TIN THỦY SẢN

Đạo đức là tiêu chuẩn bền vững

Kim Thu

Trong suốt 10 năm qua, "phát triển bền vững" là cụm từ được nhắc đi nhắc lại. Ngày càng nhiều loài có chứng nhận là bền vững hoặc được quản lý tốt hơn. Tuy nhiên, đạo đức nay đã trở thành yêu cầu thị trường bắt buộc.

Người tiêu dùng không chỉ quan tâm đến môi trường mà còn để ý đến nhân lực tham gia ngành thủy sản. Trong ngắn hạn, người tiêu dùng không thể lựa chọn sản phẩm khai thác trên các tàu hay các nhà máy chế biến sử dụng nô lệ.

Việc sử dụng lao động nô lệ còn nhận được quan tâm nhiều hơn là phát triển bền vững, bởi đây là vấn đề không chỉ của ngành thủy sản mà còn của cả ngành khác, trong đó có may mặc và da giày.

Một đánh giá về ảnh hưởng của đạo đức đối với chuỗi cung ứng thủy sản Anh đưa ra chiến lược cải thiện ngành thủy sản thông qua việc nâng cấp điều kiện làm việc trên tàu cá cũng như toàn chuỗi cung ứng. Đánh giá này đề cập đến nhiều nước: Chile, Trung Quốc, Ecuador, Ấn Độ, Indonesia, New Zealand, Philippines, Nga, Nam Phi, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Anh, Mỹ và Việt Nam.

Vấn đề lao động nô lệ và môi giới lao động trong chuỗi cung ứng thủy sản chưa thể chấm dứt và không bỏ qua nước nào. Chung tay chống lại nạn sử dụng lao động nô lệ là cách duy nhất để ngăn chặn vấn đề này.   Các chuỗi cung ứng phải chia sẻ thông tin và chủ động báo cáo kết quả kiểm tra, điều tra về lao động nô lệ.

Bộ Quy tắc nghề cá có trách nhiệm của FAO đã góp phần tạo nên tính bền vững của môi trường biển. Tương tự, cần xây dựng quy tắc ứng xử về trách nhiệm xã hội. Ngành điện tử khi phải chịu những cáo buộc liên quan đến sử dụng lao động nô lệ đã phải tự nguyện thực hiện quy tắc mới.

Đạo luật chống nô lệ hiện đại của Anh được đưa ra từ tháng 3/2015, trong đó yêu cầu các DN phải báo cáo về các biện pháp phòng ngừa việc sử dụng nô lệ và buôn bán người trong chuỗi cung ứng.

Tổ chức Seafish góp phần để giải quyết vấn đề này bằng cách đưa ra tiêu chí về phúc lợi đối với người tham gia đánh bắt trên tàu trong chương trình đánh bắt thủy sản có trách nhiệm (Responsible Fishing Scheme). Công cụ đánh giá rủi ro của Seafish sẽ có thêm đánh giá về rủi ro xã hội bên cạnh nguy cơ về tác động môi trường của thủy sản. Người tiêu dùng sẽ có một bức tranh hoàn chỉnh về tác động môi trường và xã hội liên quan đến hải sản họ tiêu thụ.

Xu hướng chuyển trọng tâm từ môi trường sang tác động xã hội ngày càng được phản ánh rõ trong các bộ tiêu chuẩn khác như GlobalGAP, IFFO và ASC. Các hãng bán lẻ lớn của Anh cũng có bộ quy tắc riêng để bảo vệ nhân quyền. Cần phải có nghiên cứu mang tính hệ thống và minh bạch về nguồn gốc sản phẩm thủy sản.

Hiện nay chưa ghi nhận được vụ kiện nào liên quan đến việc các DN tư nhân sử dụng lao động nô lệ hay buôn bán người, tuy nhiên đây vẫn là một nguy cơ. Khi truyền thông và các NGO ngày càng quan tâm đến lao động trong ngành thủy sản, điều này hoàn toàn có thể xảy ra.

Kim Thu Vasep, 13/10/2015