TIN THỦY SẢN

Đào đê biển, đục tường chắn sóng để... nuôi tôm

Những “lô cốt” máy bơm hút nước biển và xả nước thải qua đường ống nhựa xuống biển Phúc Tuấn

Người nuôi tôm ở Thanh Hóa đục thủng tường chắn sóng đê biển, đào bới đường giao thông, xả thải trực tiếp ra biển...

Tuyến đê biển bị đục thủng tường chắn sóng, nước thải tôm đổ trực tiếp ra biển và đường giao thông bị đào bới là những gì đang hiện diện ở phường Hải Thanh, thị xã Nghi Sơn (tỉnh Thanh Hóa).

Xả thải trực tiếp ra biển

Những ngày đầu tháng 7, tại tuyến đê biển ở phường Hải Thanh, tình trạng người dân nuôi tôm tự phát cho lắp đặt hàng loạt đường ống nhựa xuyên qua tường chắn sóng, trườn dài trên mặt đê rồi kéo thẳng ra vùng có nước biển khoảng 200m. Việc lắp đặt này chủ yếu phục vụ cho hoạt động lấy nước biển và xả thải từ các đầm tôm ra biển.

“Vùng biển ở đây có bãi cát dài và đẹp có thể làm du lịch, tắm biển nhưng bây giờ thì nước đã bị ô nhiễm vì gần 100 hộ dân nuôi tôm ngày nào cũng xả thải trực tiếp ra biển. Càng ngày càng có nhiều hộ nuôi tôm, tuyến đê và đường thì bị đục, đào bới, mùa mưa bão rất đáng lo”, anh T., nhà ở phường Hải Thanh cho hay.

Theo quan sát, các hộ nuôi tôm không nằm ngay bờ biển hay nằm trong quy hoạch vùng nuôi, mà nằm phía trong khu dân cư, tập trung nhiều ở thôn Thượng Hải, Thanh Đông, Thanh Xuyên. Nhà nào nuôi thì tự đào ao, xây bể để nuôi. Ai không có đất thì thuê đất để nuôi. Nhưng một điểm chung đó là nguồn nước mặn buộc phải lấy từ biển vào và đều xả thải ra biển qua hệ thống đường ống ngầm tự làm.

Cụ thể, để có nước, các hộ phải đầu tư hàng chục triệu đồng mua ống nhựa cỡ lớn, lắp đặt hệ thống bơm, hút ngay chân tường chắn sóng của đê. Có hộ đục thủng tường để dẫn ống, có hộ lắp vòng qua tường chắn sóng của đê rồi xả nước ô nhiễm ra biển.


Rất nhiều ống nhựa dẫn nước chạy thẳng ra bờ biển

Khó xử lý triệt để?

Ông Đỗ Xuân Chung, Chủ tịch UBND phường Hải Thanh cho biết: “Đúng là hiện nay trên địa bàn xuất hiện mô hình nuôi tôm tự phát của nhân dân nên xảy ra tình trạng vi phạm quy hoạch vùng nuôi, vi phạm trật tự xây dựng, vi phạm đê điều và dẫn đến tình trạng gây ô nhiễm môi trường”.

Theo ông Chung, việc nuôi tôm tự phát xuất hiện đầu tiên vào năm 2017 với 1 hộ dân nhưng đến nay đã có 71 hộ nuôi tôm do lợi nhuận thu về cao trong khi nghề khai thác, đánh bắt thủy sản của bà con không phát triển, gặp nhiều khó khăn.

“Hải Thanh không nằm trong quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản nên việc nuôi tôm ồ ạt dẫn đến vi phạm quy hoạch và xây dựng không phép. Từ đó, cũng dẫn đến vi phạm Luật đê điều do các hộ dân có hành vi đào đường ven đê, đục tường chắn sóng, đặt ống nhựa xuống cống thoát nước để lấy nước và xả thải ra. Các cơ quan chức năng như Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an tỉnh, Hạt Đê điều, UBND thị xã Nghi Sơn cũng đã nhiều lần về kiểm tra để có hướng xử lý”, ông Chung cho hay.

Tính đến thời điểm hiện tại, UBND phường Hải Thanh đã lập biên bản xử phạt hành chính về lĩnh vực phòng chống thiên tai, đê điều là 73 trường hợp. Kiến nghị UBND thị xã Nghi Sơn xử phạt 13 trường hợp vi phạm trong lĩnh vực xây dựng, đất đai và giao thông đường bộ.

Tuy nhiên, thực tế việc xử phạt cho có “lệ” vì sau xử phạt, các hộ dân vẫn đồng loạt vi phạm mà không hề tháo dỡ, khắc phục hậu quả. Lý giải thực trạng “phạt cho tồn tại” này, ông Chung cho hay: “Bây giờ mà thực hiện cưỡng chế, cắt ống thì tôm sẽ chết ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Kinh tế ngành nghề truyền thống gặp khó khăn, người dân thay đổi mô hình và đạt hiệu quả nhưng lại vi phạm các quy định của pháp luật. Chúng tôi cũng đã báo cáo lên cấp trên xem xét để có giải pháp chứ ở cấp dưới thì rất khó để đưa ra giải pháp nào vừa phát triển kinh tế, vừa đảm bảo đúng quy định của pháp luật”, ông Chung nói.

Phúc Tuấn Báo Giao Thông