nên bà con tranh thủ đánh bắt. Thường thì nghề sông nước, chủ yếu đánh bắt vào ban đêm, từ 20h đến 4h sáng hôm sau, nhưng vụ cá mòi thì ngư dân thả lưới từ chiều, sang đêm cho tận sáng.
Tuy nhiên, vào buổi đêm thì dễ đánh bắt hơn, khai thác được nhiều hơn. Có những hộ, mỗi ngày buông lưới 3-5 lần thu về từ 20-30kg cá mòi, giá bán tại bến dao động từ 25.000 - 50.000 đồng/kg (tuỳ kích cỡ), hết mùa cá mòi cũng thu về cả chục triệu đồng".
Năm nay, đầu vụ nhưng lượng cá mòi ngược sông ít hơn mọi năm song cá to hơn, béo hơn và bán được giá hơn. Nhanh tay gỡ những con cá mòi tươi rói ra khỏi mắt lưới, ông Bình Thảo (xã Đặng Sơn, Đô Lương) phấn khởi: “Từ 6h chiều đến 8h tối, 2 tiếng được chừng 10kg cá, bán luôn cho thương lái với giá xô (cá to nhỏ lẫn lộn) là 35.000 đồng/kg, trừ chi phí còn thu về hơn 200.000 đồng. Có năm, được mùa cá mòi, mỗi tay lưới kéo lên cả yến cá, mỗi ngày thu về cả tạ cá, thu nhập tiền triệu là chuyện thường”.
Cá mòi sau khi đánh bắt sẽ được các thương lái đón mua tại bến. Là loại cá “đặc sản”, thơm ngon, bổ dưỡng và chỉ xuất hiện một thời điểm ngắn trong năm nên rất được ưa chuộng. Giá cá mòi tương đối rẻ, chỉ từ 25.000 - 55.000 đồng/kg, lại chế biến được nhiều món khác nhau như: chả cá mòi, cá mòi nướng trui, cá mòi rán… nên ngư dân đánh bắt được chừng nào, thương lái thu mua hết chừng đó.
Chị Giang Thanh, một tiểu thương ở xã Đặng Sơn (Đô Lương) chuyên thu mua cá mòi đổ sỉ cho các nhà hàng, khách sạn tại thành phố Vinh cho biết: “Cá mòi rất đắt hàng, là món ngon có mặt tại nhiều thực đơn của các nhà hàng lớn ở Vinh. Người dân cũng ưa chuộng các món chế biến từ cá mòi. Do đó, những ngày cao điểm, riêng tôi đã thu mua và cung ứng ra thị trường cả tạ cá mòi”.
Do đây là nguồn lợi lớn, nên để bảo vệ cá mòi, có những vùng, ngư dân tự quy ước với nhau rằng, trong vụ cá mòi, trừ một khoảng thời gian nhất định, các thuyền không đánh bắt, để cá sinh sản xong mới thả lưới; tất cả anh em bạn thuyền tuân thủ việc khai thác thủ công như thả lưới, giăng lưới đăng để bắt, tuyệt đối không dùng kích điện, dùng chất nổ trong khai thác.
Đây là cách để dân “nhà nghề” duy trì đàn cá mòi, nhân giống, nhân đàn cá mòi, đó chính là “của để dành” cho những vụ cá mòi sau…