TIN THỦY SẢN

Để tránh thiệt hại trong nuôi tôm

Nông dân thị xã Ninh Hòa cải tạo ao nuôi tôm Hải Lăng

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Khánh Hòa vừa có hướng dẫn lịch thời vụ thả nuôi tôm nước lợ năm 2016. Để tránh thiệt hại trong nuôi trồng thủy sản (NTTS), người dân cần tuân thủ các khuyến cáo của cơ quan chức năng.

Năm 2015, do thời tiết bất lợi, hầu hết các vùng NTTS trên địa bàn thị xã Ninh Hòa bị thiệt hại nặng nề, người dân thua lỗ nặng. Tại phường Ninh Hà, trong tổng số khoảng 470ha nuôi tôm nước lợ thì có hơn 80% diện tích bị thiệt hại do dịch bệnh. Trong khi đó, tại xã Ninh Lộc, trong tổng số 450ha nuôi tôm, có hơn 186ha gần như bị thiệt hại hoàn toàn.

Ông Hồ Đức Hùng - Chủ tịch Hội Nông dân xã Ninh Lộc cho biết, năm 2015, do thời tiết bất lợi, hầu hết diện tích nuôi tôm trong xã đều bị dịch bệnh, tôm chết. Trong khi đó, người nuôi lại không tuân thủ khuyến cáo của cơ quan chuyên môn trong việc xử lý ao nuôi. Thậm chí, có trường hợp, hộ này có tôm chết xả nước trong ao ra, hộ khác lại lấy nước vào nên dịch bệnh dễ lây lan trên diện rộng, khiến cho ngành NTTS của địa phương thiệt hại nặng.

Theo thống kê của Sở NN-PTNT, năm 2015, diện tích NTTS trên địa bàn tỉnh giảm gần 10% so với năm 2014, chỉ đạt 5.274ha. Sản lượng thủy sản nuôi trồng trên địa bàn tỉnh cũng giảm hơn 3,6%, với 13.679 tấn. Trong đó, sản lượng tôm thẻ chân trắng đạt 5.451 tấn, giảm 11,34%; tôm sú đạt 340 tấn, giảm 20,84%...

Năm 2016, dự báo tiếp tục là một năm khó khăn đối với NTTS, khi thời tiết tiếp tục diễn biến phức tạp, nắng nóng tiếp tục kéo dài sẽ khiến các đối tượng nuôi dễ gặp dịch bệnh, phát triển chậm, thậm chí nhiều diện tích không thể đưa vào sản xuất. Trong khi đó, cơ sở hạ tầng vùng nuôi, hệ thống thủy lợi phục vụ NTTS trên địa bàn tỉnh chưa được đầu tư, quy mô nuôi còn nhỏ lẻ, số hộ có 1 - 2 ao nuôi còn nhiều. Theo ông Huỳnh Kim Khánh - Chi cục trưởng Chi cục NTTS tỉnh, hiện nay, hạ tầng các vùng NTTS trên địa bàn tỉnh chưa đáp ứng được yêu cầu, không có kênh cấp, kênh thoát riêng biệt; nghề nuôi phát triển tự phát, không theo quy hoạch. Thực tế, đa số các hộ nuôi chỉ có 1 - 2 ao/hộ, diện tích nuôi nhỏ (2.000 - 3.000m2) và không có ao lắng, xử lý nước trước khi thả nuôi. Chính vì vậy, khi có dịch bệnh, người nuôi không chủ động được nguồn nước đã qua xử lý, dẫn đến tình trạng lấy nguồn nước mang mầm bệnh vào ao nuôi làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Để chủ động trong NTTS, Sở NN-PTNT đã có thông báo lịch thời vụ nuôi tôm nước lợ năm 2016. Theo đó, đối với tôm sú chỉ nên thả nuôi 1 vụ, thời gian bắt đầu thả giống từ tháng 3 đến tháng 7; nếu nuôi thâm canh, bán thâm canh thì chỉ nên thả với mật độ 15 - 20 con post 15/m2; nếu nuôi quảng canh, quảng canh cải tiến thì chỉ nên thả với mật độ 5 - 10 con post 15/m2. Đối với tôm thẻ chân trắng, thả giống từ tháng 2 đến tháng 9; nếu nuôi trên ao lót bạt thả mật độ hơn 100 con/m2; nếu nuôi trên ao đất, tùy vào số lượng ao nuôi có thể thả nuôi với mật độ khoảng 20 - hơn 50 con/m2 (hộ có ít ao thì mật độ thả phải thưa).

Theo chia sẻ của ông Huỳnh Kim Khánh, muốn hạn chế thiệt hại trong NTTS, các địa phương cần phải thành lập các tổ liên kết, người nuôi trực tiếp quản lý và điều chỉnh các hoạt động phục vụ NTTS của mình. Một giải pháp quan trọng về lâu dài là phải có chính sách để khuyến khích người dân dồn ao. Bởi với 1 ao nuôi, các hộ sẽ rất khó khăn trong đảm bảo điều kiện nuôi. Muốn vậy, các hộ nuôi phải hợp tác với nhau, liên kết thành một nhóm để có ao chứa lắng, xử lý nước cấp và thải nước theo đúng quy định để cùng nuôi và chia sẻ lợi nhuận. Một vấn đề quan trọng khác là kênh mương phục vụ NTTS trên địa bàn tỉnh phải được đầu tư nạo vét, bởi nhiều năm qua, hệ thống thủy lợi chưa được đầu tư. Bên cạnh đó, hiện nay, nhiều mô hình NTTS theo hướng an toàn sinh học đã cho thấy hiệu quả, người nuôi cần áp dụng…

Sở NN-PTNT cũng khuyến cáo nông dân cần tuân thủ nghiêm các hướng dẫn trong NTTS để tránh thiệt hại; không sử dụng hóa chất, kháng sinh cấm sử dụng theo quy định của Bộ NN-PTNT. Bên cạnh đó, các hộ nuôi trong cùng khu vực có chung hệ thống cấp và tiêu nước, nên tổ chức nạo vét kênh mương để tăng khả năng cấp thoát nước khu vực nuôi của mình; nên thả giống đồng loạt tại các vùng nuôi tôm tập trung…

Hải Lăng Báo Khánh Hòa, 02/02/2016