Để nghề ương cá tra giống và nuôi tôm thẻ ở Long An bền vững
Từ năm 2017 đến nay, diện tích đất chuyển đổi từ trồng lúa sang ương cá tra giống cứ tăng dần theo thời gian. Theo số liệu thống kê từ các địa phương, tổng diện tích ương cá tra giống khoảng 1.990 ha, tập trung chủ yếu tại huyện Tân Hưng (1.047 ha), Tân Thạnh (800 ha) và Vĩnh Hưng (90 ha). Diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng khoảng 28 ha, chủ yếu tại huyện Tân Hưng (16 ha) và Vĩnh Hưng (10 ha).
Hiện trạng
Do lợi nhuận quá hấp dẫn nên nhiều người dân mặc dù chưa biết cách ương cá tra giống nhưng vẫn đào ao nuôi. Bên cạnh đó, vẫn có nhiều hộ ương cá tra giống bị thua lỗ nhiều vụ liên tiếp do chưa hiểu biết về kỹ thuật nuôi; mùa vụ; cách chọn cá tra bột chất lượng, cơ sở sản xuất cá bột uy tín; phương pháp phòng trị bệnh trong quá trình ương nuôi; nhu cầu thị trường; hệ thống ao lắng để trữ nước cấp vào ao nuôi giảm thiệt hại do nguồn nước ô nhiễm, đặc biệt là nguồn nước có thuốc bảo vệ thực vật; ao xử lý nước thải nhằm giảm ô nhiễm môi trường xung quanh.
Đối với diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng thì hiệu quả sản xuất không ổn định. Do tôm thẻ chân trắng là đối tượng sống ở vùng nước lợ nên khi nuôi phải tạo môi trường nước lợ bằng cách sử dụng muối hoặc sử dụng nước giếng tầng mặt. Từ đó, chi phí tăng cao nhưng môi trường ao nuôi vẫn không đảm bảo cho tôm phát triển tốt. Ngoài ra, những ao nuôi này nằm xen lẫn trong vùng trồng lúa, về lâu dài có thể sẽ làm nhiễm mặn đất lúa.
Giải pháp
Trước hiện trạng về tình hình ương cá tra giống và nuôi tôm thẻ chân trắng tại các huyện vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An như trên, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng, UBND các huyện thực hiện các giải pháp như sau:
Thứ nhất, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật chọn cá bột tốt, kỹ thuật ương cá hiệu quả cao, các biện pháp phòng trị bệnh; Mở các lớp dạy nghề nông thôn về kỹ thuật ương cá tra giống; Kết hợp với địa phương theo dõi, giám sát dịch bệnh trên ương cá tra giống; Thực hiện quan trắc môi trường nước tại một số hệ thống kênh dẫn chính của vùng Đồng Tháp Mười; Đề xuất với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đầu tư kết cấu hạ tầng vùng nuôi đảm bảo phát triển bền vững.
Thứ hai, Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, giám sát môi trường, phát hiện và xử lý vi phạm tại các vùng ương cá tra giống tập trung; Hướng dẫn thủ tục lập hồ sơ môi trường cho Phòng Tài nguyên và Môi trường các huyện để yêu cầu các hộ dân có hoạt động ương cá tra giống thực hiện thủ tục hồ sơ môi trường theo quy định; Kiểm tra tổng thể, xử lý việc chuyển đổi đất lúa sang nuôi trồng thủy sản theo quy định tại Luật Đất đai, Nghị định số 35/2015/NĐ-CP, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Đồng thời, phối hợp với UBND các huyện có ương cá tra không theo quy hoạch phát triển thủy sản tỉnh Long An đến năm 2020, xử lý nghiêm để đảm bảo tính răn đe, ngăn chặn việc tự ý chuyển đổi đất từ trồng lúa sang nuôi trồng thủy sản không theo quy định.
Thứ ba, UBND các huyện có diện tích ương cá tra giống và nuôi tôm thẻ chân trắng cần xử lý vi phạm đối với các hộ đang chuyển đổi từ đất lúa sang ương cá tra giống nằm ngoài quy hoạch phát triển thủy sản tỉnh Long An đến năm 2020 và nuôi tôm thẻ chân trắng; Khảo sát hiện trạng hệ thống kênh rạch phục vụ cho vùng ương cá tra giống, đề xuất nạo vét kênh mương, tạo thông thoáng cho dòng chảy, giảm thiểu hiện tượng ô nhiễm môi trường; Theo dõi chặt chẽ tình hình sản xuất, dịch bệnh, tiêu thụ sản phẩm tại địa phương.
Mục đích của việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, việc đó không được phá vỡ quy hoạch sản xuất chung, ảnh hưởng đến cây trồng, vật nuôi khác; sản xuất phải mang tính bền vững, đáp ứng nhu cầu thị trường, tránh trường hợp cung vượt cầu quá mức, bảo vệ môi trường sống. Bên cạnh đó, ngành hàng cá tra và tôm thẻ chân trắng là sản phẩm quốc gia, chủ yếu xuất khẩu ra thị trường thế giới. Vì vậy, người dân ương cá tra giống và nuôi tôm thẻ chân trắng cần thực hiện đúng các quy định quản lý của Nhà nước về quy hoạch, tiêu chuẩn kỹ thuật khi nuôi đảm bảo điều kiện an toàn dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm và bảo vệ môi trường. Từ đó, các sản phẩm thủy sản của Việt Nam trong đó có cá tra và tôm thẻ chân trắng mới có thể cạnh tranh với thế giới và mang lại thu nhập cao cho người dân, góp phần tăng trưởng kinh tế của đất nước.