ĐBSCL: “Hốt bạc” nhờ bán nước ngọt ở vùng khô hạn
Mùa nắng nóng, người dân các tỉnh ven biển vùng ĐBSCL phải mua nước ngọt với giá từ 40 đến hơn 100.000 đồng/m3 tùy đoạn đường vận chuyển để sử dụng trong sinh hoạt. Nhờ đó mà các hộ kinh doanh nước sạch cũng sống khỏe.
Đã gần 20 năm qua ông Nguyễn Văn Hưng, ngụ ấp 2 (Bình Thới, Bình Đại, Bến Tre) hành nghề bán nước sạch trong mùa nắng nóng. Cứ sau tết Nguyên đán khi nước mặn xâm nhập vào nội đồng cũng là lúc cao điểm nghề bán nước sạch của ông “hốt bạc”.
Thông thường nước được lấy từ giếng khoan tầng nông với độ sâu chưa đến 10 m chủ yếu là nước mưa đã tích tụ lại để đem bán cho người dân dùng trong sinh hoạt hằng ngày. Đây chỉ là nước ngọt chỉ để dùng trong tắm, giặt chứ không nấu ăn hay uống được. Giá nước mua ngay địa điểm giếng khoan chỉ 20.000 đồng/xe (khoảng 2,5 m3) nhưng tới hộ gia đình bán giá cả trăm ngàn đồng/xe với lý do thiếu nước và phương tiện vận chuyển khó khăn.
Ông Hưng cho biết: “Nước ngọt ở đây giá cả chủ yếu tính theo đoạn đường vận chuyển từ địa điểm lấy nước đến các hộ dân có nhu cầu. Bình thường đoạn đường gần chỉ 70.000 đồng/xe nhưng nếu xa thì có thể lên tới 130.000 đến 140.000 đồng/xe. Một số nơi nắng nóng gay gắt, ít điểm lấy nước thì giá được tính cả trăm ngàn một mét khối”.
Hiện nay đang là đỉnh điểm thiếu nước ngọt dùng trong sinh hoạt nên mỗi ngày ông Hưng bán từ 12 đến 13 xe nước, tiền lãi thu về 600.000 đến 700.000 đồng/ngày sau khi trừ đi chi phí, khỏe hơn so với công việc làm mướn hay các nghề khác.
Ông Võ Ngọc Bé ngụ ấp 1 (Thạnh Trị, Bình Đại, Bến Tre) cũng hành nghề bán nước ngọt hơn 10 năm nay. Phương tiện hành nghề của ông khá đơn giản chỉ với chiếc xe công nông mà người dân địa phương gọi là xe máy cày cùng thùng chứa nước được kéo ở phía sau. Ông Bé cho biết: “Trung bình người bán nước lời khoảng 50% do phải trả tiền cho chủ giếng khoan, khấu hao máy móc, dầu nhớt… nên cũng sống được trong mùa nắng nóng”.
Ông Bé cũng “sống khỏe” với nghề bán nước ngọt
Có thời gian ông Bé bỏ nghề bán nước ngọt chuyển sang nuôi tôm nhưng được vài năm thấy nhớ nghề và dễ sống hơn nên tiếp tục quay lại nghề bán nước ngọt. Theo ông Bé nghề này chẳng cần vốn liếng gì chỉ có chiếc xe công nông và bồn nước phía sau rong ruổi hằng ngày trên đường nếu ai có nhu cầu gọi điện là vài tiếng đồng hồ sau có nước tới tận nhà.
Những hộ dân ở ngay mặt đường có giếng khoan lấy nước ngọt hay những địa điểm có nước sạch từ nhà máy nước cung cấp cũng sống khỏe nhờ nghề bán nước. Ông Nguyễn Văn Tư, ngụ ấp 3 (Bình Thới, Bình Đại, Bến Tre) bán nước mấy năm nay cho biết: “Gia đình tôi ở ngay khu đất trồng cát nên mùa mưa nước tích tụ lại đến mùa khô tôi làm giếng khoan lấy nước lên bán. Máy bơm của tôi hoạt động liên tục 24/24 giờ để lấy nước ngầm lên những hồ chứa ở phía trên để xe lại lấy. Mấy ngày nay máy hoạt động hết công suất mà không đủ nước để bán do nhu cầu mùa nắng nóng gay gắt rất lớn”.
Hệ thống hồ chứa nước dự trữ của ông Tư để cung ứng kinh doanh nước ngọt
Theo ông Tư, mỗi tháng trừ tiền điện khoảng trên dưới 3 triệu đồng, gia đình ông sống khỏe nhờ nghề bán nước ngọt.
Những người làm dịch vụ đặc biệt này giúp cho dân vùng ven biển có nước sử dụng trong mùa khô hạn dù giá cả khá đắt đỏ. Mặc dù phải xài tiết kiệm nhưng người dân nơi đây buộc phải xài nước ngọt trong nhu cầu sinh hoạt hằng ngày vì quanh các kênh mương nước đều mặn đắng. Nhờ vậy những người làm dịch vụ bán nước ngọt cũng sống khỏe trong mùa khô hạn.