“Đau đầu” với cá tầm nhập lậu
Hiện nay, cá tầm nhập lậu từ Trung Quốc đang tràn ngập trên thị trường với giá bán khá rẻ khiến doanh nghiệp và người nuôi cá tầm tại Dak Lak “đau đầu” với bài toán đầu ra của sản phẩm.
Vượt quãng đường hơn 100 km, leo thêm 5 cây số đường rừng với gần chục con dốc dựng đứng, trơn trượt, chúng tôi mới đến được trại nuôi cá hồi, cá tầm của anh Lê Xuân Hùng, Giám đốc Công ty Cổ phần Yang Hanh. Nói là trang trại cho “oai” chứ thực ra nơi đây cũng chỉ là một bãi đất tương đối bằng phẳng, có một căn nhà gỗ và các ao nuôi cá lọt thỏm giữa bốn bề là dãy Yang Hanh hùng vĩ, trên độ cao hơn 1.000m so với mặt nước biển. Đưa chúng tôi đi thăm khu nuôi cá, anh Hùng thở dài: “Công ty Cổ phần Yang Hanh là đơn vị đầu tiên nuôi cá hồi, cá tầm tại Dak Lak và đã xây dựng, đăng ký xuất xứ nguồn gốc với Cục Sở hữu trí tuệ về thương hiệu “Cá hồi, cá tầm Yang Hanh, huyện Krông Bông”. Hơn 1 năm trở lại đây, công ty phải giảm dần số lượng và giá bán cá tầm trước sự cạnh tranh giá rẻ của cá tầm Trung Quốc nhập lậu”. Cụ thể, năm 2010, anh Hùng bắt đầu nuôi thử nghiệm 2.000 con cá tầm, đến năm 2011 tăng lên 10.000 con với giá bán từ 250.000 – 300.000 đồng/kg. Nhưng từ năm 2012 đến nay, do thị trường tiêu thụ khó khăn, giá thành thấp nên công ty chỉ duy trì số lượng nuôi khoảng 2.000 con.
Điều đáng nói, số cá này đã đến thời kỳ xuất bán nhưng chưa thể tiêu thụ được vì cá tầm nhập lậu từ Trung Quốc đang tràn ngập thị trường với mức giá chỉ từ 130.000 - 150.000 đồng/kg. Sở dĩ cá tầm của Công ty Cổ phần Yang Hanh có giá bán cao hơn vì phải nuôi trong thời gian dài, chi phí đầu tư lớn. Để nuôi được một con cá tầm lai giữa Nga và Siberia có trọng lượng từ 3 – 4 kg phải mất từ 12 - 18 tháng chăm sóc, nuôi dưỡng ở nguồn nước có nhiệt độ thấp hơn 20 độ C trên đỉnh Yang Hanh. Chính vì vậy, công ty phải bỏ ra một khoản chi phí lớn cho việc vận chuyển con giống, thức ăn và cả tiêu thụ sản phẩm. Anh Trần Văn Thảo, Kỹ sư chăn nuôi của Công ty cho biết: Đối với con cá tầm thì ngoài điều kiện nuôi phù hợp còn đòi hỏi nghiêm ngặt về nguồn thức ăn có hàm lượng prôtêin cao hơn nhiều loại cá khác và chủ yếu là thức ăn chìm, thức ăn nhập từ nước ngoài về nên giá rất cao, khoảng 45.000 đồng/kg. Giá mua con giống cũng cao (khoảng 70.000 đồng/con), mặt khác việc vận chuyển thức ăn, con giống rất khó khăn, mùa mưa hầu như phải thuê người vác từ chân núi lên đỉnh Yang Hanh.
Trao đổi về việc tiêu thụ sản phẩm, anh Lê Xuân Hùng thở dài: “Hồi tháng 3 vừa rồi, công ty có hơn 1.000 con cá tầm đạt trọng lượng xuất bán, đi chào hàng một số nơi theo giá cũ nhưng họ chê đắt nên đành hạ xuống còn 200.000 đồng/kg, dù lỗ nhưng cũng phải chấp nhận vì nếu ráng nuôi thêm mấy tháng nữa sẽ vào mùa mưa, việc vận chuyển rất khó khăn, chi phí nhiều lại thua lỗ nặng hơn.
Giờ lứa cá tầm này cũng đã đến thời kỳ xuất bán nhưng công ty vẫn chưa dám bán ra thị trường vì giá quá thấp”. Cũng theo anh Hùng, công ty đã gửi kiến nghị đến một số ngành hữu quan của tỉnh đề nghị tăng cường hơn nữa việc kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn và xử lý kịp thời tình trạng cá tầm Trung Quốc nhập lậu nhưng đến nay vẫn chưa chưa thấy chuyển biến tích cực. Việc nuôi cá tầm của công ty đang rơi vào tình trạng “tiến thoái lưỡng nan”, nuôi thêm nữa cũng lỗ mà bán đi cũng lỗ, cứ cố co kéo thêm một thời gian nữa xem sao.
Được biết, cá tầm của Công ty Cổ phần Yang Hanh nuôi theo quy trình sạch, thời gian nuôi dài, chất lượng cá đã được kiểm nghiệm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Còn cá tầm Trung Quốc nhập lậu được nuôi công nghiệp trong thời gian ngắn (khoảng 4 tháng trở lên) với các loại thức ăn có hàm lượng tăng trọng cao, nên cũng cùng trọng lượng mà giá bán rẻ hơn một nửa so với cá tầm nuôi trong tỉnh. Khi nhìn hình dáng bề ngoài khó có thể phân biệt được cá tầm Việt Nam và Trung Quốc, nhưng khi ăn thì có thể nhận ra ngay vì chất lượng cá Trung Quốc rất kém, thịt bở hơn, ít ngọt và có thể chứa dư lượng chất độc hại bởi quy trình nuôi không đảm bảo và không được cơ quan chức năng kiểm soát chất lượng. Sự cạnh tranh không công bằng này đang là trở lực lớn đối với Công ty Cổ phần Yang Hanh. Hiện dự án mở rộng trang trại nuôi cá hồi, cá tầm lên 3 ha của công ty đã được UBND tỉnh phê duyệt, chỉ chờ dự án đường nhánh Đông Trường Sơn nối liền hai huyện Krông Bông - Khánh Vĩnh đi TP. Nha Trang và Lâm Đồng hoàn thành sẽ triển khai thực hiện nhằm vươn ra thị trường ngoài tỉnh. “Dự định là vậy nhưng với tình trạng cá tầm Trung Quốc nhập lậu đang tràn lan trên thị trường chắc công ty sẽ phải tính toán kỹ lưỡng hướng đi sắp tới của mình”, anh Hùng băn khoăn.
Mặc dù Dak Lak là địa phương có tiềm năng lớn để phát triển nuôi cá nước lạnh nhưng nếu không có sự can thiệp, vào cuộc kịp thời của các cấp, ngành chức năng trong việc kiểm soát, ngăn chặn tình trạng cá tầm nhập lậu thì các doanh nghiệp nuôi cá tầm trên địa bàn tỉnh sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc phát triển chăn nuôi, mở rộng thị trường. Và dĩ nhiên, đối tượng chịu thiệt hại không chỉ có nhà sản xuất mà ngay cả với người tiêu dùng vì sẽ không được sử dụng nguồn cá có chất lượng cao.