Để cá ngừ thành loại cá xuất khẩu chủ lực
Tổng cục Thủy sản - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã có quyết định xếp cá ngừ vào loại cá chủ lực, ngang hàng với cá tra trong xuất khẩu thủy sản. Nếu ngành cá ngừ được đầu tư hơn và định hướng một cách đúng đắn, sản lượng đánh bắt và khối lượng xuất khẩu sẽ không chỉ dừng ở chục nghìn tấn và trăm triệu đô la như hiện nay, mà còn có thể tiến xa hơn.
Cầu cao, cung khó
Theo báo cáo của Globefish, mặc dù đầu năm 2012, giá cá ngừ tăng cao nhưng nhập khẩu cá ngừ đóng hộp vào EU vẫn tăng hơn 20% về giá trị và 5% về khối lượng. Trong khối EU, Tây Ban Nha và Hà Lan là những nước có sức tiêu thụ các sản phẩm cá ngừ lớn.
Theo thống kê của Liên minh các ngành công nghiệp thực phẩm Pháp (FIAC), Tây Ban Nha là nước tiêu thụ cá ngừ đóng hộp cao nhất trong khối EU, với mức tiêu thụ bình quân theo đầu người đạt 2,18 kg/người/năm.
Mặc dù có đội tàu khai thác cá ngừ lớn nhất trong khối EU nhưng do bị hạn chế về hạn ngạch đánh bắt nên Tây Ban Nha vẫn phải tìm kiếm thêm nguồn cá ngừ từ nhiều nước trên thế giới. Năm 2011, Tây Ban Nha nhập khẩu cá ngừ với giá trị lên tới hơn 436 triệu đô la.
Còn đối với Hà Lan, ngoài sản lượng tự khai thác, năm 2011, Hà Lan nhập khẩu khoảng hơn 900.000 tấn cá ngừ, trị giá 4,5 triệu Euro, trở thành nhà nhập khẩu cá ngừ lớn thứ 8 trong khối EU, chiếm khoảng 0,5% tổng khối lượng nhập khẩu của EU, xếp trên Ba Lan (0,4%) và dưới Đức (0,6%).
Hai năm trở lại đây, nhu cầu tiêu thụ cá ngừ được khai thác bền vững tại thị trường Hà Lan đang tăng. Từ tháng 4/2009 đến tháng 3/2010, Hà Lan tiêu thụ hơn 47 tấn cá ngừ có chứng nhận khai thác bền vững của Hội đồng Quản lý biển (MSC), tương đương 490.000 Euro. Nguồn cung cá ngừ có chứng nhận khai thác bền vững cho thị trường này đang ngày càng thiếu. Do đó, Hà Lan được trông đợi là thị trường tiêu thụ tốt đối với sản phẩm cá ngừ có chứng nhận khai thác bền vững.
Báo cáo của Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp quốc (FAO) cũng cho thấy, sản lượng khai thác cá ngừ trên toàn thế giới trong quí 1/2012 đã không được cải thiện. Trong quí 1 này, tàu lưới vây Nhật Bản và Đài Loan ở Tây Thái Bình Dương cho biết, 80% sản lượng đánh bắt của họ là cá có kích thước nhỏ (2 kg/pc).
Số liệu của Ủy ban Cá ngừ nhiệt đới khu vực Bắc - Nam Mỹ (IATTC) cho thấy, năm 2011, sản lượng khai thác ở Đông Thái Bình Dương đạt 540.000 tấn, trong đó cá ngừ vằn đạt 272.713 tấn, tăng 60%, cá ngừ vây vàng đạt 208.782 tấn, giảm 9% và cá ngừ mắt to đạt 44.090 tấn, giảm 8%.
Ecuador là quốc gia có sản lượng khai thác cao nhất, đạt 200.849 tấn, tiếp theo là Mexico với 125.319 tấn, Panama 57.166 tấn, Venezuela 46.229 tấn và Columbia đạt 43.809 tấn.
Dự kiến, sản lượng khai thác cá ngừ trong năm 2012 của khu vực này chỉ tăng nhẹ 4%.
Việc Ủy ban Nghề cá Trung Tây Thái Bình Dương (WCPFC) đã chấp thuận dỡ bỏ lệnh cấm khai thác cá ngừ bằng lưới vây ở các khu vực 1 (bao gồm Palau, Micronesia, Papua New Guinea và Indonesia – các khu vực gần với Philippines nhất và là nơi hoạt động thường xuyên của các công ty khai thác cá ngừ nước này) và khu vực 2 (được giới hạn bởi các nước như quốc đảo Solomon, Fiji, Tuvalu, Nauru, quốc đảo Marshall, Micronesia, Papua New Guinea và các khu vực của Kiribati) của Thái Bình Dương cho đến tháng 2/2013 có thể giúp sản lượng được cải thiện trong thời gian tới.
Cá ngừ Việt nắm bắt cơ hội như thế nào?
Dự báo, nhu cầu tiêu thụ cá ngừ trên thị trường thế giới sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới, song do việc áp dụng các biện pháp hạn chế khai thác cá ngừ tại một số vùng biển trên thế giới nên mặt hàng này hiện đang và sẽ tiếp tục ở trong tình trạng cầu cao hơn cung. Đây sẽ là cơ hội cho sản phẩm cá ngừ Việt Nam.
Thêm một điều kiện thuận lợi khác cho ngành cá ngừ Việt Nam, đó là, trong khi các nước láng giềng do mất mùa đang bị sụt giảm về sản lượng khai thác, thì Việt Nam lại đang được mùa, đặc biệt là về cá ngừ mắt to và vây vàng.
Khối lượng cá ngừ xuất khẩu của Việt Nam năm 2012 có thể tăng gấp đôi so với năm 2011 do sản lượng cá ngừ khai thác nội địa đạt khá như Bình Định đến nay đã đạt hơn 7.100 tấn, Phú Yên 6.000 tấn và Khánh Hòa 1.000 tấn.
Mặc dù tiềm năng khai thác cá ngừ còn rất lớn, có nhiều triển vọng phát triển, nhưng ngư dân vẫn chưa biết cách khai thác lợi thế này. Cá ngừ ở vùng biển Việt Nam có 9 loài, với trữ lượng trên 1,1 triệu tấn/năm. Có thể đánh bắt quanh năm là một điều kiện khá thuận lợi để nước ta duy trì nguồn cung cấp xuất khẩu.
Tuy nhiên, ngư dân vẫn chưa biết cách khai thác lợi thế này và các vấn đề từ khâu đánh bắt tới khâu tiêu thụ vẫn là cản trở bước tiến của cá ngừ Việt Nam trên đường ra thế giới.
Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng, trong năm 2012, các doanh nghiệp cần đầu tư xây dựng hệ thống kho lạnh trữ hàng, trang bị tàu lớn kịp thời thu mua sản phẩm cá ngừ và cung ứng các nhu yếu phẩm cho ngư dân ngay trên biển; đồng thời đẩy mạnh quan hệ hợp tác với nước ngoài, tìm kiếm thêm thị trường và quảng bá giới thiệu rộng rãi sản phẩm để mở rộng thị trường xuất khẩu.
Nếu ngành cá ngừ được đầu tư đúng đắn và hợp lý, chắc chắn sản lượng đánh bắt và xuất khẩu sẽ không chỉ dừng ở đơn vị chục nghìn tấn và trăm triệu đô la như hiện nay, mà còn có thể tiến xa hơn.
Theo VASEP, 8 tháng đầu năm 2012, xuất khẩu cá ngừ Việt Nam đạt gần 396 triệu đô la, tăng 51,2% so với cùng kỳ năm 2011. Ba thị trường chính của xuất khẩu cá ngừ Việt Nam là Mỹ, EU và Nhật Bản.