ĐBSCL: Tôm chết chủ yếu do chất diệt giáp xác
Thống kê sơ bộ của ngành nông nghiệp các tỉnh ven biển ĐBSCL, diện tích tôm sú bị chết lên đến gần 45.000 ha, thiệt hại trên 2.000 tỉ đồng.
Một ao nuôi trong quá trình cải tạo ao. Ảnh D. Phong
Theo kết quả nghiên cứu của Viện Nghiên cứu nuôi trồng Thủy sản II, nguyên nhân cơ bản dẫn đến tôm sú chết hoàng loạt tại ĐBSCL là do sử dụng thuốc diệt giáp xác có chứa chất Cypermethrin.
Thống kê sơ bộ của ngành nông nghiệp các tỉnh ven biển đồng bằng sông Cửu Long, gồm Trà Vinh, Bến Tre, Kiên Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng và Cà Mau, đến nay, diện tích tôm sú bị chết lên đến gần 45.000 ha, thiệt hại trên 2.000 tỉ đồng. Trong đó, Trà Vinh là tỉnh có diện tích nuôi thâm canh và bán thâm canh bị thiệt hại nặng nề nhất; ước tính thiệt hại về kinh tế gần 1.000 tỷ đồng.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Hảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản II, chất Cypermethrin là một loại thuốc diệt giáp xác thuộc nhóm cúc tổng hợp, rất độc nên diệt giáp xác hiệu quả và rẻ, giá chỉ bằng 5% các chất khuyến cáo khác, nên được người nuôi tôm ở đồng bằng sông Cửu Long sử dụng chủ yếu trong thời gian qua là nguyên nhân chính gây nên tôm chết hàng loạt.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Hảo cho biết, việc sử dụng chất Cypermethrin để diệt giáp xác trong thời gian ngắn không gây hại, nhưng thời gian càng dài, độc tố tích tụ trong bùn càng nhiều, đến mức nào đó sẽ gây hại trực tiếp cho tôm nuôi.
Cypermethrin là chất rất độc có chứa trong nhóm cúc tổng hợp, nhóm này nhiều nước đã cấm sử dụng từ nhiều năm nay và cho dùng lân hữu cơ để diệt giáp xác, còn ở Việt Nam ngược lại. Lân hữu cơ sau 3 ngày độc lực sẽ biến mất, còn Cypermethrin sau một thời gian dài dư lượng vẫn còn tuy độc tố đã giảm. Tiến sĩ Nguyễn Văn Hảo cho rằng: “Người nuôi tôm ở ĐBSCL kể cả trang trại lớn đều lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trong ao nuôi và sau đó thả tôm trực tiếp vào ao nuôi này. Đây là điều kiện bất lợi là tồn dư hóa chất trong ao nuôi, đúng ra phải xử lý ở khu vực riêng sau đó lọc nước cho vào ao nuôi. Trong ao nuôi chúng ta nên hạn chế đến mức thấp nhất dư lượng hóa chất, kể cả việc dùng Chlorine trực tiếp trong ao nuôi cũng là một điều bất lợi chứ nói đến các loại hóa chất khác”./.