TIN THỦY SẢN

Đẩy mạnh thực thi pháp luật cứu loài bò biển

Thực thi pháp luật đang được coi là giải pháp then chốt có thể cứu bò biển (Dugong dugon) - một trong những loài động vật có vú ở biển bị đe dọa nhiều nhất trên thế giới - khỏi nguy cơ biến mất vĩnh viễn. Và đây cũng là mục tiêu mà dự án bảo tồn tại quốc gia châu Phi Mozambique do Chương trình Cứu lấy các loài quanh ta (Save Our Species - SOS) tài trợ trực tiếp hướng tới.

Bò biển

Chỉ trong vòng 6 thập kỷ qua, số lượng quần thể bò biển toàn cầu đã giảm đi 30%. Loài này hiện đang nằm trong danh sách loài dễ bị tổn thương (VU) trong Sách đỏ của Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN).

Tại Đông Phi, quần thể bò biển cuối cùng còn sót lại có lẽ là quần thể gồm khoảng 200 con được tìm thấy trong một khu vực địa lý biệt lập ở Vườn Quốc gia Quần đảo Bazaruto (Mozambique). Tuy nhiên, dù được bảo vệ trong phạm vi Vườn Quốc gia, số phận loài bò biển quý hiếm vẫn không tránh khỏi sự đe dọa của hoạt động đánh bắt cá bằng lưới rê và tình trạng phá hủy nơi cư trú. Do đó, trước mắt, việc áp đặt những hình phạt nghiêm khắc đối với nạn đánh bắt cá trái phép được cho là hết sức cần thiết để giảm bớt số trường hợp bò biển bị mắc vào lưới rê của ngư dân.

Tương lai, những hoạt động tương tự cần phải được đẩy mạnh nhiều hơn, kết hợp phương pháp tiếp cận bảo tồn cả từ trên xuống lẫn từ dưới lên mới mong cứu được sự sống của loài bò biển ở Bazaruto, nếu không thì chỉ khoảng 40 năm nữa thôi, chúng ta sẽ không còn cơ hội nhìn thấy chúng - đúng như lời chia sẻ của Karen Allen, Trưởng dự án bảo tồn bò biển.

Hiện Chương trình SOS đang nỗ lực hỗ trợ Vườn Quốc gia Quần đảo Bazaruto phát triển một chiến lược thực thi pháp luật sửa đổi và thiết lập các hệ thống bảo tồn loài hiệu quả thông qua việc tiếp kinh phí cho dự án mua sắm các thiết bị giám sát thực thi pháp luật từ trên không cũng như triển khai hành động thúc đẩy thực thi pháp luật.

Về lâu dài, dự án được kỳ vọng sẽ đảm bảo chuyển giao thành công những kỹ năng quản lý bảo tồn tới các cán bộ thực thi pháp luật của Vườn Quốc gia.

Theo Thiennhien.net