Đằng sau vụ kiện trợ cấp tôm
Một chuyên gia lĩnh vực thương mại cho rằng: “Có lẽ ngay từ bây giờ, VN nên bỏ thói quen dùng từ “hỗ trợ” doanh nghiệp, đặc biệt là với doanh nghiệp xuất khẩu. Điều đáng nói, vụ kiện của Mỹ về thuế chống trợ cấp với tôm VN bắt nguồn từ những văn bản mang tính hỗ trợ như thế.
Doanh nghiệp xuất khẩu tôm đang gấp rút hoàn thiện hồ sơ đối phó với quyết định sơ bộ của Mỹ về thuế chống trợ cấp với tôm VN. Vụ việc này cũng là lời cảnh báo với các cơ quan quản lý trong việc đề phòng kẽ hở để một số đối thủ tấn công bằng hàng rào kỹ thuật.
Doanh nghiệp tôm xuất khẩu Việt bị hàm oan
Theo phán quyết sơ bộ của Mỹ, mức thuế chống trợ cấp mà các doanh nghiệp xuất khẩu tôm đông lạnh của VN phải gánh chịu khá nặng, từ 5,08% đến 7,05%. Nếu mức thuế trên được giữ nguyên trong phán quyết cuối cùng, xuất khẩu tôm của VN sẽ bị ảnh hưởng nặng nề, bởi Mỹ là thị trường xuất khẩu tôm chủ lực của nước ta.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản VN (Vasep) khẳng định, các doanh nghiệp xuất khẩu tôm VN hoàn toàn hoạt động theo cơ chế thị trường, không hề có sự trợ cấp từ Nhà nước. Phán quyết của Mỹ, cùng với việc đánh thuế chống bán phá giá đối với tôm VN, là một quyết định không công bằng, đánh hai loại thuế lên cùng một sản phẩm và gây ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống của hơn 600.000 nông dân, người chế biến và xuất khẩu tôm tại VN. Ông Phạm Anh Tuấn - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cũng nhấn mạnh, Chính phủ VN không hề trợ cấp với ngành tôm. Từ thức ăn, con giống, nhân công… người dân đều phải tự lo liệu. “Việc Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đưa ra phán quyết sơ bộ như vậy nhằm cố tình bảo vệ người nuôi tôm nước họ, còn thực tế VN không hề trợ cấp. Do đó, việc quan trọng chúng ta cần làm là phải cung cấp số liệu để chứng tỏ điều này” - ông Tuấn nói.
Hỗ trợ” vốn là một từ rất bình thường nhưng nếu lỡ “bỏ” vào trong giấy tờ, chính sách thì có thể khiến nước nhập khẩu hiểu sai.
Theo một lãnh đạo của Vasep, hiện các doanh nghiệp bị đơn bắt buộc của vụ kiện chống trợ cấp tôm đang thuê chính các luật sư Mỹ theo đuổi vụ kiện. Đây chính là những luật sư đã giúp ngành thép carbon chiến thắng trong một vụ kiện tương tự trước đó. Tuy nhiên, vụ kiện tôm có nhiều điểm phức tạp hơn, nên chưa thể đoán định được hồi kết.
Hỗ trợ - bình thường thành bất thường
Bộ Thương mại Mỹ và Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ cho rằng, doanh nghiệp VN có nhận hỗ trợ từ Chính phủ nên tiếp tục điều tra, đồng thời bổ sung bốn nội dung mới để điều tra gồm việc hỗ trợ miễn, giảm thuế GTGT, có chính sách hỗ trợ tài chính, cho vay ưu đãi trong phát triển và sản xuất tôm giống và chính sách hỗ trợ ưu đãi đất đai.
Một chuyên gia kinh tế cho rằng, Chính phủ VN không hề ưu ái riêng cho doanh nghiệp xuất khẩu, nhưng nước nhập khẩu lại cho rằng có từ “hỗ trợ” tức doanh nghiệp là có trợ cấp, có ưu đãi. Vì thế, cần có giải pháp hợp lý để họ khỏi bị vin vào cái cớ “hỗ trợ” nữa. Cụ thể, nếu thấy lãi suất cho vay còn cao, ngân hàng có thể giảm xuống chứ không nên nói giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu. Đối với chính sách miễn thuế GTGT, Chính phủ lấy lý do có quá nhiều loại thuế trong khi kinh tế khó khăn nên không thu chứ không nên nói miễn thuế hỗ trợ doanh nghiệp…
“Hỗ trợ” vốn là một từ rất bình thường nhưng nếu lỡ “bỏ” vào trong giấy tờ, chính sách thì có thể khiến nước nhập khẩu hiểu sai, từ đó gây ra hậu quả nghiêm trọng khó lường. Không chỉ mặt hàng tôm, doanh nghiệp xuất khẩu còn phải chịu nhiều vụ kiện về các mặt hàng khác như cá tra, mắc áo thép, thép cuộn, dầu thực vật, giấy… cũng vì cái cớ “hỗ trợ”. Kết quả chưa biết thế nào nhưng hệ quả trước mắt là các doanh nghiệp xuất khẩu thêm khó khăn, tốn chi phí kiện tụng, thuê luật sư… ảnh hưởng lớn đến cả ngành hàng xuất khẩu.