TIN THỦY SẢN

Đánh giá và dự báo sản lượng cá nuôi toàn cầu

Sản lượng cá nuôi tăng nhanh trong 10 năm qua. Hà Tử

Trong 10 năm trở lại đây sản lượng cá nuôi đã tăng đến 73% trên toàn thế giới. Cuộc điều tra được cung cấp từ nhiều nguồn thông tin khác nhau và đã được trình bày tại hội nghị GOAL 2019, diễn ra vào cuối tháng 10 tại Ấn Độ.

Một số dữ liệu về chỉ số tăng trưởng sản lượng của các loài cá nuôi phổ biến trên thế giới được tổng hợp bởi tổ chức Nông nghiệp và Lương thực Thế giới (FAO), đã được trình bày tại hội nghị. Trong đó từ năm 2010 đến 2019, tất cả các loài cá nuôi được khảo sát đều có sự tăng trưởng. Sản lượng nuôi lớn nhất phải kể đến các loài cá mú, cá chẽm, cá rô phi.

Cá rô phi là loài nuôi đa dạng nhất về mặt địa lý và đang tiếp tục phát triển vượt bậc. Sản lượng năm 2019 dự kiến sẽ đạt 6,5 triệu tấn, tăng 4% so với năm 2018 dù có thiệt hại lớn do dịch bệnh với nguyên nhân là môi trường và vi khuẩn Streptoccocus spp. (khoảng 300.000 tấn cá, ước tính chi phí tổn thất hơn 500 triệu USD). Con số 4% này thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng trung bình từ 2010-2019 là 7,7%. Giá nhập khẩu sản phẩm cá rô phi phile đông lạnh từ 2008 vào khoảng 5 USD mỗi kg, nhưng bắt đầu giảm từ năm 2014. Năm 2018 còn 3,8 USD và giữ nguyên trong nửa đầu năm 2019. Trung Quốc là quốc gia sản xuất hàng đầu thế giới, kế đến là Ai Cập và Indonesia với dự đoán sản lượng sẽ tăng nhẹ trong năm nay.

Trung Quốc, Việt Nam, Indonesia, Bangledesh và Ấn Độ là những quốc gia có sản lượng cá da trơn (bao gồm cá tra) nhiều nhất thế giới. Tổng sản lượng hằng năm đạt khoảng 5 triệu tấn vào năm 2018, cao hơn 3% so với năm trước. Dự kiến sẽ tăng 4% lên 5,2 triệu tấn vào năm 2019. Trong đó, Việt Nam ước tính sẽ tăng 3% từ 2018 đến 2019, từ 1,4 đến 1,5 triệu tấn và tăng thêm 3% vào năm 2020. Giá nhập khẩu cá tra sang Hoa Kỳ và EU giảm đáng kể từ năm 2007, nhưng gần đây đã tăng lên. Trung bình nửa đầu năm nay, giá cá phile đông lạnh là 4,3 USD ở Hoa Kỳ và 3,3 USD khi nhập vào EU.

Cá chép chủ yếu sản xuất cho thị trường nội địa, vì vậy sản lượng rất khó ước tính. Tổng sản lượng của các loài cá chép khác nhau được khảo sát vào khoảng 28 triệu tấn năm 2019, tăng khoảng 6% so với năm trước. Dự kiến vào năm 2020 sản lượng sẽ tăng thêm 7% lên 31 triệu tấn. Trung Quốc vẫn là nước dẫn đầu với sản lượng năm 2019 sẽ tăng 3% lên 20 triệu tấn , kế đến là Ấn Độ.

Cá hồi Đại Tây Dương với sản lượng dự kiến sẽ đạt 2,6 triệu tấn vào năm 2019, tăng 7% sao với 2017. Giá loài cá này vẫn duy trì ở mức cao trong nửa đầu năm nay với 11,9 USD/kg cá phile tươi vào Hoa Kỳ và 7,3 USD/kg cho cá nguyên con vào thị trường EU. Năm 2020, sản lượng ước tính sẽ tăng 3,5% lên 2,7 triệu tấn. Na Uy là nhà sản xuất chính của cá hồi Đại Tây Dương, được dự đoán là sẽ có sản lượng 1,3 triệu tấn năm 2019, đứng thứ 2 là Chile được dự báo sẽ sản xuất 714.000 tấn trong năm nay.

Cá hồi nước mặn dự kiến sẽ hồi phục sản lượng lên 300.000 tấn trong năm nay, cao hơn 2018 13%, nhưng vẫn dưới mức cao nhất trong năm 2012. Giá cả cũng ổn định trong nửa đầu năm nay, nhưng về sau sẽ có xu hướng tăng lên. Cá hồi nước ngọt thì đang tăng sản lượng một cách vừa phải. Trong năm nay sản lượng tăng 2% lên 610.000 tấn. Năm 2020 sản lượng dự kiến tăng thêm 2% lên 620.000 tấn.

Sản lượng cá chẽm ở các quốc gia được khảo sát ước tính được 108.000 tấn vào năm 2019, tăng 20%. Năm sau dự báo sẽ tăng lên 6% khoảng 115.000 tấn.

Cá vược cá tráp ở Đại Trung Hải với sản lượng ước tính giảm 2% trong năm nay xuống còn 410.000 tấn. Năm tới, dự kiến sản lượng sẽ tăng trở lại 6%. Hai loài cá này không có sức hút nhiều trên thị trường nên giá bắt đầu giảm từ năm 2012.

Cá bớp được khảo sát ở Trung Quốc, Đài Loan, Panama và Việt Nam với dự đoán sản lượng sẽ đạt 53.000 tấn trong năm nay, tăng 3% so với năm trước. Năm 2020, sản lượng này dự kiến tăng 5%. Kể từ năm 2010, sản lượng tại các quốc gia này đã dao động ở mức 40 đến 50.000 tấn và sẽ còn tăng trong nhiều năm tới.

Sản lượng cá ngừ vây xanh dự kiến sẽ đạt 72.000 tấn trong năm nay, tăng 15% so với năm 2018. Sang 2020 dự kiến sản lượng sẽ tăng thêm 8% lên 78.000 tấn. Giá nhập khẩu cá tươi vẫn ở mức cao khoảng 22 USD/kg.

Cá mú không thu được nhiều số liệu trong cuộc khảo sát này nhưng đây là loài mang lại nguồn kinh tế rất lớn ở nhiều khu vực trên thế giới. Các nước nuôi nhiều báo cáo sản lượng ở mức 174.000 tấn, tăng 5% so với năm ngoái. Đến 2020 sản lượng dự đoán sẽ tăng lên 6% đạt 185.000 tấn tại các quốc gia trên.

Tình hình sản xuất các loài được khảo sát 

Sản lượng được khảo sát năm 2017 đạt 36 triệu tấn trong tổng số 53 triệu tấn (theo FAO). Sản lượng đã tăng gần gấp đôi từ 20 triệu tấn theo báo cáo năm 2006 lên mức dự kiến 38 triệu tấn vào năm 2019. Sang năm 2020, sản lượng ước tính sẽ tăng lên 41 triệu tấn.


Sản lượng và tốc độ tăng trưởng của cá nuôi qua các năm.

Tốc độ tăng trưởng tất cả các loài đều tăng theo hướng tích cực. Năm 2017, tốc độ tăng trưởng là 1,7%, sau đó tăng lên 3,8% vào năm 2018, ước tính là 3,5% năm 2019 và năm 2020 dự kiến là 6%. Cá nước ngọt là nhóm được sản xuất nhiều nhất trong tổng sản lượng. Nếu loại bỏ cá chép ra khỏi khảo sát thì sản lượng giảm xuống từ 33 còn 13 triệu tấn năm 2019. 

Đến hết năm 2019, dự đoán nhóm cá nước ngọt sẽ sản xuất 33 triệu tấn, cá nước lợ là 4,6 triệu tấn và cá biển dự  kiến là 700.000 tấn. Tăng trưởng từ năm 2009 đến 2019 của các loài cá biển là 73%, các loài cá nước ngọt tăng đến 86%, trong khi cá nước lợ chỉ khoảng 53%.

Hà Tử