Đâu là giải pháp căn cơ cho nghề nuôi cá tra, basa?
Thương vụ Việt Nam tại Ma-rốc cho biết gần đây, báo kinh tế LES ÉCO của Ma-rốc đăng tải bài viết có nhan đề “Nhập khẩu cá Basa: Mối nguy hiểm cho các món ăn của chúng ta”.
Theo bài báo, người tiêu dùng và các nhà chuyên môn trong ngành thủy sản Ma-rốc thông báo tình trạng báo động về số lượng lớn cá Basa nhiễm bẩn đã được nhập khẩu vào thị trường Ma-rốc. Các nhà bán buôn cá trắng tại Ma-rốc khẳng định hiện nay còn số lượng lớn cá Basa nhập khẩu từ Việt Nam đang tồn kho tại những địa điểm chui và cảnh báo các nhà chức trách nên hết sức cảnh giác đối với các kho chui đang chứa loại cá này. Giám đốc Cơ quan kiểm soát tại cảng Casablanca, Ma-rốc khẳng định, việc kiểm tra toàn diện và tăng cường đối với hàng cá Basa sẽ được triển khai trong thời gian tới, các phòng thí nghiệm sẽ tập trung phân tích các mầm bệnh, dư lượng thuốc sâu và các kim loại nặng.
Trước nguy cơ Ma-rốc có thể áp dụng kiểm tra tăng cường với mặt hàng cá Basa, Vụ Thị trường Châu Phi, Tây Á, Nam Á cùng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) và Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP) đã thông báo đến các doanh nghiệp Việt Nam hiện đang có hợp đồng hoặc chuẩn bị kí hợp đồng để xuất khẩu cá Basa vào thị trường Ma-rốc hết sức lưu ý vấn đề vấn đề chất lượng, kiểm tra nghiêm ngặt các chỉ tiêu đã được quy định trong hợp đồng để giảm thiểu các thiệt hại có thể xảy ra. Bên cạnh đó, Vụ Thị trường Châu Phi, Tây Á, Nam Á cũng đề nghị VASEP cung cấp cho Thương vụ một số tài liệu liên quan đến quy trình nuôi trồng và các chứng nhận về chất lượng cá Basa để Thương vụ có tài liệu làm việc với báo Les ÉCO và trực tiếp tác giả để làm sáng tỏ một số nội dung đã nêu trong bài báo. Tuy chưa phải là giải pháp căn cơ cho nghề nuôi và xuất khẩu cá tra, basa của An Giang nói riêng, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung, nhưng trước mắt với góc độ quản lý nhà nước, những người có trách nhiệm cũng đã có những động thái tích cực, cung cấp thông tin để giảm thiểu tối đa cho các doanh nghiệp tham gia thị trường xuất khẩu mặt hàng này. Vậy đâu là giải pháp căn cơ cho nghề nuôi và xuất khẩu cá tra, basa trong giai đoạn hiện nay?
Giải pháp về kỹ thuật
Hiện nay, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có tổng diện tích nuôi cá tra, ba sa gần 7.000 ha. So với năm 2000 diện tích này đã tăng trên 10 lần và dự báo sẽ còn tiếp tục tăng trong những năm sắp tới. Tuy nhiên, điều đáng quan ngại là diện tích nuôi cá tra, ba sa tăng thì nguồn nước và môi trường ngày càng bị ô nhiễm. Theo khảo sát của một chuyên gia Khoa Thủy sản - Trường Đại học Cần Thơ, trong 1 ao nuôi có diện tích 1ha cho ra sản phẩm 300 tấn. Nhưng, trong đó sử dụng thức ăn là 480 tấn. Trong lượng thức ăn này có 75% được chuyển hóa thành sản phẩm, phần còn lại được thải loại dưới dạng thức ăn dư thừa thối rữa lắng đọng dưới đáy ao và thải ra môi trường nước. Đây là nguồn chất thải cực kỳ nguy hiểm, là một nguyên nhân quan trọng gây ra sự biến đổi chất lượng nước trên sông rạch. Nếu chúng ta không ngăn chặn tình trạng này kịp thời, đến lúc nào đó môi trường nước không còn cho phép phát triển thủy sản, đặc biệt là những vùng nuôi cá tra ở các con sông, rạch nhỏ.
Để bảo đảm phát huy lợi thế nuôi cá tra và ba sa ở ĐBSCL phục vụ cho tiêu dùng và xuất khẩu đảm bảo sự bền vững và an toàn của môi trường, các địa phương cần tập trung quy hoạch hợp lý diện tích nuôi trên từng khu vực. Trong đó, đặc biệt chú ý xây dựng hệ thống xử lý được nước cấp đưa vào nuôi và xử lý triệt để nguồn nước thải, bùn thải ao nuôi, đáp ứng các tiêu chuẩn về môi trường, đảm bảo chất lượng con cá thương phẩm, tăng khả năng cạnh tranh trong thời hội nhập. Chính quyền địa phương các tỉnh, thành trong khu vực ĐBSCL cần đưa ra những qui định, những văn bản pháp qui về điều kiện nuôi cá tra, ba sa đảm bảo môi trường nước. Ví dụ như cấp phép hành nghề nuôi cá tra, ba sa cho cá nhân; những cá nhân nuôi không theo quy trình kỹ thuật bảo vệ môi trường sẽ rút giấy phép hay xử lý theo qui định của luật môi trường... Các giải pháp này nhằm mục tiêu bảo tồn và phát triển nghề nuôi thủy sản bền vững cho người dân.
Giải pháp về kinh tế
Thời gian gần đây, dư luận tiếp tục quan tâm đến chất lượng và đầu ra của nhiều mặt hàng nông thủy sản. Sự “sống” của cá tra, basa ở ĐBSCL cũng nằm trong số phận đó. Nói là cá basa, nhưng thật ra tất cả cá xuất khẩu dạng phil lê đều là cá tra. Cách đây khoảng 15 năm, giá cá tra có thời điểm được các doanh nghiệp mua tại hầm 17.000đ/kg, nghề nuôi cá đã thăng hoa từ những hộ nuôi ven sông Hậu. Từ đó, người ta đổ xô nuôi cá và xây dựng nhà máy chế biến thủy sản. Dù đối diện không ít lần kiện tụng của nước ngoài thông qua các “hàng rào kỹ thuật”, nhưng cá tra vẫn là mặt hàng chiến lược xuất khẩu của Việt Nam. Đến cuối tháng 7-2015, giá bán cá tra gần như xấp xỉ với giá thành, người nuôi cá ở ĐBSCL nói chung, An Giang nói riêng luôn cánh cánh nỗi buồn vì tình trạng này đã kéo dài hơn 10 năm qua. Vì vậy, việc Hiệp hội Cá tra Việt Nam bước đầu đã “lập được bản đồ nuôi cá tra” ở ĐBSCL, hy vọng đang mở ra hướng phát triển căn cơ cho nghề nuôi cá của khu vực ĐBSCL.
Điều làm người cho nhiều người quan tâm chính là làm sao quản lý sản lượng vùng nuôi! Hiện nay, nếu thống kê công suất từ các nhà máy là 7.400 tấn/ngày, thì sản lượng đã đạt 2 triệu tấn. Nhưng, thống kê từ các địa phương thì sản lượng chỉ có 1 triệu tấn. Chuyện cá tra ùn ứ, kéo theo giá cá tra tăng, giảm thất thường là đương nhiên. Tất nhiên, vùng nuôi cá tra đã có những quy hoạch hẳn hoi. Nhưng ai là người kiểm tra, kiểm soát vùng nuôi thì vẫn bỏ ngỏ! Vì vậy, câu chuyện “cá nằm trên thớt” khi sản lượng dư thừa là không khó hiểu. Sản lượng dư thừa nên doanh nghiệp dễ thao túng thị trường, dẫn đến nhiều hệ lụy, cạnh tranh không lành mạnh trong xuất khẩu, bán phá giá…
“Xuất khẩu cá tra trong 6 tháng đầu năm 2015 có giảm nhưng tình hình đang khả quan trở lại”, ĐBSCL đã thu hoạch 1.857/1.959ha cá tra thả nuôi, sản lượng đạt gần 520.000 tấn. Giá cá tra dao động từ 19.000 - 24.500 đồng/kg. Tình hình vùng nuôi nguyên liệu đã có những bước tiến đáng kể khi doanh nghiệp đăng ký hợp đồng xuất khẩu sản phẩm cá tra theo quy định của Nghị định 36. Từ đầu năm đến nay đã có 184 doanh nghiệp xuất khẩu với 14.523 hồ sơ đăng ký xuất khẩu gần 480.000 tấn.
Từ tháng 6-2015, Hiệp hội Cá tra Việt Nam đã triển khai cho các doanh nghiệp đăng ký hợp đồng xuất khẩu và thu thập dữ liệu về vùng nuôi, bước đầu đã gắn được bộ “định vị” cho con cá tra ĐBSCL. Theo đó, việc đăng ký hợp đồng xuất khẩu cá tra sẽ giúp xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên ngành, tạo sự công khai, minh bạch đối với thị trường cá tra và tăng thêm lợi ích cho các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu lẫn hộ nuôi. Sau khi thu nhận thông tin về vùng nuôi và hợp đồng xuất khẩu, Hiệp hội Cá tra Việt Nam đã có được bộ dữ liệu ban đầu, bao gồm danh sách doanh nghiệp xuất khẩu, thị trường, giá bán, thông tin về vùng nuôi, hộ nuôi… Từ đó, tất cả thông tin về thị trường sẽ trở nên rõ ràng, cụ thể, có lợi cho doanh nghiệp vì thống kê và dự báo trước được số liệu để cân đối cung cầu, hỗ trợ phát triển bền vững ngành cá tra, đồng thời thực hiện được truy xuất nguồn gốc sản phẩm theo yêu cầu của thị trường nước ngoài, giải quyết tình trạng bán phá giá. Ngoài ra, nếu doanh nghiệp nào muốn gây nhiễu để thao túng giá cả trên thị trường cũng sẽ không làm được vì thông tin và dự báo sắp tới cho thị trường đã có.
Đến nay, Hiệp hội Cá tra Việt Nam đã có dữ liệu ban đầu về 900ha nuôi cá. Các số liệu này dần sẽ hoàn thiện khi các doanh nghiệp và hộ nuôi đăng ký vùng nuôi với hiệp hội. Đây là cơ sở để loại bỏ tình trạng gây nhiễu, thao túng giá trên thị trường cá tra xuất khẩu. Sau gần 15 năm xuất khẩu, cá tra được nhận định là mặt hàng xuất khẩu chiến lược của quốc gia. Dù trước mắt nuôi và xuất khẩu cá tra vẫn đối diện nhiều thách thức. Nhưng việc “định vị được bản đồ” vùng nuôi cá tra sẽ là tiền đề quan trọng để nghề nuôi và xuất khẩu cá tra phát triển bền vững.
Công tác xúc tiến thị trường cũng cần được quan tâm nhiều hơn. Ông Alfons Van Duijvenbode – một chuyên gia đến từ Trung tâm xúc tiến nhập khẩu các nước đang phát triển (CBI Hà Lan) cho rằng, muốn “kéo” thị trường, muốn tăng niềm tin của người tiêu dùng tại châu u về các món ăn từ cá tra, các DN Việt Nam cần phải xây dựng chiến lược tuyên truyền marketing, với nhiều hình thức khác nhau, phải phát triển những giá trị thương hiệu và xác nhận giá trị cá tra như một món ăn lý tưởng, dễ chế biến, là sự lựa chọn lành mạnh và có trách nhiệm, là món nên ăn hàng ngày. Bên cạnh đó, việc hợp tác với các nhà nhập khẩu và phân phối tại thị trường châu Âu, đảm bảo sự minh bạch và uy tín cũng là những yếu tố giúp DN xuất khẩu cá tra mở rộng thị phần.