ĐBSCL: Hài hòa giữa hai dòng mặn - ngọt
Hiện nay tại đồng bằng sông Cửu Long, mâu thuẫn giữa các vùng sản xuất mặn - ngọt... giữa việc trồng lúa và loại hoa màu khác với việc nuôi thủy hải sản nước mặn.
Vài năm gần đây, đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã có những giải pháp quyết liệt ứng phó với hạn, mặn. Các nhà khoa học đã tích cực nghiên cứu cho ra đời các giống cây trồng (chủ yếu là giống lúa) chống chịu với hạn, mặn; nhiều công trình thủy lợi ngăn mặn được đầu tư mới ở các tỉnh ven biển để ngăn nước mặn lấn sâu vào nội đồng… Tuy nhiên, bên cạnh đó xuất hiện những mâu thuẫn giữa các vùng sản xuất mặn - ngọt...
Trên địa bàn huyện An Biên (Kiên Giang) hình thành 2 vùng sản xuất, gồm: vùng bờ Tây sản xuất một vụ lúa, một vụ tôm (lúa - tôm) kết hợp phát triển các mô hình nuôi trồng thủy sản dưới tán rừng phòng hộ; vùng bờ Đông quy hoạch sản xuất 2 vụ lúa/năm.
Những năm gần đây, trồng lúa ở vùng bờ Đông khó khăn, nhất là trong điều kiện biến đổi khí hậu (BĐKH) ngày càng diễn biến phức tạp. Giá lúa thấp, lợi nhuận ít, bấp bênh, thiếu bền vững; đồng thời giá trị kinh tế của con tôm so với lúa cao gấp nhiều lần. Vì thế, nhiều hộ nông dân tự phát chuyển đổi đất trồng lúa sang nuôi tôm trong nhiều năm qua.
Cụ thể, vùng ven sông Cái Lớn của 2 xã Hưng Yên, Đông Yên hiện đã chuyển đổi sang nuôi tôm trên 2.000ha, vùng tranh chấp “tôm - lúa” Đông Thái trên 300ha. Sức hút nuôi tôm lớn hơn trồng lúa, khi những hộ nuôi tôm ven sông Cái Lớn trúng đậm mùa tôm.
Hay như xã An Xuyên, TP Cà Mau (Cà Mau) có 1.100ha quy hoạch sản xuất lúa 2 vụ/năm. Vụ đầu, vào mùa mưa, bà con thu hoạch được vài chục giạ/công (1.000 m²). Nhưng vụ sau thường thất do nắng hạn sớm, độ mặn nước tăng cao.
Thời gian qua, nhiều nông dân sản xuất lúa 2 vụ trên địa bàn xã An Xuyên gửi đơn đến cơ quan chức năng khiếu nại một số hộ dân tự ý đưa nước mặn vào đất trồng lúa để nuôi tôm.
Anh Lâm Tùng Hiếu (ngụ An Minh, Kiên Giang) cải tạo ruộng lúa chuyển sang nuôi tôm.
Bà Châu Thị Trinh (ấp Tân Thời) cho biết: “Một số người phá đập, cho nước mặn từ kênh ông Đại vào ruộng lúa để nuôi tôm, khiến ruộng xung quanh bị nhiễm mặn, sao lúa sống được”. Đi dọc theo các tuyến đường từ TP Cà Mau về huyện U Minh, Thới Bình, Trần Văn Thời… dễ dàng bắt gặp những vuông nuôi tôm - trồng lúa “quá giới hạn” so với qui hoạch vùng ngọt hóa…
Còn Huyện Cù Lao Dung - huyện có thế mạnh là vùng nguyên liệu mía của tỉnh Sóc Trăng với trên 8.000 ha. Trước đây, cây mía từng đồng hành với người nông dân đất cù lao này hàng chục năm qua. Tuy nhiên, mấy năm gần đây, giá mía xuống thấp, chi phí sản xuất cao, vật tư nông nghiệp cứ tăng liên tục khiến nông dân trồng mía không còn lãi như trước. Vì vậy, nhiều bà con đã phá mía chuyển sang nuôi tôm.
Những hộ không có vốn thì cho thuê ruộng trồng mía để những hộ có điều kiện đào ao nuôi tôm với giá cho thuê trên 50 triệu đồng/ha/năm. Theo bà con, cho thuê như thế vừa khỏe, vừa có thu nhập cao hơn trồng mía (?!).
Vài năm gần đây, ĐBSCL đã có những giải pháp quyết liệt để đối phó, thích ứng với hạn - mặn. Các nhà khoa học tích cực nghiên cứu cho ra đời các giống cây trồng (chủ yếu là lúa) chống chịu được với mặn.
Nhiều công trình thủy lợi ngăn mặn được đầu tư mới ở các tỉnh ven biển để ngăn dòng nước mặn lấn sâu vào nội đồng. Các nghiên cứu, công trình thủy lợi này phần nào đã giúp nông dân giảm thiệt hại. Tuy nhiên, cần nhìn nhận những mâu thuẫn vẫn đang đan xen giữa các vùng sản xuất.
Tình trạng này xảy ra không phải cá biệt ở Kiên Giang, Cà Mau: Khi người nuôi tôm (nước mặn) và trồng lúa (nước ngọt) có ruộng kề nhau đang gây ra những thiệt hại nặng, dẫn đến những xung đột gay gắt.
Đây là những xung đột mà chính quyền chỉ có thể can thiệp bằng quy hoạch sản xuất cụ thể. Mới đây, tỉnh Hậu Giang đã có cách giải quyết hợp lý đối với những hộ dân sản xuất ngoài vùng đê bao ngăn mặn.
Cụ thể, xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ, là nơi chịu mặn xâm nhập từ hai hướng Biển Tây và Biển Đông. Nhiều nông dân khá thành công khi thả tôm nuôi mùa nước mặn xâm nhập. Tỉnh huy động các nhà khoa học, ngành nông nghiệp liên tục họp dân tìm mô hình sản xuất thích nghi với BĐKH. Qua đó, người dân thống nhất chuyển từ sản xuất thuần lúa sang mô hình lúa - tôm.
Theo tính toán của bà con đang áp dụng mô hình, chi phí đầu tư tôm - lúa từ 18-20 triệu đồng/ha, sản lượng thu hoạch từ 300-350 kg/ha, giá bán trung bình từ 160.000-180.000 đồng/kg, doanh thu đạt 48-63 triệu đồng/ha.
Theo khuyến cáo của các nhà khoa học, đối với các tỉnh quy hoạch vùng sản xuất tôm - lúa cần hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi đồng bộ, đảm bảo điều tiết nguồn nước phục vụ nuôi tôm, trồng lúa theo từng vùng, tiểu vùng trên cơ sở quy hoạch chung. Chủ động kiểm soát, quản lý nguồn nước, nồng độ mặn và chất lượng nước theo yêu cầu sản xuất tôm - lúa.
Đối với nông dân vùng sản xuất tôm - lúa, cần trang bị những kiến thức, thay đổi dần tập quán sản xuất truyền thống bằng phương pháp sản xuất mới, ứng dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất tôm, lúa.
Giữ tính bền vững liên hoàn của mô hình sản xuất tôm - lúa, không chạy theo lợi nhuận con tôm khi có giá cao trên thị trường, mà phá vỡ mô hình làm phát sinh nhiều hệ lụy bất lợi.