TIN THỦY SẢN

Đầu năm xuất khẩu tôm vượt khó để tăng tốc

Ảnh minh họa phương nguyên

Với mục tiêu xuất khẩu tương đương năm 2011 (2,4 tỷ USD, tăng 6% so với mức 2,25 tỷ USD của năm 2012), ngay từ đầu năm 2013 các doanh nghiệp xuất khẩu tôm tất bật chuẩn bị “chạy đà” để vượt qua những “chướng ngại vật” của năm 2012.

Những nguyên nhân chính khiến xuất khẩu tôm năm 2012 của Việt Nam sụt giảm so với cùng kỳ năm trước là: dịch bệnh gia tăng, chi phí đầu vào cao; rào cản kỹ thuật ở các thị trường nhập khẩu như Nhật Bản, Hàn Quốc; nhu cầu nhập khẩu của các thị trường chính như EU, Mỹ; sự cạnh tranh gay gắt của tôm giá rẻ từ các nước xuất khẩu khác.

Người nuôi chật vật

Theo báo cáo của Tổng Cục Thủy sản (Bộ NNPTNT) , năm 2012 có 30 tỉnh, thành nuôi tôm nước lợ với tổng diện tích trên 657.500 ha, đạt sản lượng trên 476.400 tấn. So với năm 2011, diện tích thả nuôi tăng 0,2% nhưng sản lượng giảm đến 3,9%.

Riêng đối với tôm sú, diện tích thả nuôi đạt trên 619.000 ha, sản lượng đạt trên 298.600 tấn, giảm 7,1% về diện tích và 6,5% về sản lượng so với năm 2011.

Nguyên nhân chính của tình trạng này là dịch bệnh hội chứng tôm chết sớm xảy ra tại nhiều vùng nuôi (cả tôm sú và tôm thẻ chân trắng) ngay từ đầu vụ.

Cụ thể, năm 2012, cả nước có trên 100.770 ha/657.500 ha tôm nuôi xảy ra dịch bệnh, tập trung nhiều nhất ở Sóc Trăng trên 23.370 ha, chiếm trên 56% diện tích thả nuôi; Bạc Liêu trên 16.919 ha, chiếm trên 50% diện tích thả nuôi; Trà Vinh 12.200 ha, chiếm trên 49% diện tích thả nuôi của tỉnh...

Tổng thiệt hại do dịch bệnh trên tôm trong năm 2012 lên đến hơn 7.600 tỷ đồng.

Các loại bệnh tôm như đốm trắng, đầu vàng… đã được xác định, riêng hội chứng tôm chết sớm với dấu hiệu hoại tử gan, tuỵ thì sau nhiều lần hội chẩn, hội thảo, các nhà nghiên cứu cũng mới chỉ khoanh vùng, đặt nghi vấn mà chưa thể xác định chính xác.

Không chỉ xảy ra dịch bệnh, giá cả bấp bênh, thiếu vốn sản xuất trong khi rất khó khăn trong tiếp cận ngân hàng, chi phí đầu vào tăng cao cũng là nguyên nhân khiến không ít hộ nuôi tôm thua lỗ nặng, thậm chí phá sản.

Còn đối với doanh nghiệp, sự bất ổn của nguồn tôm nguyên liệu, giá cả biến động mạnh khiến họ của phải “xoay xở tứ bề” mà vẫn bộn bề khó khăn.

Vượt khó

Không chỉ gặp khó khăn về nguồn nguyên liệu mà tôm Việt Nam cũng có một năm lao đao tại hầu hết các thị trường nhập khẩu chính.

Trong top 10 thị trường nhập khẩu chính của tôm Việt Nam (chiếm khoảng 95% tổng giá trị) có đến 5 thị trường sụt giảm mạnh về giá trị, bao gồm: Mỹ giảm 15,6%, EU 25%, Canada 14%. ASEAN 22%, Thụy Sĩ gần 11%. Không chỉ có vậy, tại những thị trường này, với giá thành phẩm thường cao hơn từ 15-25% so với các nước sản xuất tôm khác như Indonesia, Ấn Độ và Ecuador, khiến tôm Việt Nam bị cạnh tranh rất mạnh khi không ít nhà nhập khẩu tại các thị trường này không mấy quan tâm đến sự khác biệt về chất lượng tôm từ các nhà cung cấp, mà chỉ quan tâm tới giá bán.

Nhưng đáng lo ngại nhất vẫn là vấn đề “hàng rào kỹ thuật Ethoxyquin” được “dựng” lên tại thị trường Nhật Bản với yêu cầu tôm nhập khẩu vào nước này thì dư lượng chất Ethoxyquin không quá 0,1ppm.

Nhật Bản là thị trường lớn nhất, chiếm tới 27,7% tổng kim ngạch xuất khẩu tôm Việt Nam trong năm 2012. Tuy nhiên, nước này giảm nhập khẩu tôm từ Việt Nam trong suốt nửa cuối năm 2012, khi 100% lô hàng tôm nhập khẩu từ Việt Nam vào Nhật Bản bắt đầu phải qua kiểm soát dư lượng hoá chất (Ethoxyquin). Quy định này khiến người nuôi tôm trong nước gặp khó khăn, bởi chỉ có tôm nuôi quảng canh (không cho ăn thức ăn công nghiệp) mới có thể đảm bảo không có mối liên hệ gì với Ethoxyquin, nhưng sản lượng thu hoạch lại thấp không thể đáp ứng được nhu cầu nguyên liệu cho các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu.

Hàng loạt những khó khăn trên đã khiến 90/300 doanh nghiệp phải dừng xuất khẩu mặt hàng tôm, mặt hàng chiếm 36 – 38% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản của cả nước. Một số doanh nghiệp còn hoạt động đã phải lựa chọn giải pháp nhập khẩu tôm nguyên liệu, có giá rẻ hơn, đảm bảo về dư lượng hóa chất, để chế biến, xuất khẩu nhằm giữ chân khách hàng.

Thực tế này sẽ có lợi cho doanh nghiệp chế biến xuất khẩu trong ngắn hạn nhưng về dài hạn việc phụ thuộc nguồn nguyên liệu bên ngoài không thể giúp ngành tôm phát triển ổn định, bền vững.

Vì vậy, “giải cứu” cho các vùng nuôi tôm trong năm 2013 chính là “đột phá khẩu” để con tôm Việt Nam có thể “vượt rào” thành công. Theo đó, cần tập trung vào công tác phòng chống dịch bệnh trên tôm hiệu quả, giảm chi phí giá thành, cấp vốn kịp thời cho các hộ nuôi tôm, phổ biến rộng rãi những phương pháp nuôi tôm đảm bảo tiêu chuẩn dư lượng hóa chất Ethoxyquin... đảm bảo nguồn nguyên liệu ổn định cho các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu tôm.

Trong khi đó, các doanh nghiệp xuất khẩu tôm cũng đã được gỡ nút thắt về lãi suất khi Ngân hàng Nhà nước vừa có quyết định gia hạn cho doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản được vay ngoại tệ đến hết năm 2013. Gia hạn này cũng đã được Chính phủ đưa vào Nghị quyết 01 về nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2013. Đây được xem là cơ hội giúp doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản tiếp tục được vay vốn với lãi suất thấp, tăng khả năng cạnh tranh với doanh nghiệp các nước.

Đồng thời, bản thân các doanh nghiệp phải kết hợp hài hòa, linh hoạt chiến lược kinh doanh để giữ vững những thị trường truyền thống, đẩy mạnh khai thác những thị trường ngách, thị trường mới phù hợp với lợi thế của tôm Việt Nam như về yêu cầu chất lượng, năng lực chế biến; tăng khả năng đáp ứng, hoàn thành các đơn hàng lớn trong thời gian ngắn...

phương nguyên baodientu.chinhphu.vn