TIN THỦY SẢN

Để nuôi trồng thủy sản phát triển xứng với tiềm năng, thế mạnh

Đầm nuôi tôm ở xã Nam Phú (Tiền Hải). Phan Lợi

Hơn 50km bờ biển cùng 4 sông lớn chảy qua đã tạo thuận lợi cho Thái Bình phát triển kinh tế biển, nhất là phát triển thủy hải sản. Bước đầu, tỉnh ta đã khai thác khá hiệu quả tiềm năng, thế mạnh về kinh tế biển, từng bước khẳng định nuôi trồng thủy sản (NTTS) là thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp.

Những năm gần đây, cơ sở vật chất kỹ thuật, kết cấu hạ tầng các vùng NTTS, việc nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật và ứng dụng kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất đã được tỉnh, huyện và người NTTS quan tâm đầu tư. Các cơ quan chức năng như Chi cục Nuôi trồng thủy sản, Trung tâm Khảo nghiệm Khuyến nông Khuyến ngư, Chi cục Thú y... đã tích cực, chủ động tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát triển NTTS của tỉnh, đồng thời bám sát cơ sở để cùng địa phương và người nuôi khắc phục khó khăn, ổn định sản xuất. Nhờ vậy, NTTS tiếp tục phát triển trên cả 3 lĩnh vực nước mặn, nước lợ, nước ngọt, đóng góp tích cực vào tốc độ tăng trưởng của ngành Nông nghiệp.

Theo số liệu của Chi cục Nuôi trồng thủy sản, năm 2012, tổng diện tích NTTS toàn tỉnh đạt 14.426ha, có 64 lồng nuôi cá, sản lượng đạt 100.900 tấn. Đến năm 2014, tổng diện tích NTTS đạt 15.292ha, tăng 6%; số lồng nuôi cá đạt 131 chiếc; sản lượng đạt 107.700 tấn, tăng 6,74%. Từ đầu năm 2015 đến nay, mặc dù thời tiết và dịch bệnh diễn biến phức tạp song toàn tỉnh vẫn nuôi thả thủy sản nước mặn, nước lợ và nước ngọt bằng diện tích năm 2014, trong đó diện tích nuôi ngao 3.293ha, nuôi thủy sản nước lợ 3.465ha và diện tích nuôi nước ngọt 8.288ha. Đối tượng nuôi trồng chính là ngao, tôm sú, cua, cá vược, cá song chấm nâu, cá bống bớp, cá rô phi, tôm thẻ chân trắng, rong câu chỉ vàng... Hình thức nuôi quảng canh và quảng canh cải tiến chiếm tỷ lệ cao. Việc nuôi tôm thẻ chân trắng cho năng suất cao, đạt từ 10 - 15 tấn/ha, đang từng bước mở ra phương thức mới nuôi thâm canh và bán thâm canh.

Thực tế cho thấy, có được kết quả trên trước hết là nhờ công tác xây dựng kế hoạch, quy hoạch, ban hành các cơ chế, chính sách phục vụ phát triển kinh tế biển được tỉnh quan tâm triển khai thực hiện, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế đầu tư phát triển như quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng ven biển, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Tiền Hải, huyện Thái Thụy, quy hoạch các thị trấn ven biển như Diêm Điền, Đông Minh… quy hoạch khu du lịch sinh thái cồn Vành, cồn Đen… Giai đoạn 2012 - 2015, chỉ riêng Chi cục Nuôi trồng thủy sản đã xây dựng 29 mô hình và tổ chức 144 lớp tập huấn thuộc chương trình khuyến ngư; tham gia xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển nuôi ngao vùng bãi triều ven biển hai huyện Tiền Hải, Thái Thụy (năm 2012); xây dựng đề án phát triển nuôi cá lồng trên sông (năm 2013), xây dựng quy hoạch nuôi cá lồng trên sông; sơ kết 2 năm thực hiện quy hoạch phát triển nuôi ngao vùng bãi triều ven biển hai huyện Tiền Hải, Thái Thụy... Trên cơ sở các quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, UBND tỉnh đã ban hành nhiều quy định, chính sách phục vụ phát triển kinh tế biển. Vụ nuôi thả thủy sản vụ xuân hè năm 2015, UBND tỉnh đã trích kinh phí hỗ trợ trên 11,1 tấn hóa chất cho 8 xã ven biển, qua đó tạo động lực khích lệ các hộ NTTS ven biển yên tâm sản xuất.

Bên cạnh thuận lợi, lĩnh vực sản xuất, NTTS cũng gặp không ít khó khăn. Sản xuất phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên, mùa vụ và thị trường; cơ sở hạ tầng sản xuất, NTTS trong tỉnh tuy đã được đầu tư, nâng cấp nhưng chưa đủ để khắc phục những tồn tại, bất cập; môi trường NTTS đang có xu hướng suy giảm do chịu ảnh hưởng của các loại chất thải chưa qua xử lý; một số giống nuôi (ngao, tôm) còn bị động và tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh...

Để khắc phục tồn tại, phát huy tiềm năng, lợi thế kinh tế biển, tỉnh đang thực hiện quai đê lấn biển tại hai xã Đông Minh và Nam Thịnh, mở rộng diện tích tự nhiên để NTTS, trồng rừng, phát triển thương mại, dịch vụ và phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh khu vực ven biển. Cùng với đó, khuyến khích áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, sinh học vào NTTS để đẩy mạnh nuôi bán thâm canh và thâm canh, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả theo hướng phát triển bền vững. Tiếp tục mở rộng diện tích nuôi ngao vùng bãi triều theo quy hoạch đã được phê duyệt; chuyển một phần diện tích nuôi tôm sú kém hiệu quả sang ương, nuôi ngao giống, ngao thịt và một số con nuôi khác có giá trị kinh tế cao hơn. Thực hiện đa dạng hóa đối tượng nuôi, trong đó xác định một số sản phẩm chủ lực như ngao, cua xanh, cá vược, tôm sú, tôm he chân trắng... và nghiên cứu đưa vào nuôi một số giống thủy sản có giá trị kinh tế cao, phù hợp với đặc điểm môi trường sinh thái của tỉnh. Triển khai thực hiện có hiệu quả lĩnh vực chế biến thủy hải sản, bảo đảm gắn kết chặt chẽ giữa chế biến và vùng nguyên liệu. Đặc biệt, để tái cơ cấu lĩnh vực thủy sản, cần xây dựng, phát triển doanh nghiệp, liên kết sản xuất thủy sản theo chuỗi, có sự phân công hợp lý giữa các thành viên trong chuỗi.

Phan Lợi Báo Thái Bình, 22/09/2015