TIN THỦY SẢN

Đề xuất tiếp tục triển khai đề án ngăn chặn đưa tạp chất vào con tôm

Quang cảnh hội nghị Trần Nguyên

Gần đây có hiện tượng các đối tượng nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam qua đường du lịch nhưng tổ chức thu mua, thuê bơm chích tạp chất để xuất khẩu sang nước láng giềng theo đường tiểu ngạch, làm cho tình hình càng diễn biến phức tạp.

Thông tin được nêu ra tại Hội nghị tổng kết Đề án kiểm soát ngăn chặn hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất, kinh doanh sản phẩm tôm có chứa tạp chất (Đề án), do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức tại Cà Mau, sáng 20/2. Dự Hội nghị có Phó Chủ tịch UBND tỉnh, ông Lê Văn Sử.

Sau 2 năm thực hiện Đề án (theo Quyết định số 2419/QĐ-TTg ngày 13/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ), đối với 4 tỉnh trọng điểm về con tôm của cả nước (Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang, Sóc Trăng), qua kiểm tra, phát hiện 177 vụ việc, với trên 30 tấn nguyên liệu thủy sản có chứa tạp chất, xử phạt trên 5,4 tỷ đồng.

Chỉ xử phạt hành chính, chưa có trường hợp nào được áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung: Tước quyền sử dụng giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, đình chỉ hoạt động. Việc xem xét, xử lý trách nhiệm đối với chính quyền cấp huyện, xã để xảy ra vi phạm về tạp chất vẫn chưa được thực hiện đầy đủ, quyết liệt.

Theo Luật Thủy sản (có hiệu lực đầu năm 2019), hành vi “đưa tạp chất vào thủy sản nhằm mục đích gian lận thương mại” là một trong những hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động thủy sản.

Đây là cơ sở pháp lý quan trọng, làm căn cứ để triển khai các hoạt động tiếp theo: Xác định tội danh đối với hành vi tổ chức, tham gia đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất kinh doanh tôm có chứa tạp chất theo Bộ luật Hình sự từ yêu cầu của Đề án. 

Là địa phương trọng điểm của ngành tôm trên cả nước, ông Châu Công Bằng - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cà Mau, đề xuất: “Mặc dù tổ chức 100% cơ sở thu mua, sơ chế ký kết không đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu, nhưng việc tuân thủ theo cam kết chưa triệt để, hiện vẫn còn nhen nhóm tình trạng, kể cả có doanh nghiệp tổ chức bơm tạp chất vào tôm. Mục tiêu của Đề án là đến cuối năm 2018 cơ bản chấm dứt tình trạng đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu, tuy nhiên, tình trạng này vẫn còn diễn biến phức tạp, Cà Mau đề nghị Chính phủ tiếp tục cho triển khai Đề án”.

Ngành tôm Việt Nam bắt đầu xuất khẩu vào những năm 80, đến những năm 90 bắt đầu xuất hiện tình trạng đưa tạp chất vào nguyên liệu thủy sản, làm ảnh hưởng đến chất lượng, thương hiệu thủy sản Việt Nam, mà chủ yếu trên con tôm.

Năm 2018, xuất khẩu con tôm Việt Nam đạt trên 4,2 tỷ USD, riêng tại Cà Mau đã đạt trên 1 tỷ USD.

Trần Nguyên Báo Ảnh Đất Mũi