Đề nghị cho thế chấp tàu cá để vay vốn ngân hàng
Đề nghị Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn các ngân hàng thương mại cho vay lấy chính tàu cá làm thế chấp là một trong rất nhiều kiến nghị của các địa phương nhằm tháo gỡ khó khăn cho ngư dân.
Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 5 vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội gửi đến các vị đại biểu cho biết, giải quyết khó khăn trong sản xuất và đời sống của ngư dân là vấn đề được cử tri kiến nghị nhiều lần. Và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức giám sát nội dung này.
Kết quả giám sát đã ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực từ phía cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực. Theo đó, các chính sách ban hành và triển khai của nhà nước thời gian qua đã góp phần phát triển ngành khai thác hải sản với khoảng 128 nghìn tàu cá các loại.
Nhà nước đã đầu tư xây dựng được 65/178 cảng, bến cá trên tuyến bờ và 18/33 cảng cá trên các tuyến đảo; 75/131 khu neo đậu, tránh trú bão cho tàu cá các tỉnh ven biển và 12/16 khu trên các tuyến đảo.
Cơ quan chức năng đã hỗ trợ ngư dân đóng mới 1.365 tàu có công suất 90CV trở lên với số tiền khoảng 1.300 tỷ đồng; đã lắp đặt 7.000 máy thu trực canh cho ngư dân; triển khai việc hỗ trợ gắn thiết bị (chíp) cho 3.000 tàu cá để thu phát tín hiệu từ vệ tinh. Tính đến cuối tháng 6/2013, cả nước đã lắp đặt được thiết bị kết nối vệ tinh cho 1.150 tàu cá.
Để nâng cao hiệu quả hoạt động đánh bắt xa bờ, các địa phương đã tổ chức đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng, thuyền viên cho ngư dân đi biển. Nhà nước cũng tăng cường hỗ trợ tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, hỗ trợ thiệt hại đối với các phương tiện sản xuất bị mất, bị hư hỏng nặng; cung cấp điện, nước ngọt, kho trữ dầu với giá bán bằng giá ở đất liền tại một số vùng ven biển, hải đảo…
Mặc dù vậy, việc thực hiện chính sách để giải quyết khó khăn cho ngư dân vẫn còn không ít gian nan khi quy hoạch, phát triển tàu thuyền chưa phù hợp thực tế, phương tiện khai thác ven bờ vẫn chiếm tỷ lệ lớn (như Cà Mau, loại phương tiện này chiếm đến hơn 65%), làm cho nguồn lợi hải sản vùng ven bờ đã và đang bị suy giảm mạnh. Ngoài ra, tình trạng khai thác bằng chất nổ, xung điện, hóa chất độc hại vẫn còn xảy ra ở hầu hết các tỉnh ven biển.
Việc tổ chức triển khai xây dựng các khu neo đậu, tránh trú bão chưa đồng bộ; đầu tư dự án còn dàn trải; chưa có các tiêu chuẩn ngành về các khu neo đậu tránh trú bão; chưa nghiên cứu tận dụng tối đa địa hình, điều kiện tự nhiên để xây dựng. Các cơ sở đóng tàu, sửa tàu cá còn manh mún, quy mô nhỏ, cơ sở vật chất kỹ thuật còn thiếu và yếu, chủ yếu đóng tàu nhỏ, vỏ gỗ theo mẫu và kinh nghiệm dân gian, báo cáo nêu.
Đoàn giám sát cũng nhận xét, công tác bảo quản, chế biến sản phẩm khai thác chưa được coi trọng, hiện nay việc bảo quản sản phẩm vẫn chủ yếu theo phương thức thủ công nên ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm khi tiêu thụ.
Công tác đào tạo nghề còn nhiều hạn chế, trình độ ngư dân đi biển còn thấp, khoảng 8,4% mù chữ, trên 50% mới tốt nghiệp tiểu học. Phần lớn lao động khai thác hải sản không được chủ tàu ký kết hợp đồng bằng văn bản, chỉ thoả thuận miệng, nên tình trạng quản lý, sử dụng lao động không ổn định, thiếu hụt, ảnh hưởng đến quá trình sản xuất.
Một trong những nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên được nêu tại báo cáo giám sát là do các chính sách hỗ trợ chưa phù hợp với điều kiện kinh tế của ngư dân. Người dân khó tiếp cận được với gói hỗ trợ mua mới, đóng mới tàu, thay máy tàu. Điều kiện cho vay theo cơ chế cho vay thương mại ít ngư dân chấp nhận được. Trình tự, thủ tục để được hỗ trợ còn bất cập...
Phần phụ lục của báo cáo giám sát đã ghi nhận hàng loạt kiến nghị của các địa phương để tháo gỡ các vướng mắc nói trên.
Thừa Thiên - Huế đề nghị Ngân hàng Nhà nước quy định, hướng dẫn các ngân hàng thương mại cho vay lấy chính tàu cá làm thế chấp (các tàu giao thông đều sử dụng hình thức này). Để bảo đảm tài sản thế chấp con tàu, chỉ yêu cầu chủ tàu đồng thời mua bảo hiểm thân tàu trong thời hạn làm tài sản thế chấp.
Kiến nghị được Cà Mau đưa ra là Chính phủ tiếp tục tăng mức tín dụng cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thủy sản vay, với lãi suất ưu đãi để phát triển sản xuất. Có cơ chế chính sách xóa nợ, khoanh nợ, giãn nợ đối với đối tượng cố gắng sản xuất trong lĩnh vực khai thác hải sản, nhưng do điều kiện khách quan nên không có khả năng trả nợ.
Theo phản ánh của tỉnh Thừa Thiên - Huế thì các quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản trong thời gian qua đã đạt những kết quả nhất định. Tuy nhiên, theo Ngân hàng Nhà nước, trong dư nợ cho vay đến ngày 31/1/2013 là 1.265,5 tỷ đồng thì chưa có ngư dân nào được vay trong gói tín dụng này.
Vì vậy, tỉnh này đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Ngân hàng nhà nước có thông tư hướng dẫn tạo thủ tục đơn giản để ngư dân có thể vay dễ dàng hơn.