Đến lượt lo bị kiện chống trợ cấp
Một bức tranh sơ bộ về các vụ kiện chống trợ cấp do Mỹ tiến hành với các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cũng như một số kinh nghiệm thực tiễn trong việc tham gia các vụ việc chống trợ cấp của Mỹ.
Trải qua hơn 70 cuộc điều tra chống bán phá giá, doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam ít nhiều đã quen với cụm từ “bán phá giá”, và ở một mức độ nhất định, đã hiểu cách thức một vụ kiện chống bán phá giá được tiến hành. Với sự phổ biến như vậy, không có gì ngạc nhiên khi nói về các vụ kiện phòng vệ thương mại, doanh nghiệp thường liên tưởng ngay đến các vụ kiện chống bán phá giá.
Nhưng trong năm năm qua đã có đến bảy vụ kiện chống trợ cấp đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, trong đó riêng Mỹ đã tiến hành tới năm vụ.
Việc áp dụng luật chống trợ cấp của Mỹ đối với nền kinh tế phi thị trường
Một điều ít được biết đến là trước đây, Mỹ không áp dụng luật chống trợ cấp đối với các nước được xem là nền kinh tế phi thị trường như Việt Nam với lập luận rằng không thể đánh giá thích đáng mức độ bóp méo thị trường do các khoản trợ cấp gây ra trong nền kinh tế không hoạt động theo nguyên tắc thị trường. Luận điểm cũng được tòa án Mỹ thông qua trong án lệ Georgetown Steel 1986. Từ thời điểm đó, không có cuộc điều tra chống trợ cấp nào được tiến hành đối với hàng hóa nhập khẩu từ các nước Mỹ xem là phi thị trường. Mãi cho đến năm 2006, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) mới tiến hành vụ kiện chống trợ cấp đối với Trung Quốc. Lý do là DOC cho rằng nền kinh tế Trung Quốc nay đã khác biệt đáng kể so với các nền kinh tế theo mô hình chủ nghĩa xã hội Xô Viết từng được xem xét đến trong án lệ Georgetown Steel 1986. Sự chuyển biến về chính sách này được cho là một trong các nỗ lực nhằm đối phó với thâm hụt thương mại từ Trung Quốc giai đoạn sau khi Trung Quốc gia nhập WTO năm 2001.
Kể từ sau thời điểm này, Mỹ đã tiến hành sửa đổi các quy định pháp luật liên quan. Cuối cùng, vào tháng 3-2012, Chính quyền Obama đã thông qua đạo luật P.L. 112-99, chính thức mở cửa cho việc áp dụng luật chống trợ cấp của Mỹ đối với các nền kinh tế phi thị trường, trong đó có Việt Nam.
Chống trợ cấp và chống bán phá giá?
Tiến trình điều tra chống trợ cấp của Mỹ cơ bản giống như tiến trình các cuộc điều tra chống bán phá giá. Khác biệt cơ bản nhất giữa hai hình thức điều tra này là trong cuộc điều tra chống trợ cấp, DOC sẽ điều tra các cáo buộc về trợ cấp thay vì cáo buộc về bán phá giá. Do đó, thay vì tính toán biên độ phá giá, DOC sẽ tính toán biên độ trợ cấp.
Để tính toán biên độ trợ cấp, trước tiên DOC cần xác định lợi ích mà doanh nghiệp Việt Nam nhận được trong một chương trình trợ cấp cụ thể trong kỳ điều tra - thông thường là giai đoạn 12 tháng trước ngày đơn kiện chống trợ cấp được nộp. Do Việt Nam được xem là nền kinh tế phi thị trường, DOC cũng sử dụng các giá trị thay thế để tính toán lợi ích doanh nghiệp Việt Nam được cho là nhận được từ các chương trình trợ cấp, ví dụ như lãi suất vay ưu đãi hay các ưu đãi về tiền thuê đất. Sau đó DOC chia giá trị của khoản lợi ích được tính toán như trên cho doanh số xuất khẩu của doanh nghiệp sang Mỹ trong kỳ điều tra để có được biên độ trợ cấp.
Theo quan sát của chúng tôi từ các vụ việc chống trợ cấp do Mỹ tiến hành từ trước đến nay, các chính sách mang tính hỗ trợ doanh nghiệp như ưu đãi về tiền thuê đất, ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn thuế nhập khẩu... đều có khả năng trở thành đối tượng của một vụ kiện chống trợ cấp.
Chẳng hạn, trong cuộc điều tra chống trợ cấp gần đây nhất đối với tôm nước ấm đông lạnh của Việt Nam, một trong các chương trình được cho là trợ cấp có thể đối kháng là ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp mà một công ty ở tỉnh Kiên Giang được hưởng do tỉnh Kiên Giang được xếp loại là vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Tóm lại, bất kỳ chính sách nào của Chính phủ cấu thành khoản đóng góp tài chính cho một công ty hay một ngành công nghiệp cụ thể đều có khả năng bị kiện chống trợ cấp.
Vai trò của Chính phủ trong các vụ kiện chống trợ cấp
Không giống như trong cuộc điều tra chống bán phá giá - doanh nghiệp đóng vai trò quyết định đối với kết quả của vụ việc, Chính phủ đóng vai trò quan trọng trong các vụ kiện chống trợ cấp. Do đó, trong quá trình chuẩn bị cho bất kỳ cuộc điều tra chống trợ cấp nào, Chính phủ và các doanh nghiệp liên quan cần làm việc trước với nhau để thống nhất về phương hướng hành động chung trong việc trả lời các bảng câu hỏi cũng như thống nhất về chiến lược hành động trong suốt vụ việc. Nói cách khác, Chính phủ và các bên trả lời liên quan phải thảo luận và, nếu có thể, thống nhất chiến lược đối phó.
Các luận điểm/bằng chứng cần được tập trung
Một cách tổng quát, một cáo buộc có trợ cấp phải thỏa mãn ba tiêu chí sau để được thông qua:
Thứ nhất, có khoản đóng góp tài chính từ Chính phủ;
Thứ hai, khoản trợ cấp phải cụ thể, nghĩa là khoản trợ cấp chỉ được trao cho một nhóm công ty hoặc một ngành cụ thể;
Thứ ba, một khoản lợi ích thực tế được tạo ra từ khoản trợ cấp đó.
Kinh nghiệm từ các vụ kiện chống trợ cấp trước đây cho thấy không khó để các doanh nghiệp đi kiện chứng minh hai tiêu chí đầu tiên, nhất là khi các chính phủ thường duy trì các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong nước. Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải vận dụng tốt tiêu chí thứ ba. Mục tiêu cuối cùng của việc này là doanh nghiệp phải chứng minh được, bất kể việc có hay không có các chương trình trợ cấp, là các chương trình đó hoặc đã không được sử dụng trong kỳ điều tra hoặc không phải là đối tượng chịu biện pháp chống trợ cấp, và doanh nghiệp thực tế không ghi nhận được khoản lợi ích nào từ chương trình trợ cấp.
Việc gia nhập Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng như các hiệp định thương mại tự do khác hứa hẹn thúc đẩy mạnh mẽ kim ngạch xuất khẩu, đặc biệt là các lĩnh vực thế mạnh của Việt Nam như may mặc và chế biến thủy sản. Tuy nhiên, đi cùng với nó là nguy cơ sẽ có ngày càng nhiều các vụ kiện chống trợ cấp do các doanh nghiệp nước ngoài tiến hành với mục đích bảo hộ ngành công nghiệp của họ khi hàng rào thuế quan dần được loại bỏ. Do đó, doanh nghiệp Việt Nam nên xem đây là rủi ro kinh doanh thông thường và chủ động tìm hiểu để có chiến lược ứng phó thích hợp nhất nhằm giảm thiểu tối đa tổn thất.
Rủi ro pháp lý đối với các doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài không còn đơn thuần là các vụ kiện chống bán phá giá nữa mà có cả kiện chống trợ cấp.
(*) Matthew McConkey là luật sư thành viên phụ trách Nhóm Thương mại toàn cầu, hãng luật Mayer Brown, làm việc tại văn phòng Washington DC.
Nguyễn Hải là luật sư thương mại quốc tế tại văn phòng Mayer Brown JSM, TPHCM.