TIN THỦY SẢN

Đề án tôm Cà Mau sẽ trình Chính phủ phê duyệt

Chỉ đạo tại Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tiến Hải: “Tái cơ cấu ngành tôm cần ưu tiên đưa công nghiệp vào sản xuất con tôm, người nông dân trở thành công nhân ngay trên mảnh đất của mình”. Trần Nguyên

Với quyết tâm “Xây dựng quy hoạch phát triển Cà Mau thành một trong những vựa tôm lớn nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước”, cũng như thể hiện rõ quan điểm hành động của địa phương, tuần qua, UBND tỉnh tổ chức hội nghị lấy ý kiến đóng góp vào Đề án “Nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và phát triển bền vững ngành tôm tỉnh Cà Mau đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”. Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tiến Hải cho rằng đây là việc làm cần thiết và cấp bách, vì Cà Mau vốn có truyền thống, nhiều kinh nghiệm và điều kiện rất thuận lợi trong nuôi tôm, luôn đứng đầu cả nước về diện tích, sản lượng, giá trị kim ngạch xuất khẩu.

Nêu lên hàng loạt lợi thế từ vị trí địa lý, cả về mối quan hệ không gian với các nước trong khu vực, điều kiện về tự nhiên mang tính đặc thù riêng biệt, cơ cấu lao động, định hướng quy hoạch phát triển, ông Châu Công Bằng - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định: Cà Mau có nhiều thuận lợi để phát triển nghề nuôi tôm nước lợ với con tôm sú và tôm thẻ theo nhiều hình thức, từ tôm - lúa đến tôm rừng theo hình thức quảng canh, nâng cao hơn là nuôi thâm canh, hình thành nhiều vùng nuôi siêu thâm canh với quy mô lớn, khả năng ứng dụng công nghệ cao nhằm tạo ra một lượng lớn đáp ứng nhu cầu chế biến xuất khẩu ngày càng được mở rộng.

Mục tiêu đề xuất đến năm 2020 đưa diện tích nuôi siêu thâm canh lên 1.000ha, sản lượng mỗi năm đạt 22 ngàn tấn; thâm canh và bán thâm canh 12.000ha, sản lượng mỗi năm đạt 84 ngàn tấn. Đến năm 2030, tăng gấp đôi diện tích nuôi siêu thâm canh, sản lượng tăng lên 50 ngàn tấn/năm; diện tích thâm canh và bán thâm canh tăng nhẹ nhưng sản lượng nâng cao lên 130 ngàn tấn/năm. Cùng với các hình thức nuôi khác, đưa tổng sản lượng lên 415 ngàn tấn/năm

Hội nghị cũng đã lấy ý kiến đóng góp vào việc điều chỉnh một số ngành hàng chủ lực trong thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh giai đoạn 2014 - 2020 và thông qua kế hoạch triển khai thực hiện các đề án nêu trên trong năm 2017.

Nhiều ý kiến tâm huyết, kỳ vọng Đề án sớm được thông qua sẽ tạo nền tảng, động lực phát triển ngành tôm cũng như những ngành hàng nông nghiệp chủ lực khác có thêm điều kiện mở rộng, tạo cơ sở hoạch định chiến lược phát triển kinh tế địa phương.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tiến Hải: Ngành Nông nghiệp nói chung và ngành tôm nói riêng chiếm tỷ trọng khá cao trong nền kinh tế địa phương. Việc xây dựng Đề án là nhằm mục tiêu phát huy hiệu quả sản xuất theo hướng bền vững, nâng cao đời sống người dân, góp phần quan trọng vào xây dựng nông thôn mới. Đề án cần xác định mục tiêu, nội dung và giải pháp một cách cụ thể và cần phải có lộ trình.

Với vai trò và vị thế của Cà Mau trong phát triển của ngành tôm, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tiến Hải cho biết sau điều chỉnh, Đề án “Nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và phát triển bền vững ngành tôm tỉnh Cà Mau đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” sẽ trình các Bộ, ngành Trung ương và trình Chính phủ phê duyệt, tạo cơ sở trong hỗ trợ để ngành tôm Cà Mau phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới, đóng góp lớn hơn, nâng cao thêm vị thế tôm Việt Nam trên trường quốc tế.

Trần Nguyên Báo Đất Mũi