ĐBSCL: Giá cá tra tăng nóng, người nuôi không còn cá bán
Mấy ngày nay, giá cá tra nguyên liệu ở vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) liên tục tăng ở đạt mức 25.000 đồng/kg, cao nhất trong khoảng 3 năm trở lại đây. Tuy nhiên, nhiều hộ nuôi không có cá để bán do liên tiếp thua lỗ trong nhiều vụ nên đã “treo ao”.
Giá cá tra lên đỉnh
Gia đình ông Đặng Văn Ngôn ngụ khu vực Thới Thạnh (Thới An, Ô Môn, TP Cần Thơ) chuẩn bị thu hoạch 2 ao cá tra với sản lượng khoảng 170 tấn rất phấn khởi vì giá cá trong thời gian gần đây liên tục tăng. Tuy nhiên, gia đình ông Ngôn là một trong số ít hộ dân còn duy trì nghề nuôi cá tra vì rất nhiều người đã bỏ nghề hay cho doanh nghiệp thuê ao do liên tục thua lỗ.
Ông Ngôn cho biết: “Mấy ngày nay thương lái lùng mua cá với giá lên đến 25.000 đồng/kg gia đình tôi rất mừng vì mấy năm liên tục thua lỗ giờ mới có giá cao đến như vậy. Với giá như hiện nay, mỗi kg cá người nuôi sẽ lời khoảng 3.000 đồng”.
Gia cá tăng, ông Võ Văn Tiển chủ trang trại nuôi 7 ao cá tra ở phường Thới An cũng tỏ ra khá bình thản. Ông Tiển cho biết: “Giá cá tra tăng là tất yếu vì hiện tại không còn mấy người nuôi cá nên sản lượng khá ít. Mấy năm nay tôi liên kết với doanh nghiệp nên giá lên hay xuống gì cũng có lời chẳng lo lắng gì hết”.
Mỗi năm trang trại của ông Tiển nuôi khoảng 1.000 tấn cá tra nguyên liệu đều được ký hợp đồng với doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá tra theo hình thức nuôi gia công đảm bảo có lợi nhuận tuy thấp nhưng rất ổn định.
Theo thống kê, hiện toàn vùng ĐBSCL có 10 tỉnh, thành nuôi với diện tích khoảng 6.000 ha thì hộ nông dân nuôi chỉ chiếm chưa tới 10% diện tích, còn lại đều là vùng nuôi của doanh nghiệp. Trong số 10% số hộ còn duy trì nghề nuôi thì phần lớn nuôi gia công cho doanh nghiệp với tiền công khoảng 4.300 đồng/kg, sau khi trừ chi phí người nuôi có lợi nhuận trên 1.000 đồng/kg.
Do sự sàng lọc của quy luật thị trường
Ông Nguyễn Ngọc Hải, Chủ nhiệm HTX cá tra Thới An (quận Ô Môn, TP Cần Thơ) cho biết: “Giá cá tra tăng, sản lượng giảm, người nuôi nhỏ lẻ giảm là quy luật tất yếu của thị trường đã sàng lọc suốt mấy năm qua. Hiện nay người nuôi nhỏ lẻ chỉ đếm trên đầu ngón tay phần lớn là vùng nuôi của doanh nghiệp và người nuôi liên kết với doanh nghiệp. Vì vậy, chuyện giá cá tra lên hay xuống không còn quan trọng đối với người nuôi nữa”.
Doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu bây giờ tự đầu tư vùng nguyên liệu và liên kết với nông dân sản xuất.
Theo ông Hải, mấy năm qua đã có sự sàng lọc không chỉ ở người nuôi mà còn có cả các doanh nghiệp. Bây giờ chỉ những doanh nghiệp có vốn đầu tư vùng nguyên liệu và liên kết với nông dân nuôi cá mới tồn tại. Việc phát triển nóng dẫn đến nhiều doanh nghiệp chế biến cá tra mọc lên như nấm sau mưa giờ không còn nữa. Đây là tín hiệu tốt cho nghề nuôi, chế biến cá tra Việt Nam đi theo hướng bền vững.
“Chỉ những người đủ năng lực tham gia cuộc chơi trong khâu nuôi, chế biến xuất khẩu mới tồn tại được” - ông Hải nói.
Giá cá tăng, nhiều người nuôi cá tra lâu năm cho rằng rất khó để người nuôi thả giống ồ ạt như trước đây vì người nuôi không còn vốn để đầu tư. Ông Võ Văn Tiển, cho biết: “Bây giờ đầu tư 1 ao nuôi cá tra chi phí lên đến hàng trăm triệu đồng nên rất khó để những người nuôi thua lỗ trước đó có thể quay lại với nghề nuôi. Bởi vì tài sản đã thế chấp ngân hàng và rất khó để tiếp cận nguồn vốn vay. Nếu khi có nguồn vốn vay họ cũng không dám mạo hiểm để đầu tư nuôi cá tra vì mấy tháng sau không biết giá cả như thế nào khi chưa liên kết được với doanh nghiệp. Theo tôi trong thời gian dài nữa sẽ tiếp tục khan hiếm cá tra nguyên liệu. Khi vùng nguyên liệu của doanh nghiệp và vùng nuôi liên kết với đủ để doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thì tới đó mới thật sự ổn định”.