TIN THỦY SẢN

ĐBSCL đưa con cá tra phát triển vững chắc

Nuôi cá tra ở huyện Thoại Sơn (An Giang). văn đức

Ngày 2/3, tại An Giang, Ban chỉ đạo (BCĐ) Tây Nam Bộ; Bộ NN&PTNT, Hiệp hội nghề cá Việt Nam; đại diện các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL đã tham dự đại hội thành lập Hiệp hội Cá tra Việt Nam (HHCTVN).

Có 143 hội viên các tỉnh thành tham gia vào quá trình thành lập Hiệp hội. Mục tiêu của hiệp Hội đến năm 2015, sản lượng nuôi cá  nguyên liệu đạt 1,2 - 1,5 triệu tấn, sản lượng xuất khẩu đạt 1,8 - 2,25 tỷ USD, tạo việc làm cho 23.000 lao động…

Đại hội đã bầu Ban chấp hành HHCTVN nhiệm kỳ 2013-2015 gồm 47 đại biểu, ông Nguyễn Việt Thắng – nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, Chủ tịch Hội nghề cá Việt Nam được tín nhiệm giữ chức Chủ tịch HHCTVN.

Những năm qua, nghề nuôi cá tra tại ĐBSCL đã giúp mang lại thu nhập và giải quyết việc làm hàng triệu công nhân, người nuôi và lao động trong các ngành phụ trợ khác. Theo ông Nguyễn Văn Ký-Tổng giám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu thủy sản An Giang (Agifish), con cá tra hằng năm đem về nguồn ngoại tệ lớn cho đất nước, nhưng dường như nó chưa được quan tâm đầu tư đúng mức, trong khi nghề nuôi cá tra đang gặp rất nhiều khó khăn, nhất là về vốn. Không chỉ người nuôi cá, khó khăn về vốn cũng đang làm cho nhiều doanh nghiệp chế biến thủy sản và cá tra xuất khẩu (XK) phải điêu đứng. Việc ra đời HHCTVN để tạo đột phá trong việc tập trung tháo gỡ các vấn đề còn “mắc mớ” của con cá tra một cách toàn diện từ quá trình sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.

Theo HHCTVN, với điều kiện tự nhiên thuận lợi, ngành nuôi thủy sản của vùng ĐBSCL đã có sự phát triển tăng tốc trong nhiều năm qua, trong đó cá tra và tôm nước lợ là hai đối tượng chiến lược và có đóng góp lớn trong tỷ trọng XK. Sản lượng cá tra của ĐBSCL đang chiếm trên 95% sản lượng cá da trơn của cả nước. Hiện cá tra là đối tượng nuôi tương đối phổ biến ở các tỉnh, thành vùng ĐBSCL, đặc biệt là các địa phương ở ven sông Tiền và sông Hậu như: Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Tiền Giang, Bến Tre, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh. Tuy chỉ nuôi với khoảng 6.000ha ở 10 tỉnh, thành nhưng giá trị XK cá tra đã liên tục tăng trong thời gian qua và chiếm 29,5% tổng giá trị XK thủy sản của cả nước, đóng góp khoảng 2% GDP của cả nước. Thị trường tiêu thụ cá tra ngày càng mở rộng, đến nay đã có trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới tiêu thụ cá tra của Việt Nam. Thành công to lớn, song nghề nuôi cá tra cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn thách thức. Phát triển “nóng”, thiếu quy hoạch, mạnh ai nấy làm, thậm chí cạnh tranh thiếu lành mạnh... đã và đang làm cho nghề nuôi cá tra bộc lộ nhiều hạn chế của tình trạng phát triển chưa bền vững…

Cũng tại đại hội, các đại biểu đã thống nhất quyết tâm thực hiện thắng lợi đề án phát triển sản xuất và tiêu thụ cá tra ở ĐBSCL đến năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ, theo đó xác định cá tra là một trong những mặt hàng chủ lực của cả nước. Vì vậy, đi liền với sự ra đời của Ban chỉ đạo điều hành của Chính phủ, HHCTVN là tổ chức cộng đồng thực hiện việc gắn kết, tạo điều kiện từng bước đưa ngành hàng cá tra Việt Nam vào sự quản lý toàn diện, phát triển một cách vững chắc. Đại biểu tham dự hội nghị đưa ra các vấn đề then chốt nhằm đưa cá tra Việt Nam phát triển đúng hướng, gồm:

Chấm dứt tình trạng nguyên liệu cá tra lúc thừa lúc thiếu; cơ cấu lại các doanh nghiệp XK. Doanh nghiệp XK không được cấu kết với khách hàng xấu, bán cá tra không đạt chất lượng, phá giá làm cá tra mất uy tín trên thương trường… Người nuôi cá cần được minh bạch về giá và hỗ trợ nhiều hơn từ các chính sách vĩ mô, nhất là vốn và giá bán; cho tính giá sàn cá tra như lúa gạo.  Đặc biệt là trao cho HHCTVN có quyền chế tài xử lý đối với các nhà máy XK không đảm bảo chất lượng…

văn đức CAND