TIN THỦY SẢN

Dạy nghề cho ngư dân

Ảnh minh họa: Internet tiến anh

Theo Chiến lược biển Việt Nam đặt ra mục tiêu đến năm 2020, kinh tế biển sẽ đóng góp khoảng 53% đến 55% GDP, 55% đến 60% kim ngạch xuất khẩu của cả nước, trong đó ngành thủy sản giữ vai trò quan trọng. Lực lượng lao động ngành thủy sản của cả nước hiện có khoảng năm triệu người, trong đó số lao động trên các tàu cá chiếm khoảng 15%.

Với đặc điểm hoạt động đánh bắt xa bờ, ngày đêm bám biển trên ngư trường rộng lớn, lao động nghề cá không chỉ tạo ra giá trị kinh tế lớn cho ngành thủy sản mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm an ninh, quyền và chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Tuy nhiên, hiện chất lượng lao động nghề cá chưa cao, trình độ học vấn của ngư dân còn thấp, hiểu biết pháp luật hạn chế, lại hoạt động trong môi trường lao động nhiều rủi ro. Từ bao đời nay, nghề đi biển vẫn là "cha truyền con nối", ngư dân phần lớn học hỏi bằng kinh nghiệm của người đi trước và những trải nghiệm của bản thân trong những tháng ngày lênh đênh trên biển là chính, ít có kiến thức và kỹ năng bài bản. Chính vì vậy, nhiều năm gần đây, không ít sự cố đáng tiếc đã xảy ra với ngư dân do sự thiếu hụt kiến thức về xử lý tình huống và các quy định pháp luật trên biển. Do đó, hơn lúc nào hết, công tác đào tạo nghề cho ngư dân ngày càng trở nên cần thiết.

Hiện nay, tại một số địa phương đã nắm bắt được yêu cầu này và tổ chức các lớp học nghề cho ngư dân. Ðiển hình là tại Quảng Bình, từ đầu năm 2013, Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản của tỉnh đã tổ chức tám lớp đào tạo nghiệp vụ thuyền trưởng, máy trưởng, thuyền viên tàu cá cho 380 học viên. Ngoài ra, các kiến thức khác, như: giáo dục pháp luật; Luật Biển quốc tế; kỹ thuật và tiến bộ kỹ thuật khai thác hải sản; kiến thức phòng tránh bão; cứu hộ cứu nạn, an toàn cho người và tàu cá trên biển; sơ cứu người bị tai nạn, ốm đau; kỹ thuật tự vệ khi có tàu nước ngoài, tàu lạ tấn công... cũng được đề cập đến, tuy chưa nhiều và chưa chuyên sâu. Nguyên nhân là do nguồn kinh phí của Chi cục chỉ có thể đáp ứng nhu cầu đào tạo thuyền trưởng, thuyền viên. Ðây cũng là khó khăn chung của tất cả các địa phương có ven biển trong quá trình đào tạo nghề cho ngư dân. Ngay trong Ðề án "Ðào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020" theo Quyết định 1956/QÐ-TTg của Thủ tướng

Chính phủ, trong danh mục các nghề đào tạo cho lao động nông thôn, sự xuất hiện của nhóm nghề liên quan đến ngư dân cũng không nhiều, gồm hai nghề: Nghề sửa chữa tàu thuyền và nghề chế biến thủy sản nên các địa phương càng hạn hẹp về kinh phí dạy nghề cho ngư dân. Vì vậy, trong thời gian tới, để công tác đào tạo nghề cho ngư dân được triển khai rộng rãi và phát huy hiệu quả ở nhiều địa phương cần có sự liên kết, vào cuộc đồng bộ của các sở, ban, ngành, tổ chức, đoàn thể và cả các ngư dân.

Hiện nay, bên cạnh một bộ phận ngư dân nhận thức được tầm quan trọng của việc học nghề thì một số vẫn có tư tưởng học qua kinh nghiệm và trải nghiệm của bản thân là đủ. Mặt khác, cần một chiến lược đào tạo nghề cá dài hơi, gắn kết với việc hình thành tổ hợp tác, tổ đoàn kết, nghiệp đoàn của ngư dân vùng biển, từ đó nâng cao kỹ năng đi biển và hiểu biết luật biển cho các ngư dân, góp phần nâng cao hiệu quả và tính bền vững của hoạt động khai thác biển, đồng thời góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

tiến anh Báo Nhân Dân