TIN THỦY SẢN

Để cá tra, ba sa đi Mỹ: Doanh nghiệp không thể ngồi chờ

Việc áp dụng chương trình thanh tra cá da trơn có thể được xem như là biện pháp bảo hộ ngành công nghiệp Mỹ, thay vì là biện pháp để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng nước này. Ảnh: Lê Hoàng Vũ Thu Nguyệt

Hướng dẫn thực hiện chương trình thanh tra cá da trơn do Cơ quan Thanh tra và an toàn thực phẩm (FSIS) thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ ban hành để thi hành Đạo luật Farm Bill 2008 và 2014 của Mỹ sẽ có hiệu lực từ tháng 3-2016, theo ý kiến của một số luật sư, trước mắt, doanh nghiệp Việt Nam nên liên hệ các cơ quan chức năng của Việt Nam và Mỹ để tiến hành các thủ tục cần thiết.

Cần phải làm gì?

Theo luật sư Nguyễn Hải (Công ty Mayer Brown JSM), trong giai đoạn chuyển tiếp 18 tháng từ ngày 1-3-2016 đến ngày 30-8-2017, doanh nghiệp Việt Nam có thể tiếp tục xuất khẩu sang Mỹ với hai điều kiện:

Việt Nam cần nộp cho FSIS: (i) danh sách các cơ sở đang xuất khẩu và mong muốn tiếp tục xuất khẩu cá tra sang Mỹ và (ii) hồ sơ cho thấy Việt Nam có các quy định hiện hành về việc nuôi và chế biến cá da trơn để làm thực phẩm. Hồ sơ phù hợp này cũng cần phải cho thấy Việt Nam tuân thủ các yêu cầu của FDA bao gồm cả yêu cầu HACCP.

Như vậy, ngay lúc này, các doanh nghiệp cần phải nhanh chóng phối hợp với cơ quan chủ quản là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam cũng như Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) để chuẩn bị hồ sơ nộp cho FSIS.

Sau khi kết thúc giai đoạn chuyển tiếp, nghĩa là kể từ ngày 1-9-2017, nếu muốn tiếp tục xuất khẩu sang Mỹ, Việt Nam cần phải nộp đầy đủ hồ sơ cho thấy Việt Nam có hệ thống giám sát, thanh tra cá da trơn tương đương với hệ thống được FSIS áp dụng tại Mỹ. FSIS sau đó sẽ đánh giá tính tương đương này thông qua thẩm tra hồ sơ cũng như thẩm tra tại chỗ tại Việt Nam.

Nếu thấy rằng hệ thống Việt Nam duy trì là tương đương với hệ thống tại Mỹ, FSIS sẽ đề nghị thêm Việt Nam vào quốc gia được phép xuất khẩu cá da trơn sang nước này. Vấn đề là, kinh nghiệm từ các vụ việc tương tự, thông thường có thể mất tới năm năm để các nước bị áp dụng chương trình thanh tra có thể thỏa mãn tính tương đương do FSIS đánh giá, ông Hải cho biết.

Có thể kiện ra WTO được không?

Ông Nestor Scherbey, Chủ tịch Công ty NAS Global Trade, Ltd., đồng thời là cố vấn cao cấp cho Liên minh Thuận lợi hóa thương mại Việt Nam (VTFA), cho rằng nâng cao các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm là xu hướng thương mại thế giới ngày nay. Tuy nhiên, việc thay đổi các quy định của Mỹ (nêu trên) có gây hại đến một số hay nhiều nông dân nuôi cá da trơn tại Việt Nam. Tại Việt Nam, có những quan điểm cho rằng đây là biện pháp bảo hộ mà Mỹ dựng lên và Việt Nam nên phản kháng bằng cách nêu vấn đề này lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Theo ông Nestor Scherbey, tùy thuộc vào việc các thủ tục thanh tra, các tiêu chuẩn và các quy định chi tiết của Mỹ được phát triển và áp dụng như thế nào, về lý thuyết Việt Nam có thể phản đối những quy định này dựa trên các thỏa thuận trong WTO về biện pháp vệ sinh và kiểm dịch động thực vật (theo Hiệp định SPS), về giám định hàng hóa trước khi gửi (Preshipment Inspection), cũng như về các quy định khác có liên quan. Các thỏa thuận này nằm trong Hiệp định GATT 1994 và không bị Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) thay thế. Trên thực tế, những điều khoản quy định có liên quan, như Hiệp định các rào cản kỹ thuật trong thương mại (TBT) của WTO cũng như SPS, đều được đưa vào trong thỏa thuận TPP.

Tuy nhiên, ông Nestor Scherbey cho biết, theo kinh nghiệm của ông, rất khó có khả năng các cơ quan quản lý của Mỹ mắc lỗi khi soạn ra các quy định cụ thể (của Farm Bill), cũng như các tiêu chuẩn và thủ tục khiến bị bắt lỗi dựa trên các thỏa thuận trong WTO. Các tiêu chuẩn, quy định và việc thanh tra này cũng sẽ được áp dụng chung cho nông dân nuôi cá da trơn tại Mỹ, do đó khó có thể dựa trên các hiệp định trong WTO để chứng minh quy định mới của Mỹ phân biệt đối xử đối với các nước khác, đặc biệt khi các tiêu chuẩn của Mỹ dựa trên khoa học và phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế.

Do đó, ông khuyến nghị các đại diện của ngành sản xuất cá da trơn Việt Nam nên bắt đầu tham vấn và liên lạc với các cơ quan quản lý bang của Mỹ (chủ yếu là USDA) càng sớm càng tốt để đảm bảo rằng các quy định trên được phát triển và áp dụng cụ thể theo cách công bằng và tính đến những khác biệt giữa Việt Nam và Mỹ trong kỹ thuật nuôi và phân phối. Những nỗ lực này nhằm giúp các nhà sản xuất Việt Nam có thể đáp ứng các tiêu chuẩn khi xuất khẩu sang Mỹ, trong khi vẫn đạt được các mục tiêu về an ninh và an toàn thực phẩm.

“Tôi tin rằng cách này sẽ thực sự đem lại lợi ích to lớn cho ngành cá da trơn của Việt Nam, bởi vì như thế doanh nghiệp có thể sẽ tiếp tục xuất khẩu sang Mỹ đồng thời chuẩn bị cho việc xuất khẩu sang nhiều nước khác vốn cũng sẽ áp dụng các tiêu chuẩn cao hơn về và an toàn thực phẩm trong tương lai. Việc này cũng giúp Việt Nam và Mỹ đạt được các mục tiêu TPP. VTFA sẽ mở rộng các hoạt động để thực hiện chủ đề về an ninh và an toàn thực phẩm vào năm tới, theo đó sẽ sẵn sàng hỗ trợ các hiệp hội ngành nghề cũng như nhà sản xuất của Việt Nam về các vấn đề này”, ông Nestor Scherbey nói.

Trong khi đó, theo luật sư Nguyễn Hải, chương trình thanh tra cá da trơn được xây dựng trên quy định của Farm Bill 2008 hoàn toàn có thể được xem là biện pháp vệ sinh dịch tễ theo quy định của Hiệp định về biện pháp vệ sinh dịch tễ (Hiệp định SPS) của WTO. Đáng chú ý là trong một án lệ có tính chất tương tự trước đây khi Trung Quốc kiện Mỹ về một số biện pháp hạn chế nhập khẩu gia cầm, Mỹ khi ấy lập luận rằng các biện pháp của mình liên quan đến việc đánh giá tính tương đương (equivalency), do đó không phải là đối tượng điều chỉnh của Hiệp định SPS. Lập luận này của Mỹ đã bị Ban hội thẩm WTO bác bỏ.

Nếu được xem là biện pháp SPS, Mỹ sẽ cần phải đáp ứng các điều kiện theo quy định của Hiệp định SPS để có thể áp dụng chương trình thanh tra cá da trơn. Đáng chú ý đó là điều kiện yêu cầu Mỹ phải chứng minh được rằng việc áp dụng chương trình này là cần thiết để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng dựa trên chứng cứ khoa học đầy đủ. Tuy vậy, vào thời điểm năm 2008, khi Đạo luật Farm Bill 2008 được thông qua, không có một nghiên cứu khoa học hay đánh giá rủi ro nào cho thấy cá da trơn có nguy cơ tiềm ẩn ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Đến năm 2010, hai năm sau khi Đạo luật Farm Bill được thông qua, FSIS mới thực hiện báo cáo đánh giá rủi ro nhằm rộng đường để thi hành Đạo luật Farm Bill. Tuy nhiên, việc làm này của FSIS có thể được xem là gượng ép làm việc đã rồi. Như vậy, tính khách quan của các đánh giá trong báo cáo năm 2010 hoàn toàn có thể bị nghi ngờ, ông Hải cho biết.

Ngoài ra, Mỹ cũng phải chứng minh mối quan hệ căn nguyên giữa biện pháp SPS áp dụng và chứng cứ khoa học. Nghĩa là việc đưa vào biện pháp này phải xuất phát từ quan ngại về ảnh hưởng của cá tra tới sức khỏe người tiêu dùng và từ đó tiến hành các nghiên cứu khoa học để làm sáng tỏ vấn đề và làm cơ sở để áp dụng SPS. Tuy nhiên, các nỗ lực không mệt mỏi của ngành công nghiệp cá da trơn Mỹ trong việc ngăn chặn hoàn toàn nhập khẩu cá tra từ Việt Nam, bắt đầu bằng quy định về nhãn hiệu năm 2002 (quy định chỉ có cá da trơn nuôi tại Mỹ mới được sử dụng tên catfish) và sau đó là việc áp thuế chống bán phá giá, hoàn toàn làm xói mòn mối quan hệ căn nguyên này và việc áp dụng chương trình thanh tra cá da trơn có thể được xem như là biện pháp bảo hộ ngành công nghiệp Mỹ, thay vì là biện pháp để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng nước này.

Với những nhận định sơ bộ như vậy, Việt Nam có những lợi thế đáng kể khi đưa vụ việc này ra giải quyết tại WTO, ông Hải nói.

Nguồn gốc và tác động của quy định mới

Vào năm 2008, Mỹ thông qua việc sửa đổi Đạo luật liên bang về thanh tra sản phẩm thịt. Theo đó, đưa cá da trơn vào đối tượng áp dụng thanh tra và chuyển thẩm quyền phụ trách các vấn đề an toàn thực phẩm đối với cá da trơn từ Cơ quan Phụ trách thực phẩm và dược phẩm (FDA) sang Cơ quan Thanh tra và an toàn thực phẩm (FSIS) thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ. Sửa đổi này thường được gọi là Đạo luật Farm Bill 2008.

Đến năm 2014, Mỹ một lần nữa sửa luật để định nghĩa cá da trơn bao gồm cả cá tra và ba sa được nuôi tại Việt Nam. Sửa đổi năm 2014 thường được gọi là Đạo luật Farm Bill 2014. Các sửa đổi theo các đạo luật Farm Bill 2008 và 2014 chắc chắn có những tác động đáng quan ngại đối với ngành cá tra Việt Nam.
Bởi lẽ, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cá tra Việt Nam trước giờ đã và đang tuân theo các quy định liên quan của FDA, chẳng hạn như quy trình HACCP. Việc chuyển đổi sang quy định mới chắc chắn sẽ cần nhiều thời gian.

Ngoài ra, chương trình giám sát an toàn thực phẩm của Bộ Nông nghiệp Mỹ được cho là khắt khe hơn nhiều so với chương trình giám sát của FDA. Chương trình do FSIS thực hiện chỉ áp dụng cho các loại thực phẩm được cho là có nguy cơ cao đối với sức khỏe người tiêu dùng. Cá da trơn đến thời điểm hiện tại là dòng sản phẩm thủy sản duy nhất bị áp dụng chương trình giám sát của FSIS. Trong khi chương trình của FDA chỉ áp dụng cho cơ sở chế biến, thì chương trình do FSIS thực hiện sẽ áp dụng từ công đoạn nuôi trồng và vận chuyển từ vùng nuôi đến nhà máy chế biến. (Luật sư Nguyễn Hải, Công ty Mayer Brown JSM)

Thu Nguyệt TBKTSG Online, 18/12/2015